Phiên giảm điểm ngày 7/10 đã kéo VN-Index về mức thấp nhất kể từ phiên 9/12/2020 (mức 1.039 điểm) - đáy 22 tháng.
Thị trường chứng khoán có tuần giảm thứ 6 liên tiếp từ 3 - 7/10/2022 khi VN-Index giảm tới 96,2 điểm (-8,5%) về mức 1.035,91 điểm; HNX-Index giảm 24,16 điểm (-9,65%) xuống 226,09 điểm, UPCoM-Index cũng giảm 4,98 điểm (-5,86%) xuống 79,98 điểm.
Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 12,8% so với tuần trước lên 68.277 tỷ đồng trong khi giá trị giao dịch trên HNX giảm 17,6% so với tuần trước xuống 5.360 tỷ đồng.
Tồi tệ hơn, phiên giảm điểm ngày 7/10 đã kéo VN-Index về mức thấp nhất kể từ phiên 9/12/2020 (mức 1.039 điểm) - đáy 22 tháng. Chỉ trong 1 tháng, chỉ số chính của thị trường đã bay gần 210 điểm - tương ứng mất 16,67% điểm số.
Sắc đỏ bao trùm các nhóm ngành: Trong tuần, nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất là nguyên vật liệu với các mã thép như HPG (-17%), HSG (-20,3%), NKG (-17,5%), SMC (-17%), TLH (-13,14%),... các mã hóa chất với DGC (-13,3%), DPM (-12,5%), DCM (-16,9%),...
Nhóm trụ cột ngân hàng cũng đều giảm sâu với VCB (-8,9%), CTG (-14%), BID (-13,9%), TCB (-16,2%), MBB (-15,2%), STB (-18,7%), VPB (-14,7%), SHB (-16,8%), LPB (-19%), OCB (-17%), HDB (-8,9%), ACB (-16%), VIB (-9%),… duy nhất cổ phiếu EIB đi ngược dòng với mức tăng 8,77%.
Các cổ phiếu công ty chứng khoán lao dốc với SSI (-15,1%), VND và VIC cùng giảm (-18,57%), HCM (-21,22%), VCI (-17,35%), VDS (-17,3%), FTS (-14%), CTS (-19,1%), ORS (-15,5%), AGR (-16,2%), BSI (-22,3%), TVB (-14%),…
Ngành dịch vụ tiêu dùng cũng suy yếu với các cổ phiếu bán lẻ là như MWG (-15,6%), FRT (-13,4%), DGW (-12,4%),...
Các ngành còn lại đều giảm như tiêu dùng (-7,6%), tiện ích cộng đồng (-7,4%), công nghiệp (-7,5%), tài chính (-4,3%), dược phẩm và y tế (-3,3%), dầu khí (-2,3%),...
Diễn biến các nhóm cổ phiếu phiên 7/10 (Nguồn Vietstock)
Khối ngoại bán ròng 5.364 sau 7 tuần: Khối ngoại tiếp tục tiêu cực khi bán ròng gần 780 tỷ đồng và có tuần bán ròng thứ 7 liên tiếp với tổng giá trị 5.364 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 7 liên tiếp với giá trị giảm 30% so với tuần trước còn 651 tỷ đồng (lũy kế 7 tuần bán ròng 4.716 tỷ đồng). Ở sàn HNX, khối ngoại mua ròng trở lại 36 tỷ đồng sau 3 tuần bán ròng liên tiếp. Nhóm này cũng bán ròng tuần thứ 5 liên tiếp trên UPCoM với giá trị 164 tỷ đồng.
Tuần này, các mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất có HPG với giá trị hơn 640 tỷ đồng; STB và DXG bị bán lần lượt 373 tỷ và 130 tỷ đồng. Các mã SSI, GEX, BSR, NVL cũng bị bán ròng từ 100 - 130 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND được mua ròng mạnh nhất với giá trị 175 tỷ đồng; VIC đứng sau khi hút ròng 156 tỷ đồng; VHM và VJC được mua ròng từ 50 - 72 tỷ.
Cá nhân chi 2.320 tỷ hấp thụ một phần lực bán, bắt đáy nhóm bank - thép: Giao dịch trái chiều với khối ngoại, NĐT cá nhân xuất hiện với vai trò là bên mua ròng lớn nhất thị trường với giá trị 2.322 tỷ đồng trên HOSE.
cổ phiếu tài nguyên cơ bản trở thành nhóm được cá nhân mua ròng nhiều nhất tuần qua với giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Trong số này, thép là 1 trong 3 nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần - sau hóa chất và chứng khoán.
Nhà đầu tư cá nhân cũng rót 877 tỷ đồng gom cổ phiếu của các nhà băng trong bối cảnh ngành này có tuần giảm mạnh khi có 15/27 cổ phiếu giảm trên 10% trong đó LPB, STB giảm lần lượt 19% và 18,7%.
Hoạt động giải ngân theo sau tập trung ở các ngành bất động sản (433 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (202 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (106 tỷ đồng),...
Ở phía đối diện, nhóm bị bán ròng mạnh nhất là hàng cá nhân và gia dụng với gần 120 tỷ đồng. Danh mục rút vốn theo sau có những nhóm ngành như du lịch & giải trí (62 tỷ đồng), công nghệ thông tin (54 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (40 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (37 tỷ đồng),...
Kéo trụ ngân hàng, VN-Index bật tăng 12 điểm trong phiên đáo hạn phái sinh
Nhận định chứng khoán 21/11: VN-Index tiếp đà hồi phục trong phiên đáo hạn phái sinh