Chứng khoán

Thêm lãnh đạo của doanh nghiệp đang ôm 16.500 tỷ đồng tiền gửi bị khởi tố

Quốc Trung 12/06/2024 09:43

Bộ máy nhân sự cấp cao của VEAM (Mã VEA) liên tục biến động trong hơn nửa năm trở lại đây; 3 lãnh đạo, cựu lãnh đạo đã bị khởi tố vì các sai phạm.

Tổng CTCP Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM (Mã VEA - UPCoM) thông báo, ngày 10/6 đã nhận được thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội về việc khởi tố bị can, lệnh tạm giam với ông Phan Phạm Hà - Tổng Giám đốc về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Sai phạm cụ thể của ông Hà chưa được công bố.​

Thêm lãnh đạo của doanh nghiệp đang ôm 16.500 tỷ đồng tiền gửi bị khởi tố
Ông Phan Phạm Hà - cựu Tổng Giám đốc VEAM

Cùng ngày, HĐQT VEAM đã thông qua quyết định bãi nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với ông Hà đồng thời, miễn nhiễn chức vụ Kế toán trưởng đối với bà Nguyễn Thị Mai Hương do vi phạm quy định lao động của công ty.

Ông Phan Phạm Hà (sinh năm 1975), có trình độ cử nhân kinh tế, được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc VEAM từ tháng 7/2020 và là người đại diện 504,94 triệu cổ phần sở hữu (38% vốn) tại VEAM của Bộ Công Thương. Hiện ông Hà còn đang là Thành viên HĐQT VEAM (được bổ nhiệm ngày 24/6/2022).

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mai Hương (sinh năm 1979), được bổ nhiệm vị trí Kế toán trưởng từ ngày 17/6/2022.

Trước đó, vào tháng 10/2023, cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Giang và ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc VEAM cũng bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Theo tài liệu điều tra, trong các năm 2005 và 2011, ông Nguyễn Thanh Giang đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền, trong đó có ông Hồ Mạnh Tuấn lập các báo cáo, tờ trình mua 305 bộ khuôn dập cabin ô tô SV110, đến nay không có giá trị sử dụng, gây lãng phí số tiền gần 27 tỷ đồng.

Vào giữa năm 2022, hàng loạt lãnh đạo VEAM đã lĩnh án do sai phạm trong việc vay ngân hàng trái quy định, gây thiệt hại gần 183 tỷ đồng.

VEAM tiền thân là Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên thuộc Bộ Công Thương, được thành lập vào năm 1990. Công ty chuyển sang mô hình CTCP vào năm 2017 với vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng (Nhà nước nắm hơn 88% vốn).

Về tình hình kinh doanh, năm 2023, công ty đạt 3.806 tỷ đồng doanh thu và 6.265 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Sáng 20/6 tới, doanh nghiệp sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2024. Bên cạnh việc thông qua các quyết định mới về nhân sự, công ty dự trình mục tiêu kinh doanh với khoảng 5.490 tỷ đồng lãi sau thuế.

Kết thúc quý I, công ty ghi nhận gần 900 tỷ đồng doanh thu thuần, - giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 1.435 tỷ đồng - tăng so với mức 1.372 tỷ YoY.

VEA được biết là một trong những đại gia tiền mặt/tiền gửi trên sàn chứng khoán với việc đang sở hữu khoảng 16.500 tỷ đồng các khoản này - chiếm hơn 58% tổng tài sản.

>> 'Madame' Nguyễn Thị Nga rời ghế thành viên HĐQT của VEAM

Niềm vui nhân đôi cổ đông CSV: Cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử, nhận cổ tức và thưởng tỷ lệ 175%

Đạm Cà Mau (DCM) chia cổ tức năm 2024 tỷ lệ 10%, nhà máy KVF bắt đầu có lãi

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/them-lanh-dao-cua-doanh-nghiep-dang-om-16500-ty-dong-tien-gui-bi-khoi-to-238348.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thêm lãnh đạo của doanh nghiệp đang ôm 16.500 tỷ đồng tiền gửi bị khởi tố
POWERED BY ONECMS & INTECH