Xã hội

Thành phố trực thuộc Trung ương trẻ nhất Việt Nam có đến 8 di sản thế giới, thu 7.900 tỷ đồng/năm nhờ 'ngành công nghiệp không khói'

Linh Chi 12/02/2025 - 23:02

Với những thành tựu ấn tượng này, năm 2025, ngành du lịch Huế đặt mục tiêu thu hút từ 4,8 đến 5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 55% đến 60%. Tổng thu từ du lịch dự kiến sẽ vượt mốc 10.000 tỷ đồng.

Từ ngày 1/1/2025, tỉnh Thừa Thiên - Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam. Với lợi thế các công trình có giá trị văn hóa, lịch sử, thành phố này là một điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành du lịch và kinh tế địa phương.

Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 từ ngày 25/1 đến 2/2 (tức từ 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ), thành phố Huế đã phục vụ hơn 150 nghìn lượt khách du lịch, tăng trưởng 36,67% so với Tết 2024. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 69.000 lượt, khách nội địa vượt 81.000 lượt. Doanh thu từ ngành du lịch trong dịp Tết ước tính đạt 245 tỷ đồng, tăng 48,48% so với cùng kỳ năm trước.

Thành phố trực thuộc Trung ương trẻ nhất Việt Nam có đến 8 di sản thế giới, thu 7.900 tỷ đồng/năm nhờ 'ngành công nghiệp không khói' - ảnh 1
Ảnh: Thành Đạt

Năm 2024, thành phố Huế đón gần 3,9 triệu lượt khách, tăng 21,8% so với năm 2023, trong đó có gần 1,45 triệu lượt khách quốc tế và gần 2,5 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu từ ngành du lịch ước đạt 7.900 tỷ đồng.

Ngoài ra, Huế cũng nhận được nhiều giải thưởng quốc tế. Cụ thể, trong năm 2024, thành phố được vinh danh trong Giải thưởng Travelers’ Choice Best of the Best Destinations, xếp thứ 8 trong danh sách 25 điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới. Huế cũng vinh dự nhận giải Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2024.

Với những thành tựu ấn tượng này, năm 2025, ngành du lịch Huế đặt mục tiêu thu hút từ 4,8 đến 5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 55% đến 60%. Tổng thu từ du lịch dự kiến sẽ vượt mốc 10.000 tỷ đồng.

Thành phố trực thuộc Trung ương trẻ nhất Việt Nam có đến 8 di sản thế giới, thu 7.900 tỷ đồng/năm nhờ 'ngành công nghiệp không khói' - ảnh 2
Ảnh: Thành Đạt

Thừa Thiên Huế cũng là địa phương duy nhất của Việt Nam có 8 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản thế giới và di sản khu vực. Cụ thể là Quần thể Di tích Cố đô Huế được công nhận vào năm 1993, Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017) và Những bản đúc nổi trên Cửu Đỉnh (2024).

Nổi tiếng bởi vẻ đẹp yên bình, du khách đến Huế không khỏi trầm trồ trước khung cảnh mộng mơ và lãng mạn nơi đây. Đến đây, chỉ cần dạo quanh thành phố Huế, thả bước bên bờ sông Hương hay ngắm nhìn hơi thở cuộc sống chậm rãi, nhẹ nhàng đã khiến du khách mê mẩn, không muốn rời đi.

Đặc biệt, đến đây du khách không nên bỏ qua những điểm đến hấp dẫn này:

Chợ Đông Ba

Chợ Đông Ba được thành lập từ năm 1899, là một trong những biểu tượng nổi bật của Huế. Ngôi chợ lâu đời này luôn nhộn nhịp với không khí mua bán sôi động. Chợ kéo dài từ cầu Gia Hội đến cầu Trường Tiền, có hàng nghìn gian hàng đa dạng. Khi bước vào chợ, du khách sẽ cảm nhận được không gian đặc trưng của một khu chợ Huế với các món ăn ngon, quần áo, vải vóc, mũ nón, mắm, bánh trái chỉ có ở Huế...

Thành phố trực thuộc Trung ương trẻ nhất Việt Nam có đến 8 di sản thế giới, thu 7.900 tỷ đồng/năm nhờ 'ngành công nghiệp không khói' - ảnh 3
Quốc học Huế. Ảnh: Internet

Quốc học Huế

Trường Quốc học Huế được xây dựng vào năm 1896 dưới triều vua Thành Thái, là trường trung học đầu tiên tại Huế. Trường tọa lạc tại số 12 đường Lê Lợi, ngay trung tâm thành phố, với các công trình mang sắc đỏ đặc trưng và những hàng cây cổ thụ xanh mát quanh năm.

Khuôn viên rộng lớn của trường là điểm đến lý tưởng để dạo chơi, tham quan các công trình kiến trúc Pháp cổ, hoặc chụp những bức ảnh kỷ niệm.

Không chỉ có lịch sử lâu đời, trường Quốc học Huế còn nổi tiếng bởi chất lượng đào tạo hàng đầu cả nước. Đây là "cái nôi" đào tạo hàng nghìn học sinh giỏi quốc gia, lập kỷ lục chương trình "Đường lên đỉnh Olympia".

Thời gian tham quan thích hợp là buổi trưa (11h30) hoặc sau 17h khi trường vắng học sinh.

Thành phố trực thuộc Trung ương trẻ nhất Việt Nam có đến 8 di sản thế giới, thu 7.900 tỷ đồng/năm nhờ 'ngành công nghiệp không khói' - ảnh 4
Ảnh: Thành Đạt

Cầu Trường Tiền (hay cầu Tràng Tiền)

Cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương, gắn với thành phố mà ai nhắc đến Huế cũng đều nhớ. Vào ban ngày, cầu mang vẻ trầm mặc, in bóng xuống dòng sông, nhưng khi đêm đến, ánh đèn lung linh khiến không gian trở nên huyền ảo/

Du khách có thể dạo bộ dọc bờ sông Hương vào buổi chiều hoặc tối để cảm nhận cuộc sống của người dân xứ Huế.

Sông Hương

Sông Hương uốn lượn quanh co, chảy qua các làng như Kim Long, Vĩ Dạ, Đông Ba, Gia Hội, Nam Phổ. Du khách có thể tham gia các chuyến du ngoạn trên sông, thưởng thức âm nhạc ca Huế, một sự kết hợp giữa nhã nhạc cung đình và ca hát dân gian, ngắm nhìn cảnh đẹp với giá vé dao động từ 100.000 - 150.000 đồng mỗi người.

Đồi Vọng Cảnh

Đồi Vọng Cảnh cao 43m, nằm ở phía Tây Nam thành phố Huế, gần sông Hương và các điểm du lịch nổi tiếng như làng hương Thủy Xuân, lăng vua Tự Đức, lăng Thiệu Trị. Đây là nơi lý tưởng để chiêm ngưỡng cảnh đẹp, đặc biệt vào lúc hoàng hôn, khi ánh mặt trời chiếu xuống sông Hương, thuyền rồng nhẹ trôi tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp.

Đại Nội Huế

Đại Nội Huế là một quần thể kiến trúc lịch sử đồ sộ với hơn 100 công trình nổi bật như Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, Hưng Miếu, Thế Miếu... Các công trình này được xây dựng theo các nguyên tắc phong thủy và triết lý của người xưa.

Du khách có thể tham quan Đại Nội từ sáng sớm để tránh cái nắng nóng mùa hè. Khi đến đây, mọi người có thể thuê áo Nhật Bình để chụp ảnh với mức giá khoảng 100.000 đồng/bộ.

Thành phố trực thuộc Trung ương trẻ nhất Việt Nam có đến 8 di sản thế giới, thu 7.900 tỷ đồng/năm nhờ 'ngành công nghiệp không khói' - ảnh 5
Ảnh: Thành Đạt

Lăng tẩm

Triều đại Nguyễn có 13 vua nhưng chỉ có 7 lăng tẩm được xây dựng và vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Mỗi lăng tẩm có một kiến trúc đặc sắc riêng.

Lăng Gia Long hay còn gọi là Thiên Thọ Lăng, được xây dựng từ năm 1814 đến năm 1820, nằm giữa quần thể núi Thiên Thọ thuộc xã Hương Thọ, huyện Hương Trà. Đây là nơi an nghỉ của vua Gia Long (1762 - 1820), vị vua đầu tiên trong số 13 đời vua nhà Nguyễn.

Thành phố trực thuộc Trung ương trẻ nhất Việt Nam có đến 8 di sản thế giới, thu 7.900 tỷ đồng/năm nhờ 'ngành công nghiệp không khói' - ảnh 6
Ảnh: Thành Đạt

Lăng Khải Định nằm trên triền núi Châu Chữ thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, là nơi yên nghỉ của vua Khải Định (1885 - 1925). Lăng này có diện tích nhỏ nhất trong các lăng tẩm triều Nguyễn, nhưng lại tốn công sức và tiền của nhất trong việc xây dựng. Kiến trúc lăng Khải Định là sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Đông và Tây, phản ánh sở thích xa hoa của vua Khải Định trong suốt cuộc đời của ông.

Lăng Tự Đức, hay còn gọi là Khiêm Cung, tọa lạc trong một thung lũng hẹp ở thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, TP Huế. Lăng này có kiến trúc rất cầu kỳ, nằm giữa phong cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ, và được xem là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của hoàng gia triều Nguyễn. Lăng Tự Đức được xây dựng từ năm 1864 đến năm 1867 trên diện tích lên đến 475 ha, với gần 50 công trình trong khuôn viên lăng. Các công trình này đều mang chữ "Khiêm" trong tên gọi, phản ánh triết lý sống của vua Tự Đức. Ngoài lăng Tự Đức, khuôn viên còn có lăng mộ Kiến Phúc, vua thứ 7 của triều Nguyễn.

Thành phố trực thuộc Trung ương trẻ nhất Việt Nam có đến 8 di sản thế giới, thu 7.900 tỷ đồng/năm nhờ 'ngành công nghiệp không khói' - ảnh 7
Ảnh: Thành Đạt

Lăng Dục Đức, hay còn gọi là An Lăng, tọa lạc ở phường An Cựu, TP Huế, được xây dựng vào năm 1889. Đây là nơi an táng các vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân. So với các lăng tẩm khác, lăng Dục Đức có kiến trúc khá đơn giản và khiêm tốn, được thiết kế hài hòa với thiên nhiên. Lăng Dục Đức lấy đồi Phước Quả làm tiền án, núi Tam Thai làm hậu chẩm và dòng khe chảy vòng qua trước lăng làm minh đường tụ thủy.

Lăng Minh Mạng, còn được gọi là Hiếu Lăng, có cổng chính Đại Hồng Môn, mở một lần duy nhất để đưa quan tài của vua vào lăng. Sau đó, chỉ có thể ra vào qua hai cổng phụ là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Lăng Minh Mạng có khung cảnh thơ mộng, với nhiều hồ nước trong xanh, và vào mùa hè, những đầm sen nở thơm ngát.

Lăng Đồng Khánh, nằm trong quần thể di tích cố đô Huế, là nơi an táng vua Đồng Khánh (1864 - 1889), vị vua thứ 9 của triều Nguyễn. Lăng Đồng Khánh nằm giữa vùng quê hiện nay là thôn Thượng Hai, phường Xuân Thủy, TP Huế. Kiến trúc của lăng Đồng Khánh là sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc truyền thống Việt Nam và ảnh hưởng của kiến trúc Tây Âu, tạo nên một vẻ đẹp độc đáo cho công trình này.

Thành phố trực thuộc Trung ương trẻ nhất Việt Nam có đến 8 di sản thế giới, thu 7.900 tỷ đồng/năm nhờ 'ngành công nghiệp không khói' - ảnh 8
Ảnh: Thành Đạt

Cung An Định

Cung An Định hay còn gọi là "cung điện mùa hè" của triều đình Huế, là một công trình kiến trúc tân cổ điển với vẻ đẹp lạ mắt, mang đậm dấu ấn của kiến trúc châu Âu cổ kính nhưng lại hòa quyện với những hoa văn truyền thống của cung đình Huế. Đây là một trong những công trình kiến trúc nổi bật được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ, tọa lạc trên đồi Hà Khê, cách Đại Nội khoảng 5 km về phía tây, là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Huế. Du khách có thể tham quan tháp Phước Duyên 7 tầng, điện Đại Hùng, vườn cây, khu trưng bày di vật của hòa thượng Thích Quảng Đức. Nếu còn thời gian, du khách cũng có thể ghé thăm chùa Huyền Không Sơn Thượng. Các ngôi chùa ở Huế thường không thu phí tham quan, nhưng du khách cần ăn mặc lịch sự và giữ trật tự để tôn trọng không gian thanh tịnh tại đây.

* Tổng hợp

>>‘Đảo ngọc’ đẹp thứ 2 thế giới của Việt Nam là nơi phát triển du lịch nhanh nhất Đông Nam Á

Việt Nam chính thức có thêm một Vườn quốc gia rộng 25.600ha: Nằm trên địa phận 5 xã và thị trấn tại tỉnh đông dân nhất nước, có hai cây di sản trên 1.000 năm tuổi

Bảo tàng ngoài trời với những nhà thờ 1.000 năm tuổi ‘đục khoét’ trong lòng núi đá, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-tre-nhat-viet-nam-co-den-8-di-san-the-gioi-thu-7900-ty-dongnam-nho-nganh-cong-nghiep-khong-khoi-136645.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thành phố trực thuộc Trung ương trẻ nhất Việt Nam có đến 8 di sản thế giới, thu 7.900 tỷ đồng/năm nhờ 'ngành công nghiệp không khói'
    POWERED BY ONECMS & INTECH