Theo một số nhà phân tích, sự sụt giảm gần đây của giá dầu có thể không phải là dấu hiệu cho những gì sắp xảy ra trên thị trường dầu mỏ.
Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiết lộ họ lại không sản xuất được nhiều dầu như mức cam kết trong cuộc họp mới đây. Sự thiếu hụt này cũng không còn chỉ xảy ra khoảng vài nghìn thùng dầu mỗi ngày nữa mà đã lên khoảng 1,8 triệu thùng/ngày. Nhưng điều quan trọng hơn là việc luôn không đạt được sản lượng mục tiêu đã trở thành điều bình thường của liên minh xuất khẩu dầu mỏ này.
Trong khi đó, chính phủ liên bang Mỹ đang cần mua thêm dầu cho kho dự trữ chiến lược sau khi giải phóng gần 200 triệu thùng dầu trong năm nay nhằm hạ nhiệt giá dầu. Tuy nhiên, các công ty khoan dầu của Mỹ vẫn chưa vội vàng tăng sản lượng. Ngược lại, tăng trưởng sản lượng dường như không phải là ưu tiêu hàng đầu của các công ty này.
Các lệnh trừng phạt Nga, được nhiều người kỳ vọng sẽ làm tổn hại đến sản lượng khai thác dầu của nước này. Tuy nhiên, điều đó hiện vẫn chưa xảy ra. Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt dầu Nga như áp giá trần và cấm vận xuất khẩu sang EU vẫn chưa tác động đến dòng chảy của dầu Nga ra thị trường, ít nhất cho đến lúc này.
Các ngân hàng đầu tư cho rằng, giá dầu sẽ cao hơn, bất chấp sự sụt giảm gần đây do lo ngại kinh tế suy thoái gia tăng trên toàn cầu. Những lo ngại này phần lớn dựa trên việc Trung Quốc có thể đảo ngược chính sách zero-Covid. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng, thực tế dầu vẫn là mặt hàng cần thiết và kỷ nguyên dầu giá rẻ có thể đã kết thúc.
"Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm tích cực về giá dầu do nhu cầu phục hồi (Trung Quốc mở cửa, hàng không phục hồi) trong bối cảnh nguồn cung hạn chế do mức đầu tư thấp, rủi ro nguồn cung ở Nga cùng với đó là Mỹ kết thúc việc xả kho dự trữ chiến lược và hoạt động khai thác đá phiến chậm lại", Morgan Stanley cho biết.
Tuy nhiên, trong bình luận gần đây, Matt Sallee - Chủ tịch kiêm Giám đốc danh mục đầu tư của TortoiseEcoFin cho rằng tình hình về nguồn cung có thể nghiêm trọng hơn nhiều. "Dự trữ dầu toàn cầu đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2004, trong năm nay Bộ Năng lượng Mỹ cũng đã giải phóng 200 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược, OPEC tiếp tục khó khăn để sản xuất ở mức mà họ đặt ra, trong khi các nhà sản xuất ở Mỹ vẫn không làm được gì nhiều", ông nói.
Theo ông, ngành sản xuất dầu của Mỹ có thể sẽ không còn đạt được mức tăng kỷ lục về sản lượng hàng năm trên 1 triệu thùng/ngày như thời gian qua. Thay vào đó, ông cho rằng, mức tăng chỉ có thể từ mức 500.000 - 700.000 thùng/ngày. Đây không phải là tin tốt với người tiêu dùng vì nhu cầu sẽ không giảm.
Trong báo cáo mới nhất, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đã nâng dự báo về nhu cầu dầu trong năm tới do mức tiêu thụ bất ngờ tăng trong năm nay.
OilPrice cho rằng, trong trường hợp cung và cầu trên thị trường dầu vẫn ở trạng thái bấp bênh, liên tục bị thiếu hụt hoặc thậm chí rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng thì kỷ nguyên dầu thô giá rẻ có thể đã kết thúc.
Giá xăng dầu hôm nay 22/11: lấy lại đà tăng
Giá xăng dầu tiếp tục giảm đồng loạt, về mức 20.520 đồng/lít