Thay vì tăng giá bia dịp cận Tết như các năm trước, hiện nhiều nhà kinh doanh phải chạy đua khuyến mãi. Tuy vậy, có sự chênh lệch lớn về giá và tỉ lệ khuyến mãi giữa các điểm bán.
Mặc dù các hãng bia lẫn nhà phân phối mặt hàng bia đã "lấy đà" từ sớm nhưng đến nay, nhu cầu thị trường của mặt hàng này còn khá thấp. Đặc biệt, trong dịp Noel vừa qua, tiêu thụ bia tại các siêu thị được ghi nhận chậm hơn hẳn so với những năm trước.
Sức mua ì ạch hậu World Cup
Nhìn lại thời điểm World Cup còn diễn ra cách đây không lâu, các siêu thị cho biết lượng tiêu thụ mặt hàng bia tăng mạnh, có nơi tăng hơn 20% so với giai đoạn cận Tết của các năm trước.
Tuy nhiên đến nay, đại diện một thương hiệu bia quốc tế tiết lộ doanh số không chỉ giảm mạnh ở các siêu thị, đại lý, mà còn tại những kênh tiêu thụ trực tiếp như nhà hàng, khách sạn.
Lý do được đơn vị này nhìn nhận là xu hướng cắt giảm chi tiêu khi kinh tế suy thoái, một bộ phận người lao động mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập.
Một nguyên nhân khác khiến tiêu thụ bia chưa tích cực là do từ đầu năm đến nay, các hãng sản xuất đã điều chỉnh giá bia 2-3 lần trong năm nay (lần 1 vào tháng 4, lần 2 vào tháng 9 và lần gần đây nhất là tháng 11). Giá bia sau điều chỉnh đã tăng khoảng 10% so với năm 2021 cũng góp phần kéo giảm đà tiêu thụ mặt hàng chủ lực Tết này.
Thời điểm này những năm trước, bia mẫu xuân đã "cháy hàng", rất khó để doanh nghiệp hoặc khách lẻ tìm được bia mẫu xuân với số lượng lớn làm quà biếu, tặng. Năm nay, tình hình khác hẳn, hiện trong kho của siêu thị vẫn còn tồn thùng bia mẫu xuân với số lượng lớn.
Về phân khúc bia ngoại nhập cao cấp, theo các nhà kinh doanh, đang xảy ra tình trạng hút hàng đối với một số dòng sản phẩm. Lý do là logistics toàn cầu vẫn chưa trở lại bình thường, việc nhập khẩu bị ảnh hưởng khiến bia nhập khẩu không về kịp hoặc về ít, dẫn đến khan hiếm và tăng giá. Dù vậy, đây là phân khúc hẹp, phục vụ đối tượng khách có thu nhập tốt mua để tiêu dùng hoặc biếu tặng nên mức ảnh hưởng không đáng kể.
"Loạn" giá bia Tết
Trong bối cảnh sức mua kém, các hệ thống bán lẻ buộc phải chủ động giảm giá để kích cầu. Dù vậy, mức giảm khác nhau kéo theo sự chênh lệch giá bán giữa các chuỗi, đặc biệt với một số dòng bia phổ biến như Sài Gòn Lager, Heineken, Tiger...
Đơn cử, trong khi mỗi thùng bia Sài Gòn Lager ở Lotte Mart và Bách Hóa Xanh được bán với giá khuyến mại còn 252.000-255.000 đồng thì Emart giữ nguyên giá bán 273.000 đồng.
Thậm chí với bia Heineken, giá bán trong Bách Hóa Xanh hiện chỉ 425.000 đồng/thùng, nhưng Emart và Lotte Mart đang bán với giá cao hơn 5-10%, tương đương 449.000-460.800 đồng/thùng.
Trong lúc này, giá bán lẻ các dòng bia ở kênh tạp hóa, đại lý cao hơn 5.000-15.000 đồng/thùng so với giá đã giảm sâu nhất trong siêu thị. Cụ thể, giá bia Heineken Silver khoảng 450.000-455.000 đồng/thùng, bia Tiger bạc dao động 400.000-410.000 đồng/thùng, bia 333 ở mức 270.000-280.000 đồng/thùng...
So sánh với giá bán sỉ của một số đại lý bia trong khu vực, lợi nhuận mỗi thùng bia chỉ khoảng 5.000-15.000 đồng tùy thương hiệu.
Còn trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, hàng loạt chương trình khuyến mại cũng đang được triển khai, chủ yếu hướng đến các đơn hàng số lượng lớn. Tuy nhiên, nhìn chung giá bán vẫn tương tự các siêu thị. Nhưng bù lại, người tiêu dùng được miễn phí giao hàng đến tận nhà.
Đây cũng là lý do các siêu thị đang đẩy mạnh kênh bán hàng giao tận nhà với những sản phẩm cồng kềnh như bia. Mỗi hệ thống siêu thị đều cho phép người tiêu dùng đặt mua thông qua số điện thoại, mạng xã hội và ứng dụng mua sắm riêng, cũng như các ứng dụng có tính năng đi chợ hộ như Grab, ShopeeFood...
Theo các đơn vị này, sức mua trong những ngày sát Tết dự kiến sẽ tăng cao hơn, với lượng tiêu thụ nói chung có thể tăng 10-20% so với mùa Tết trước.