Thêm loạt doanh nghiệp vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với các khoản lỗ do dịch COVID-19 gây ra. Đáng nói, với việc lỗ tiếp 90 tỷ đồng, Taxi Vinasun (VNS) đã ghi nhận quý thứ 7 thua lỗ liên tiếp.
Doanh thu chỉ bằng 1/10 cùng kỳ, Taxi Vinasun lỗ tiếp 90 tỷ đồng
CTCP Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (VNS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 với doanh thu thuần giảm đến 90% so với cùng kỳ xuống chỉ còn 23 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp gần 77 tỷ đồng - tương ứng VNS báo lỗ ròng hơn 90 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ hơn 56 tỷ đồng.
Như vậy, đây là quý thứ 7 thua lỗ liên tiếp của VNS - trước áp lực liên tiếp từ cạnh tranh của đối thủ công nghệ và ảnh hưởng bởi COVID-19.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, VNS ghi nhận doanh thu thuần 396 tỷ đồng - giảm 47% và lỗ ròng hơn 185 tỷ đồng.
Superdong Kiên Giang (SKG) báo lỗ hơn 22 tỷ đồng trong quý III do việc ngừng kinh doanh
CTCP Tàu cao tốc Superdong Kiên Giang (CKG) công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với số lỗ hơn 22 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh lỗ của Superdong Kiên Giang trên thực tế không gây bất ngờ.
Quý III/2021 cũng là thời gian cao điểm của dịch bệnh COVID-19 bùng phát, công ty phải ngừng kinh doanh từ 15/7/2021. Do vậy, doanh thu ghi nhận trong quý đạt hơn 4 tỷ đồng. Trong khi đó vẫn chịu các chi phí khác ghi nhận vào giá vốn như lệ phí bến, lệ phí hàng hải, chi phí xăng dầu, chi phí phục vụ các tiện ích cho khách hàng... tổng hơn 25 tỷ đồng dẫn đến việc công ty lỗ gộp 20,9 tỷ đồng trong quý III.
Kinh doanh dưới giá vốn cộng thêm các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp để duy trì hoạt động công ty khiến số lỗ trong quý tăng lên mức 22,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2020 vẫn lãi sau thuế 16,8 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng năm 2021, Superdong Kiên Giang đạt gần 148 tỷ đồng doanh thu - giảm 37,2% so với cùng kỳ. Trừ tất cả các chi phí phát sinh, công ty vẫn lỗ 18,7 tỷ đồng, trong khi 9 tháng đầu năm 2020 lãi sau thuế gần 23 tỷ đồng.
Khốn đốn vì COVID-19, PVB tiếp tục báo lỗ trong quý III
Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating, HNX: PVB) cho biết trong quý III vừa qua, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Công ty thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch. Vì vậy, một số dự án không được triển khai theo kế hoạch, dẫn đến doanh thu giảm 80% so cùng kỳ về mức 10 tỷ đồng.
Tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn khiến PVB lỗ gộp 3 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí và thuế, công ty báo lỗ 5,4 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ ròng 6 tỷ đồng) - đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp.
Lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 ghi nhận ở mức 21 tỷ đồng (cùng kỳ lãi ròng trên 80 tỷ đồng).
Doanh nghiệp thép đầu tiên báo lỗ do tiêu thụ chậm trong quý III
CTCP Thép Thủ Đức – Vnsteel (UpCOM: TDS) công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu 402 tỷ đồng - giảm 32%; lợi nhuận gộp 4,8 tỷ đồng, giảm 67%. Biên lãi gộp giảm từ 2,4% xuống 1,2%.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt giảm 55% và 66%. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn lỗ 644 triệu đồng quý III.
Nhờ kết quả kinh doanh khả quan nửa đầu năm, lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp thép ghi nhận doanh thu tăng 6,2% đạt 1.658 tỷ đồng; lãi sau thuế 46,3 tỷ đồng, tăng 148% so với cùng kỳ năm trước. Công ty vượt 191% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm (20 tỷ đồng).
Haxaco báo lỗ kỷ lục khi toàn bộ hoạt động kinh doanh bị đóng băng trong quý III
Haxaco (HOSE: HAX) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu giảm 59% xuống 709 tỷ đồng. Giá vốn cao hơn doanh thu dẫn đến khoản lỗ gộp 786 triệu đồng.
Chi phí bán hàng giảm 27%, chi phí quản lý giảm 36%; lợi nhuận khác giảm 51,5%. Theo đó, công ty lỗ ròng 33 tỷ đồng - cùng kỳ năm trước lãi 51 tỷ đồng. Quý gần nhất doanh nghiệp báo lỗ là quý II/2017 với 7,2 tỷ đồng. Mức lỗ ghi nhận trong quý III cũng là mức lỗ cao nhất trong hoạt động của Haxaco.
Kết quả này đã kéo thành quả 9 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu giảm 9,5% xuống 3.395 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 45% xuống 34 tỷ đồng.
Bến xe Miền Tây lần đầu báo lỗ
CTCP Bến xe Miền Tây (HNX: WCS) vừa công bố kết quả hoạt động trong quý III với doanh thu sụt giảm mạnh tới 98% xuống chỉ còn gần 600 triệu đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty báo lỗ gộp gần 8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 16 tỷ đồng.
Nguồn thu từ hoạt động tài chính cũng sụt giảm 61% về dưới 1,5 tỷ đồng do lãi suất huy động tiền gửi giảm đồng thời không còn lợi nhuận khác như cùng kỳ.
Trong kỳ chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được tiết giảm phân nửa nhờ giảm trích tiền lương và chi phí khác.
Kết quả công ty báo lỗ ròng hơn 7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi ròng hơn 17 tỷ. Đây cũng là quý thua lỗ đầu tiên của công ty sau hơn chục năm chào sàn. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) từ mức cao 5.981 đồng hồi quý III/2020 về mức âm 3.499 đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Bến xe Miền Tây ghi nhận doanh thu thuần giảm 38% so với cùng kỳ về mức 50 tỷ đồng và lãi ròng cũng giảm 67% khi chỉ còn gần 14 tỷ. Biên lãi gộp giảm mạnh từ 53% xuống chỉ còn 35%.
Nhiệt điện Phả Lại lần đầu báo lỗ sau gần 5 năm
Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu đạt 1.049 tỷ đồng - giảm 33% so với cùng kỳ. Giá vốn cao hơn doanh thu dẫn đến lỗ gộp hơn 44 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính tăng 29% đạt hơn 29 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí, công ty báo lỗ sau thuế hơn 35 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 90 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ đầu tiên trong gần 5 năm gần đây.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu giảm 45% về còn 3.346 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ở mức 223 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước.
Dệt may TCM ước lỗ 5 tỷ quý III, 9 tháng giảm 42%
Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) công bố doanh thu thuần tháng 9 đạt 7,9 triệu USD (180 tỷ đồng) - giảm 38% so với cùng kỳ năm trước; lỗ 603.245 USD (13,7 tỷ đồng). Đây là tháng thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ.
Dệt may Thành Công lý giải trong tháng 9, do tình hình dịch bệnh phức tạp, đơn vị thực hiện làm việc giãn cách nên năng suất lao động ngành may không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ cao, chi phí xét nghiệm cho công nhân 2 lần/tuần… dẫn đến biên lợi nhuận gộp không cao và bị lỗ.
Tính chung quý III, doanh thu ước đạt 748 tỷ đồng - giảm 20%; lỗ gần 5 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi 82 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 114 triệu USD (2.588 tỷ đồng), tương đương cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 4,9 triệu USD (111 tỷ đồng) - giảm 41,6%. Với kết quả này, doanh nghiệp thực hiện được 62% chỉ tiêu doanh thu và 38,3% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Doanh thu tăng, TXM vẫn lỗ trong quý III
Mặc dù doanh thu thuần tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, nhưng CTCP VICEM Thạch cao Xi măng (HNX: TXM) vẫn lỗ gần 2 tỷ đồng trong quý III.
Nguyên nhân chính do tỷ lệ tăng giá vốn cao hơn doanh thu ở mức 36% khiến lợi nhuận gộp giảm 34% so cùng kỳ còn hơn 7 tỷ đồng. Biên lãi gộp cũng giảm từ 25% xuống còn 14%.
Lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí bán hàng với hơn 6 tỷ đồng và chi phí quản lý hơn 3 tỷ đồng nên TXM lỗ ròng gần 2 tỷ đồng trong quý III mặc dù doanh thu thuần tăng 18% so cùng kỳ - đạt hơn 51 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm, tuy doanh thu thuần tăng 34% so cùng kỳ nhưng TXM vẫn lỗ ròng gần 3 tỷ đồng.
Lỗ lũy kế PXM vượt hơn 576 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính quý III/2021 vừa công bố, CTCP Xây lắp Dầu khí Miền Trung (UPCoM: PXM) ghi nhận doanh thu thuần tăng 15% so với cùng kỳ năm trước đạt 426 triệu đồng. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn khiến lãi gộp giảm 74%, xuống chỉ còn 39 triệu đồng.
Doanh thu không đủ bù đắp chi phí khiến PXM báo lỗ ròng gần 5 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 25 liên tiếp của doanh nghiệp. Theo giải trình của PXM, nguyên nhân do chi phí tài chính của các khoản vay từ những năm trước chưa trả được nợ gốc dẫn đến lãi vay phải trả trong kỳ quá cao là nguyên nhân khiến doanh nghiệp thua lỗ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, PXM ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ so cùng kỳ, xuống còn 1.2 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 15 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2021, lỗ lũy kế của PXM hơn 576 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm gần 423 tỷ đồng.
Doanh nghiệp vốn 1.200 tỷ bứt phá vào Top 3 lợi nhuận nhóm BĐS, vượt mặt NLG, DIG, PDR
Kết quả kinh doanh quý III/2024: Lợi nhuận toàn thị trường vượt 123.000 tỷ đồng