Thép Trung Quốc giá rẻ tràn ra thế giới, Đông Nam Á đối mặt nguy cơ khủng hoảng thừa
Chính sách thuế mới của Mỹ đối với thép Trung Quốc đang làm xáo trộn dòng chảy thương mại toàn cầu, đẩy sản lượng thép dư thừa chảy vào Đông Nam Á, đe dọa nghiêm trọng đến ngành công nghiệp thép trong khu vực.
Khu vực Đông Nam Á đang đối mặt với nguy cơ dư thừa thép nghiêm trọng khi các chính sách thuế mới của Mỹ đối với thép Trung Quốc làm đảo lộn dòng chảy thương mại toàn cầu.
Lo ngại về một đợt sụp đổ giá tương tự năm 2020 đang gia tăng, buộc các chính phủ cân nhắc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước.

Ngày 12/3, Tổng thống Donald Trump chính thức áp mức thuế 25% đối với nhôm và thép nhập khẩu trên toàn cầu, đồng thời loại bỏ các miễn trừ trước đó dành cho Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico, Hàn Quốc, Úc, Nhật Bản và Brazil.
Chính sách mới cũng yêu cầu thép nhập khẩu từ các nước Bắc Mỹ phải được “nấu chảy và đổ khuôn” ngay trong khu vực, nhằm hạn chế tình trạng thép Trung Quốc lách thuế qua các nước trung gian.
Biện pháp này được cho là sẽ chặn đứng “đường vòng” thương mại thép Trung Quốc vào thị trường Mỹ thông qua các đối tác như Mexico hay Canada. Trong năm 2024, Canada, Brazil, Mexico và Hàn Quốc là những nhà xuất khẩu thép lớn nhất vào Mỹ. Theo chuyên gia Ignacio Martínez Cortés từ Đại học Tự trị quốc gia Mexico, khoảng 30% lượng thép Mexico xuất sang Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 9 năm ngoái, Mỹ đã áp thuế 25% lên một số sản phẩm thép Trung Quốc sau cuộc điều tra dựa trên Mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974, cho phép Washington áp thuế nếu xác định có hành vi phân biệt đối xử hoặc hạn chế thương mại.
Trong năm nay, chính quyền Trump tiếp tục tăng cường áp thuế, nâng tổng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc – bao gồm thép – lên 70%, chưa tính các loại thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá.
Không chỉ Mỹ, Liên minh châu Âu cũng đang siết chặt kiểm soát. Kể từ tháng 4, EU sẽ cắt giảm 15% hạn ngạch nhập khẩu thép nhằm ngăn làn sóng thép giá rẻ tràn vào thị trường sau các động thái bảo hộ từ phía Washington.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Bộ trưởng Thương mại Úc Don Farrell đã kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành tìm kiếm thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á. Động thái này diễn ra sau khi Mỹ từ chối đề nghị miễn trừ thuế 25% đối với sản phẩm nhôm, thép Úc – vốn là ngành xuất khẩu đạt doanh thu khoảng 650 triệu USD mỗi năm từ thị trường Mỹ.
Hiện nay, nhu cầu thép tại các nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á vẫn phục hồi chậm chạp sau đại dịch, tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất ở mức thấp hơn nhiều so với trung bình toàn cầu. Điều này khiến các nước ASEAN trở thành điểm đến tiềm năng cho lượng thép dư thừa trên thế giới.
Theo dữ liệu từ Mysteel – cổng thông tin hàng đầu về thị trường thép – Trung Quốc sản xuất khoảng 1 tỉ tấn thép thô trong năm 2024, tương đương mức đỉnh vào năm 2020, thời điểm giá thép sụp đổ do dư cung, buộc nhiều quốc gia ASEAN phải áp thuế chống bán phá giá để bảo vệ ngành nội địa.
Dù sản lượng thép thô Trung Quốc năm 2025 có thể giảm còn 900 triệu tấn, con số này vẫn vượt xa khả năng tiêu thụ của thị trường toàn cầu. Trong khi các ngành như xây dựng, hạ tầng hay ô tô có thể được hưởng lợi từ giá thép rẻ, giới chuyên gia cảnh báo tác động lâu dài sẽ rất nghiêm trọng đối với ngành thép Đông Nam Á.
Tổng thư ký Hiệp hội Sắt thép Đông Nam Á (SEAISI), ông Yeoh Wee Jin, nhận định: “Các nhà sản xuất trong khu vực vốn đã chật vật vì chi phí cao có thể buộc phải cắt giảm sản lượng, gây đứt gãy chuỗi cung ứng thép”. Ông kêu gọi ngành công nghiệp khu vực phải chủ động thích ứng bằng cách đổi mới hoặc sáp nhập để tăng sức cạnh tranh.
Tại Indonesia, Chủ tịch Hiệp hội Thép quốc gia Akbar Djohan bày tỏ lo ngại về làn sóng thép tấm ô tô giá rẻ từ Trung Quốc – đặc biệt là thép cuộn cán nóng, vật liệu chủ chốt trong sản xuất xe – có thể nhấn chìm thị trường nội địa do ảnh hưởng từ thuế quan Mỹ.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), nhóm ASEAN-6 (gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines và Việt Nam) chỉ chiếm 2,9% sản lượng thép toàn cầu trong năm 2024. Tuy nhiên, khu vực này lại đang phải hứng chịu áp lực dư cung nặng nề.
Một báo cáo của Liên đoàn Công nghiệp Sắt thép Malaysia (MISIF) công bố tháng 6-2023 cho thấy tỷ lệ sử dụng công suất trong khu vực chỉ đạt 61%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 75,7%. Trong khi đó, nhu cầu thép ở ASEAN-6 vẫn phục hồi chậm, với mức tiêu thụ năm 2023 giảm 1,9% so với năm trước đó.
Chủ tịch MISIF, ông Mahendran Abdullah, cho biết Trung Quốc đã xuất khẩu kỷ lục 110,7 triệu tấn thép trong năm 2024, trong bối cảnh sản lượng dư thừa gia tăng. Ông nhấn mạnh nếu không có biện pháp phòng vệ thương mại mạnh mẽ, thị trường Đông Nam Á có thể trở thành điểm đến chính của lượng thép giá rẻ này.
“Vấn đề không nằm ở năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ASEAN, mà là sự thiếu công bằng. Các nhà máy thép quốc doanh Trung Quốc có thể chịu lỗ hàng tỉ USD, trong khi các công ty tư nhân ở ASEAN không thể gồng lỗ như vậy”, ông Mahendran nói.
Theo ông, khoảng thời gian 3–6 tháng tới sẽ là giai đoạn then chốt để ngành thép khu vực kiểm định sức chịu đựng trước các biến động thương mại toàn cầu.
Tham khảo Business Times, Mysteel, SEAISI Articles