Phá vỡ mọi đỉnh của đỉnh những ngày đầu năm, và giảm mạnh trong thời gian cuối, “bay” 35% từ đỉnh, thị trường chứng khoán Việt Nam đang phân 2 nửa sáng – tối trong suốt cả năm qua.
Phiên giao dịch ngày 26/12/2022 – sau mấy ngày nghỉ lễ, Vn-Index bất ngờ “bay” 35 điểm, xuyên thủng luôn mốc 1.000 điểm đang cố sức níu giữ những ngày qua. Các kịch bản mà các chuyên gia đặt ra trước đó về một đợt tạo sóng mới lại bắt đầu được nhắc tới. Đáng chú ý, nhìn diễn biến này, nhiều nhà đầu tư lại nhớ về những ngày đầu năm tươi sáng.
Trở lại những ngày đầu năm 2022, câu cửa miệng của các chứng sỹ, các diễn đàn chứng khoán phần lớn là “chốt lãi” “chốt lãi” rồi lại “chốt lãi”. Nhiều cổ phiếu cứ liên tục tăng khiến các nhà đầu tư “ăn non” được một phen tiếc nuối. Vn-Index phá vỡ mọi đỉnh của lịch sử vào những phiên giao dịch đầu năm 2022, lên trên 1.536 điểm.
“Cú hích” cho đà tăng này bắt nguồn từ những cổ phiếu bất động sản. Câu chuyện kéo xuyên suốt từ cuối năm 2021 khi Công ty TNHH Đầu tư Ngôi Sao Việt (thành viên của Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá lô đất 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích 10.060m2 với số tiền 24.500 tỷ đồng. Chính cái giá cao chót vót này đã đưa mặt bằng giá đất khu vực lên cao, các “cò” thổi thêm bước giá khiến các cổ phiếu nhóm doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh.
Cổ phiếu CII tăng gấp đôi từ vùng giá 28.000 đồng/cổ phiếu ngày 10/12/2021 lên 57.900 đồng/cổ phiếu vào 7/1/2022, nhiều nhà đầu tư dở khóc dở cười khi không thể đoán đâu là đỉnh. Cổ phiếu CQG của Quốc Cường Gia Lai tăng gấp đôi từ vùng giá 12.500 đồng/cổ phiếu ngày 10/12/2021 lên 21.750 đồng/cổ phiếu ngày 10/1/2022. Cổ phiếu NBB tăng từ vùng giá 37.500 đồng/cổ phiếu ngày 10/12/2021 lên 59.700 đồng/cổ phiếu kết phiên ngày 11/1/2022 – một tháng sau đó. DIG từ mức 68.500 đồng/cổ phiếu phiên 10/12/2021 lên gần 120.000 đồng/cổ phiếu đóng cửa ngày 11/1/2022 (giá chưa điều chỉnh). Những cổ phiếu ngành bất động sản, hậ tầng khác cùng tăng mạnh không kém: HBC, LDG, DRH, KDH, VIC…
Các cổ phiếu bất động sản tăng, kéo theo đó là các cổ phiếu nhóm ngành “ăn theo” như ngân hàng, vật liệu xây dựng, sắt thép tăng cao.
Vn-Index tăng, thanh khoản tăng, kèm với đó là việc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến tình trạng phong toả, dãn cách diễn ra tại nhiều địa phương. Trong bối cảnh đó, số nhà đầu tư mà dân chứng sỹ hay gọi là F0 gia tăng nhanh chóng, tốc độ mở mới tài khoản tại các công ty chứng khoán gia tăng. Thanh khoản thị trường rất lớn, như phiên ngày 4/1/2022 – phiên mở cửa đầu năm, tổng giá trị giao dịch lên đến 31.600 tỷ đồng, Vn-Index vượt đỉnh lịch sử lúc đó, lên trên 1.500 điểm, kết phiên trên 1.525 điểm và còn tăng mấy phiên tiếp theo lên cao nhất 1.536,45 điểm.
Chính dòng tiền lớn đổ vào lại khiến các chứng sỹ không thể để mình đứng ngoài cuộc chơi, các lệnh liên tục đặt ra. Và hệ quả là, rất nhiều người “đu đỉnh” không kịp xuống tàu. Nguyên nhân? Câu trả lời lại vẫn là từ động sản với sự việc bỏ cọc đất Thủ Thiêm.
Tân Hoàng Minh tạo nên “cú hích” cho thị trường bất động sản cuối 2021 nhờ trúng thầu giá “khủng”, thì chỉ 1 tháng sau đó, ngày 11/1/2022 lãnh đạo Tân Hoàng Minh gửi tâm thư, xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán, đấu giá tài sản lô đất 3-12 Thủ Thiêm. Thổi bóng, rồi tự mình “đâm thủng” quả bóng, các cổ phiếu nhóm ngành bất động sản “rơi” nhanh nhất.
NBB có những chuỗi phiên giảm sàn liên tiếp, về đến dưới 29.000 đồng chỉ trong vòng 1 tháng. QCG đã tăng gấp đôi, lại quay về dưới cả xuất phát điểm, về mức 11.300 đồng/cổ phiếu. CII cũng “thảm” không kém, giảm 50% về mức 26.300 đồng/cổ phiếu…
Một điều dễ thấy là tâm lý các nhà đầu tư ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng/giảm của thị trường, Vn-Index mất đi khoảng 100 điểm từ sự kiện này. Việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc dường như là kết cục mà các chuyên gia phân tích đã dự kiến trước đó. Do vậy khi nhà đầu tư bình tĩnh nhìn lại sự kiện, thì thị trường chứng khoán cũng dần ổn định, Vn-index một lần nữa tăng trở lại, lên trên 1.500 điểm và duy trì được gần 3 tháng ở vùng cao.
Những tháng đầu năm huy hoàng, tại các group, các diễn đàn chứng khoán luôn là những câu chốt lãi, luôn là những post khoe lãi. Bạn bè gặp nhau cũng chủ đề chứng khoán. Viễn cảnh một tương lai tươi sáng của các chứng sỹ đang vẽ ra.
Bên cạnh đó, những nhóm chứng khoán nổi lên khắp nơi. Nhiều nhóm có người nổi tiếng cả cộng đồng chứng trường như “thầy A7”, như nhóm “Ngô Nam” ở Royal City… Nhiều F0 truy tìm các nhóm, cùng nghe sự “dẫn dắt” để mong nhanh chóng được giàu lên.
Không chỉ vậy, khi Covid-19 bùng phát rộng trên khắp thế giới, việc vận chuyển hàng hoá, cung ứng nguyên vật liệu bị ảnh hưởng nặng nề. Kèm với đó, tác động kép từ việc chiến sự Nga – Ukraina leo thang khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Giá sắt thép, phân bón… tăng cao chóng mặt. Những doanh nghiệp vận tải, logistic, đặc biệt vận tải biển, cảng biển hưởng lợi. Giá cổ phiếu những doanh nghiệp này cũng “phi” nhanh càng khiến nhà đầu tư không thể đứng ngoài cuộc chơi.
Vài tháng sau ngày Tân Hoàng Minh bỏ cọc, thị trường chứng khoán dần ổn định, sôi động trở lại như những ngày đầu năm.
Tuy vậy chính Tân Hoàng Minh là cái tên tạo điểm nhấn nhất trong nửa đầu năm 2022 trên thị trường chứng khoán. Nguyên nhân là, sau vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm, mọi thông tin về Tân Hoàng Minh bất ngờ bị “soi” kỹ, khiến việc phát hành trái phiếu huy động vốn vi phạm quy định từ mấy năm trước của các công ty con bị phát hiện.
Có 9 lô trái phiếu tổng giá trị hơn 10.000 tỷ đồng do 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành là Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa Đông và Công ty Solei phát hành từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 bị huỷ bỏ đã khiến thị trường một lần nữa bị tác động mạnh. Đây cũng chính là thời điểm từ khoá “trái phiếu” bắt đầu trở nên “nóng”. Khắp nơi trên các group, cộng đồng, diễn đàn là cảnh các trái chủ lo lắng, đi tìm công lý, đi đòi lại tiền từng mua trái phiếu Tân Hoàng Minh. Kéo theo đó là nỗi lo của các doanh nghiệp từng huy động tiền qua trái phiếu.
Thị trường chứng khoán bắt đầu bước vào “nửa tối” khi Vn-Index giảm sâu, nhịp giảm đầu tiên ngay sau khi công bố thông tin khởi tố vụ án liên quan Tân Hoàng Minh đến giữa tháng 5 đã xuyên thủng ngưỡng 1.200 điểm – mất đi hơn 300 điểm chỉ trong vòng vài tháng.
Các nhà đầu tư đã thực sự hoang mang. Những lệnh “đu đỉnh” vẫn còn nằm đó. Đây cũng là lúc những nhóm chứng khoán bị “bóc trần” như nhóm Thầy A7, như nhóm Ngô Nam. Những nhà đầu tư F0, những nhà đầu tư “lỡ dại” cũng chỉ biết than khóc qua các diễn đàn.
Đáng chú ý, khi quả bom trái phiếu phát nổ, rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng theo, đặc biệt lại là các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều lô trái phiếu phát hành vi phạm quy định được công bố.
Sau cơn mưa trời lại sáng, khi các cơ quan chức năng vào cuộc, thanh lọc thị trường, nhà đầu tư dần lấy lại niềm tin, Thị trường chứng khoán Việt Nam lại có bước tăn trở lại lên sát mức 1.300 điểm. Những tưởng niềm vui đang cận kề thì nửa tối lại một lần nữa xuất hiện. Quả bóng phát nổ lần này vẫn quanh 2 chữ “trái phiếu”.
Những tháng cuối năm, vụ trái phiếu liên quan Vạn Thịnh Phát được công bố khiến giọt nước tràn ly, Vn-Index “xuyên thủng” ngưỡng kháng cự 1.000 điểm vào gần cuối tháng 10 và còn xuống sâu hơn nữa, quanh vùng 900 điểm, khiến các nhà đầu tư thực sự lo sợ cho kịch bản Vn_index về vùng 700-800 điểm diễn ra.
Lúc này, những từ “nóng” nhất trong giới chứng sỹ thường là “ngoài đảo xa”. Những câu hỏi thăm nhau cũng thường là “vào bờ chưa?”. Những câu cảm thán cũng là “bờ ở đâu?”, “bờ còn xa thế”. Những bài nhạc chế cũng thường là “tết này con không về”…
Cổ phiếu giảm, cũng kéo theo việc các tài khoản của chứng sỹ bị call margin, bị bán giải chấp ngày càng nhiều – lại là áp lực khiến giá cổ phiếu giảm tiếp. Các lệnh bán giải chấp lượng lớn cổ phiếu trên sàn liên tục xuất hiện. Các công ty chứng khoán liên tục có động thái đột ngột cắt margin nhiều mã cổ phiếu “hot”.
Gỡ rối cho những doanh nghiệp, Nghị định 65 ra đời mới kỳ vọng tạo lập 1 thị trường trái phiếu minh bạch, lành mạnh. Những quy định khắt khe về việc chào bán trái phiếu khiến những nhà đầu tư an tâm hơn vào kênh huy động vốn này.
Một trong những điểm nhấn của Nghị định 65 là việc yêu cầu doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành, trong đó có phương án sử dụng vốn, hoặc vi phậm pháp luật.
Nghị định 65 ra đời cũng tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện được kênh huy động vốn qua phát hành trái phiếu, và các trái chủ cũng phần nào yên tâm khi xuống tiền.
Tuy vậy quy định khắt khe của Nghị định 65 vẫn chưa thu hút được người mua. Nguyên nhân từ việc “định hình” xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp còn có tiêu chí rất cao: danh mục chứng khoán phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay. Do vậy có rất ít nhà đầu tư chuyên nghiệp đáp ứng được điều kiện này.
Trước tình thế đó, những ngày cuối năm Bộ Tài Chính đã trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65, trong đó có nhiều đề xuất sửa đổi quan trọng.
Một trong những sửa đổi quan trọng nhất được đề xuất là việc lùi thời gian xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thêm 1 năm, từ 1/1/2023 đến ngày 1/1/2024. Điểm nhấn thứ là cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, trong dự thảo nghị định mới, Bộ Tài chính cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác.
Không chỉ gỡ rối bằng các nghị định. Khi các ngân hàng đang ra sức tăng lãi suất, huy động vốn, khi các doanh nghiệp đang loay hoay tìm lối thoát trong việc huy động vốn, thì Ngân hàng Nhà nước đã làm ngay động thái “bơm” tiền vào khiến các nhà đầu tư một phần yên tâm.
Những động thái tích cực trên đã thắp lên tia sáng trên thị trường chứng khoán. Vn-Index lên lại trên 1.000 điểm vào đầu tháng 12, thậm chí đã sắp chạm trở lại mức 1.100 điểm.
Khép lại năm 2022 đầy biến động
Năm 2022 đã khép lại, những biến động lớn của năm cũng đang dần được giải quyết. Việc của nhà đầu tư là nhìn lại một năm qua, tích luỹ những kinh nghiệm và chờ đón năm mới 2023.
Bên cạnh đó, những động thái nhanh chóng, tích cực của các cơ quan nhà nước cũng khiến nhà đầu tư phần nào an tâm. Đây cũng là những động thái thắp sáng niềm tin của các nhà đầu tư.
Một chuyên gia vừa đưa ra dự đoán, rằng thị trường đã tạo lập đáy năm 2022, và nhà đầu tư có quyền kỳ vọng một năm 2023 thuận lợi hơn.
Kéo trụ ngân hàng, VN-Index bật tăng 12 điểm trong phiên đáo hạn phái sinh
Chứng khoán trong nước đi ngang, hội nhóm lừa đảo đầu tư cổ phiếu quốc tế nở rộ