Mở cửa phiên giao dịch sáng 6/12/2021, một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VCB, VHM, FPT,... tăng giá và góp phần kéo VN-Index lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, đà tăng của chỉ số này nhanh chóng bị vấp phải rào cản khi áp lực bán dâng cao. Các cổ phiếu như HDB, NVL, MWG, HVN, SHB... đều chìm trong sắc đỏ và có thời điểm khiến VN-Index đảo chiều giảm trở lại.
VN30-Index đang giao dịch khá khó lường, và đang rút ngắn đáng kể điểm tăng có được ở đầu phiên. Cổ phiếu VIC vẫn đang tiếp nối đà tăng từ tuần trước và hiện tại đang tăng gần 3%. VCB theo ngay sau với mức tăng gần 2%. Ngoài ra, sắc xanh còn xuất hiện ở cổ phiếu PDR, PNJ, POW, và GVR, các cổ phiếu này đang tăng trung bình khoảng 1%. Ở chiều giảm giá, cổ phiếu NVL và HDB đang là bộ đôi giảm mạnh nhất trong rổ VN30, giảm quanh mức 1,5 - 2%.
Cổ phiếu có tác động tích cực nhất tới thị trường đang là VIC, GVR và VHM khi cùng nhau kéo VN-Index tăng thêm gần 3 điểm tăng. Ở bên chiều ngược lại, NVL đang là cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất.
Ngành bất động sản đang tăng 0,25%, phần lớn đà tăng này đóng góp bởi VIC và VHM. Nhiều cổ phiếu bất động sản khác lại đang giao dịch trong sắc đỏ. Có thể kể đến như NVL, BCM, NLG, HDG,…
Lúc 9h30, VN-Index đang tăng 1,72 điểm (0,12%) lên 1.445,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 130 triệu cổ phiếu, trị giá 3.600 tỷ đồng. VIC tăng 2,2%, VCB tăng 1,2%, VHM tăng 0,7%.
Trong khi đó, cả hai chỉ số HNX-Index và UpCOM-Index đều giảm điểm. HNX-Index giảm 2,28 điểm (-0,51%) xuống 446,99 điểm. UpCOM-Index giảm 0,46 điểm (-0,41%) xuống 111,65 điểm.
Các mã như BAB, CEO, NVB, IDC, VGI hay ACV,... đang giao dịch tiêu cực và tác động xấu đến hai chỉ số này.
Đến 10h06, hai cổ phiếu SJF và IDI vẫn bị kéo xuống mức giá sàn và ở trong trạng thái "trắng" bên mua với dư bán giá sàn ở mức cao. SJF dư bán giá sàn 11,7 triệu cổ phiếu còn ở IDI là 10,3 triệu cổ phiếu.
Đầu tư Sao Thái Dương (HOSE: SJF) vừa thông qua quyết định đầu tư 65% cổ phần tại Cát tường Thiên Tân Lạc, dự kiến chia làm hai giai đoạn trong đó giai đoạn 1 đầu tư 19% vốn điều lệ trong quý cuối năm nay và giai đoạn 2 đầu tư 46% vốn tại quý I/2022.
Trước đó, thị trường chứng khoán điều chỉnh trong tuần giao dịch từ 29/11 đến 3/12 với thanh khoản đi xuống. Thanh khoản thị trường dù giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn duy trì ở mức rất cao. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 36.121 tỷ đồng/phiên, giảm 9%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 7,7% và đạt 33.976 tỷ đồng/phiên.
Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân vẫn đổ mạnh vào thị trường khi mua ròng 3.364 tỷ đồng trong khi khối ngoại duy trì đà bán ròng mạnh, cùng với đó là việc tự doanh công ty chứng khoán giao dịch tiêu cực trở lại.
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), VN-Index sẽ cần thời gian tìm điểm cân bằng mới với ngưỡng hỗ trợ lần lượt tại 1.420 điểm và 1.380 điểm trong ngắn hạn.
Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, khả năng thị trường chung vẫn còn chịu áp lực chốt lời ở 1 đến 1,5 phiên ở các phiên đầu tuần sau và dòng tiền sau đợt giảm này có khả năng sẽ quay lại nhóm cổ phiếu bluechip.
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý:
Chốt phiên 3/12, Dow Jones giảm 59,71 điểm xuống 34.580,08 điểm; S&P 500 giảm 38,67 điểm xuống 4.538,43 điểm; Nasdaq giảm 295,85 điểm xuống 15.085,47 điểm. Chốt tuần, Dow Jones giảm 0,92%, tuần giảm thứ 4 liên tiếp. S&P 500 giảm 1,2%, Nasdaq giảm 2,62%, đều là tuần giảm thứ hai liên tiếp. Cả ba chỉ số trong tuần biến động mạnh qua từng ngày khi nhà đầu tư phản ứng với thông tin về biến chủng Omicron và bình luận từ Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Kết thúc phiên 3/12, giá dầu Brent tương lai tăng 21 cent lên 69,88 USD/thùng; giá dầu WTI tương lai giảm 24 cent xuống 66,26 USD/thùng. Chốt tuần, giá dầu Brent giảm 4%, WTI giảm 2,8%, tuần giảm thứ 6 liên tiếp, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2018 và đều trong vùng quá bán phiên thứ 6 liên tiếp, lần đầu tiên kể từ tháng 9/2020.
Tập đoàn có doanh thu 34 tỷ USD sắp thoái vốn khủng tại PVI
NVIDIA cam kết đầu tư hơn 4 tỷ USD vào Việt Nam, khoảng 50.000 việc làm sắp được tạo ra