Một loại hạt của Việt Nam đạt kỷ lục khi xuất khẩu mang về 4,18 tỷ USD trong năm 2023. Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn, thế giới đang phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ta.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, cho biết, doanh nghiệp đang không đủ người để tiếp các đoàn khách từ nhiều nơi trên thế giới đến tìm hiểu và mua cà phê Việt Nam
Theo ông, cà phê Việt Nam trước kia không được đánh giá cao, bị coi là chất lượng thấp nên giá bán không cao. Giờ đây, cà phê của nước ta trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà nhập khẩu trong phân khúc Robusta. Ngoài ra, Việt Nam gần như là nhà cung cấp cà phê Robusta số 1 không chỉ về sản lượng mà còn về chất lượng và khả năng cung ứng.
Năm 2023, có thời điểm cà phê trong nước rơi vào tình trạng hết hàng để xuất khẩu, ông Thông cho hay.
Tại họp báo cuối năm của Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến báo tin, cùng với gạo và rau quả, xuất khẩu cà phê thu tiền nhiều kỷ lục lịch sử.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, năm 2023 nước ta xuất khẩu khoảng 1,61 triệu tấn cà phê, thu về 4,18 tỷ USD. Cà phê xếp top 5 trong nhóm hàng ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu cao nhất năm.
Đáng chú ý, lượng cà phê xuất khẩu dù giảm tới 9,6% so với năm 2022, nhưng kim ngạch lập kỷ lục lịch sử. Đó là bởi giá xuất khẩu loại hạt này của nước ta tăng mạnh.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 10/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam cao chưa từng có với 3.603 USD/tấn, tăng 40,7% so với tháng 10/2022. Tính ra, giá xuất khẩu bình quân cà phê năm 2023 đạt mức 2.834 USD/tấn, tăng 14,1% so với năm 2022.
Chuyên gia cho rằng, nguồn cung cà phê năm vừa qua sụt giảm khiến hàng khan hiếm hơn. Cùng với đó, lạm phát diễn ra trên toàn cầu, người tiêu dùng chuyển mạnh từ Arabica giá cao sang sử dụng cà phê Robusta có mức giá rẻ hơn, khiến giá cà phê Robusta trên thế giới tăng mạnh.
Là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới nên những nguyên nhân này tác động ngay tới giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam.
Nhìn lại năm 2023, giá cà phê Robusta trong nước biến động mạnh. Thời điểm đầu năm, giá cà phê duy trì ở ngưỡng 37.000-40.000 đồng/kg sau đó tăng dần, vượt qua các mốc 50.000 đồng, 60.000 đồng/kg. Giá cà phê thiết lập mức kỷ lục lịch sử vào tháng 7/2023 rồi quay đầu giảm nhẹ.
Đến cuối năm 2023, giá cà phê Robusta trên thế giới chạm đỉnh 28 năm do lo tồn kho ở mức thấp và tình trạng hạn chế bán ra của các nhà cung ứng lớn. Loại hạt này của nước ta hưởng lợi, giá vào đà tăng giá mạnh.
Cuối tháng 12 vừa qua, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng 9.100-9.400 đồng/kg, lên mức 67.200-68.000 đồng/kg so với cuối tháng 11. So với thời điểm đầu năm, giá tăng gần gấp đôi.
Năm 2024, có nhiều thông tin trái chiều tác động đến giá cà phê toàn cầu. Quý I, giá cà phê Robusta và Arabica sẽ duy trì ở mức cao do lo ngại nguồn cung thiếu hụt, tồn kho thấp nhất trong 12 năm trở lại đây.
Trong báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ước tính tồn kho cà phê Robusta thế giới trong niên vụ 2023-2024 đạt 26,5 triệu bao (loại 60kg), giảm 16,7% so với báo cáo trước đó và giảm 4% so với ước tính niên vụ 2022-2023.
Báo cáo của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) nêu rõ, hiện tượng El Nino được dự báo sẽ làm giảm triển vọng nguồn cung ở khu vực châu Á, đặc biệt là tại Indonesia. Trong khi, lượng cà phê tiêu thụ năm 2024 được dự kiến 2,2%.
Dự báo ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong năm nay nhờ giá cà phê Robusta duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của nước ta dự kiến sẽ giảm xuống 1,6-1,7 triệu tấn, thấp hơn so với mức 1,78 triệu tấn niên vụ trước đó.
Hiện nay, ở các vùng trồng cà phê nước ta bước vào vụ thu hoạch mới, giá bán dao động từ 67.500-68.500 đồng/kg. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, thừa nhận, trong tất cả các niên vụ cà phê trước đây, chưa từng thấy niên vụ nào vào thời điểm đầu niên vụ giá cà phê nhân xô lại cao đến vậy.
Nhiều khả năng trong năm 2024, giá cà phê nhân xô Việt Nam dự báo sẽ ở mức cao nhất thế giới.
Còn từ nay đến tháng 4, các nhà nhập khẩu của EU nếu mua cà phê Robusta thì chỉ có thể trông cậy vào Việt Nam, khi mà các nước sản xuất Robusta lớn khác chưa vào vụ, ông Nam cho hay.
Cà phê Việt thắng lớn, chờ quyết định lịch sử từ thị trường 48 tỷ USD
Một doanh nghiệp vừa chiếm 'ngôi vương' trong ngành cà phê xuất khẩu Việt Nam