Thị trường gạo thế giới "hạ nhiệt", doanh nghiệp xuất khẩu còn lợi thế?

01-10-2022 18:29|Hải Đăng

Việc Chính phủ Ấn Độ nới lỏng chính sách xuất khẩu đã khiến giá gạo thế giới hạ nhiệt.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phối hợp thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Thị trường gạo Thái Lan và Việt Nam trầm lắng

Chính phủ Ấn Độ thêm một lần nữa gia hạn thời hạn xuất khẩu gạo tấm thêm 15 ngày. Như vậy, lệnh cấm xuất khẩu sẽ có hiệu lực từ ngày 15.10. Trước đó, ngày 8/9 Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các loại gạo trắng từ ngày 15.9. Sau đó lệnh cấm này được lùi thời hạn áp dụng đến ngày 30/9 và nay lại lùi tiếp đến 15/10 mới thực hiện.

Sau khi lệnh cấm có hiệu lực, thị trường lúa gạo thế giới đã lên “cơn sốt” ở tất cả các nước xuất khẩu gạo từ Ấn Độ đến Pakistan, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, với việc nới lỏng quy định xuất khẩu từ phía chính phủ Ấn Độ đã làm thị trường dịu lại.

Một trong những nhà cung cấp gạo đáng chú ý nhất trên thị trường thế giới hiện nay là Thái Lan ghi nhận sự giảm giá đồng loạt ở tất cả mặt hàng. Cụ thể, gạo 5% tấm của nước này đang giao dịch ở mức 435 USD/tấn, thấp hơn tuần trước khoảng 11 USD/tấn và chỉ còn cao hơn thời điểm đầu tháng 9 khoảng 2 USD. Các loại gạo thơm cao cấp như Hom Mali giảm đến 22 USD/tấn so với tuần trước, chỉ còn khoảng hơn 900 USD/tấn; gạo Jasmine giảm đến 16 USD so với tuần trước, giao dịch ở mức 632 USD/tấn.

Tương tự, gạo 5% tấm của Pakistan sau khi bất ngờ tăng vọt lên 427 USD/tấn trong tuần trước thì nay giảm về mức 380 - 393 USD/tấn. Chỉ có gạo Ấn Độ và Việt Nam tiếp tục ổn định lần lượt ở mức 383 USD/tấn và 423 USD/tấn.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cho biết, sau lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, đến thời điểm này mặt bằng giá gạo của Việt Nam tăng khoảng 40 - 50 USD/tấn.

Tuy nhiên, những ngày gần đây thị trường dần ổn định trở lại khi Ấn Độ có nhiều nới lỏng về chính sách xuất khẩu gạo. Các nhà nhập khẩu trên thế giới cũng không còn tích cực đàm phán hợp đồng như trước. Bên cạnh đó, chính phủ Philippines cũng chưa cấp quota mới.

Vì mức giá gạo bình quân trên thế giới hiện nay là khá cao nên khó tiêu thụ. Trong khi đó, Việt Nam cũng còn sản lượng hạn chế và đang vào cao điểm mùa mưa bão ở miền Trung; miền Tây thì mùa nước nổi đang về với mực nước khá nên ít nhiều ảnh hưởng đến lịch xuống giống vụ đông xuân. Vì những lẽ đó nên thị trường gạo Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ ít có biến động nhưng vẫn duy trì mức giá tương đối khá như hiện nay.

Lợi thế trong dài hạn

Theo thống kê của cơ quan chức năng Ấn Độ, từ khi có chính sách hạn chế xuất khẩu, khoảng 1 triệu tấn gạo bị kẹt ở các cảng của nước này. Nguyên nhân là cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu không bên nào đồng ý chi thêm khoản 20% thuế vừa áp dụng. Ước tính thiệt hại cho các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ từ lệnh cấm vào khoảng 750 triệu USD.

Một đơn vị thương mại lương thực cho biết, sau các thông báo gia hạn thời gian áp dụng chính sách mới của chính phủ Ấn Độ, 10 hợp đồng mua gạo của doanh nghiệp vẫn còn kẹt ở cảng của nước này. Doanh nghiệp đã nỗ lực thỏa thuận với nhà xuất khẩu vẫn chưa thành công, có thể phải tính đến việc hủy hợp đồng để tìm phương án mới.

GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp VN, cho biết: “Lúa gạo có dung lượng thị trường hẹp, chỉ khoảng 40 triệu tấn (làm tròn) so với năng lực sản xuất cao hơn rất nhiều của toàn cầu. Đây lại là mặt hàng nhạy cảm nên giá rất dễ biến động. Chính vì vậy, chính phủ các nước thường có những chính sách ổn định giá cả nhằm nhiều mục tiêu như kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội. Đó là lý do mà giá gạo thế giới nhanh chóng hạ nhiệt. Ở Việt Nam, chúng ta đang có nhiều lợi thế trong ngành lúa gạo. Về giá cả, Chính phủ giữ lạm phát ở mức thấp là một thuận lợi cho giá lương thực. Bên cạnh đó, chúng ta sản xuất giống lúa ngắn ngày nên chỉ cần 3 - 4 tháng là có một vụ, so với phần lớn gạo Thái Lan phải mất cả năm. Đây là những lợi thế của Việt Nam trong điều kiện thị trường gạo thế giới có phần căng thẳng”.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho biết: Việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo cho thấy tầm quan trọng của vấn đề an ninh lương thực hiện nay trên thế giới khá căng thẳng. Ấn Độ là nguồn cung lớn cho thị trường gạo thế giới, nguồn cung sụt giảm sẽ giúp Việt Nam cùng với Thái Lan được hưởng lợi. Ưu thế của Việt Nam là sản xuất lúa gạo trải dài từ bắc tới nam nên chúng ta lúc nào cũng có lương thực ổn định và còn dư để xuất khẩu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới.

Tuy nhiên ngày nay, chúng ta cũng tính toán rất kỹ đến bài toán hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa. Chất lượng lúa gạo Việt Nam những năm gần đây được nâng lên và thâm nhập các thị trường cao cấp bằng thương hiệu riêng. Việt Nam cần tiếp tục chủ động đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo các tiêu chuẩn xanh bền vững để thâm nhập thị trường cao cấp.

Xuất khẩu gạo sang EU tăng trên 22%

Theo Bộ Công thương, gạo là một trong những mặt hàng tận dụng tốt cơ hội từ hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA). Trong năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu 60.000 tấn gạo vào thị trường EU trên tổng hạn ngạch 80.000 tấn.

Trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng 22%. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực xây dựng thương hiệu riêng cho hạt gạo Việt Nam tại thị trường này. Giá bán lẻ gạo Việt Nam tại EU khoảng 3 EURO/kg. Gạo Việt Nam được người tiêu dùng châu Âu và đặc biệt là cộng đồng gốc Á đánh giá cao về chất lượng và giá cả hợp lý. Các cơ quan thương vụ Việt Nam tại các nước châu Âu đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp để đưa gạo Việt Nam xâm nhập tốt hơn vào thị trường này, đặc biệt là các khu vực Đông Âu, nơi có đông cộng đồng người Việt Nam sinh sống.

Dự báo sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ sớm đạt hạn ngạch đã đề ra. Tuy nhiên, vấn đề đối với thị trường EU là ngoài yêu cầu về an toàn thực phẩm còn đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Thị trường này không cần đàm phán mới mở cửa như các nước, chỉ cần đáp ứng tiêu chí là được vào.

Gạo Việt gia nhập đường đua giá trị, doanh nghiệp xuất khẩu bứt tốc cuối năm?

Gạo Việt Nam đắt đỏ nhất thế giới

Gạo Việt 'gây sốc': Hàng phẩm cấp thấp đắt đỏ hơn gạo cao cấp Thái Lan

Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thị trường gạo thế giới "hạ nhiệt", doanh nghiệp xuất khẩu còn lợi thế?
    POWERED BY ONECMS & INTECH