Thị trường chứng khoán trong khoảng thời gian đầu phiên sáng 4/11 chủ yếu giằng co rung lắc khi nhóm cổ phiếu lớn có sự phân hóa mạnh nên các chỉ có những nhịp tăng giảm điểm đan xen. Nhóm cổ phiếu chứng khoán biến động tích cực song việc hàng loạt cổ phiếu lớn như SAB, GAS, BCM, TPB, VJC... chìm trong sắc đỏ đã tạo áp lực lớn lên các chỉ số.
Sau phiên giao dịch đầy biến động hôm qua, thị trường vẫn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng “trong dữ dội mà ngoài dịu êm” dù rằng mức độ ít hơn phiên trước. Chỉ số VN-Index mở cửa tăng 2 điểm trong khi HNX-Index còn bật tăng nhưng độ rộng thị trường bị thu hẹp đáng kể với hơn 313 mã giảm và chỉ 234 mã tăng.
Bất động sản và xây dựng là một trong nhóm ngành chìm sâu nhất trong phiên trước, đến sáng nay tiếp tục rơi. Một số cái tên tiếp tục giảm sàn là DRH, DTA, L14, NBB, NHA, SGR, DPG và giảm sâu có VRC, VPH, VC3, TDC, SZB, SZC, LGL, LDG, ITC, CKG, BCE, KSF…
Nhóm ngân hàng vẫn nhận trách nhiệm “gánh” cả thị trường nhờ nhiều mã tăng như SHB, STB, TCB, LBP, ACB, MBB… hiện CTG và VCB là hai ông lớn gốc nhà nước còn giảm giá. Cổ phiếu chứng khoán cũng hồi phục đáng kể như SSI, VCI, HCM, ORS hay AGR…
Đến 9h25, cộng hưởng thêm đà giảm của GAS, VIC, MWG và SAB khiến chỉ số VN-Index bất ngờ quay đầu rớt hơn 6 điểm.
Lúc 9h50, SAB giảm 2,5%, GAS giảm 1,3%, BCM giảm 1,1%...
Hàng loạt cổ phiếu bất động sản và xây dựng vẫn giảm sâu, trong đó, ITC giảm 6,5%, DRH giảm 6,6%, HQC giảm 5%, NTL giảm 4,4%...
Tại thời điểm này, VN-Index giảm 3,28 điểm (-0,23%) xuống 1.441,02 điểm; tổng khối lượng giao dịch đạt 277 triệu cổ phiếu, trị giá 7.800 tỷ đồng. HNX-Index tăng 1,59 điểm (0,38%) lên 417,3 điểm; tổng khối lượng giao dịch đạt 50 triệu cổ phiếu, trị giá 1.200 tỷ đồng. UpCOM-Index giảm 0,22 điểm (-0,21%) xuống 106,76 điểm.
Phiên giao dịch ngày 3/11, dòng tiền rút mạnh ra khỏi nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đặc biệt là ngành bất động sản và xây dựng. Thay vào đó, dòng tiền hướng vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán.
Trước đó, VN-Index có phiên giảm điểm với thanh khoản đột biến. Tổng giá trị giao dịch đạt kỷ lục 52.148 tỷ đồng (2,25 tỷ USD) trong đó giá trị khớp lệnh đạt 49.856 tỷ đồng - tăng 47% so với phiên trước trong đó giá trị khớp lệnh sàn HOSE tăng 52% lên 41.155 tỷ đồng.
Khối ngoại và tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) khoán mua ròng lần lượt 280 tỷ đồng và 682 tỷ đồng. Trong khi đó, tự doanh CTCK đẩy mạnh bán ròng 927 tỷ đồng và cá nhân trong nước bán ròng khoảng 35 tỷ đồng.
Theo quan điểm của Chứng khoán MB (MBS), dòng tiền đã có sự cơ cấu và định hướng mới, có thể dòng cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán,… sẽ được hưởng lợi sau phiên chốt lời kỷ lục hôm nay.
Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo, nếu trong các phiên tới thị trường tiếp tục giảm điểm với thanh khoản lớn, VN-Index có khả năng quay lại test vùng đỉnh cũ 1.420.
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý:
Chốt phiên 3/11, Dow Jones tăng 104,95 điểm lên 36.157,58 điểm - vượt đỉnh lịch sử 36.052,63 điểm ngày 2/11; S&P 500 tăng 29,92 điểm lên 4660,57 điểm - vượt đỉnh lịch sử 4.630,65 điểm ngày 2/11; Nasdaq tăng 161,98 điểm lên 15.811,58 điểm - vượt đỉnh lịch sử 15.649,6 điểm thiết lập ngày 2/11.
Chốt phiên 3/11, giá dầu Brent tương lai giảm 2,73 USD xuống 81,99 USD/thùng; giá dầu WTI tương lai giảm 3,05 USD xuống 80,86 USD/thùng. Đây là phiên giảm mạnh nhất của cả hai loại dầu kể từ đầu tháng 8, đóng cửa thấp nhất từ 7/10 với Brent, từ 13/10 với WTI.
Vợ con sếp lớn ngân hàng, tập đoàn dồn dập mua cổ phiếu: Tín hiệu gì?
Phiên 22/11: Công ty BĐS trong Top 9 vay nợ nhiều nhất được khối ngoại rót ròng 242 tỷ đồng