Theo các chuyên gia kinh tế, khi để xảy ra tình trạng thiếu điện cần xem xét cả trách nhiệm rất lớn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đề nghị EVN cung cấp thêm nhiều tài liệu
Liên quan đến vấn đề thiếu điện và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), trong nghị trường Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - đặt vấn đề về việc, tại sao bao nhiêu năm qua, EVN không cân đối được nguồn điện, để đến mức hễ cứ vào thời kỳ cao điểm là thiếu điện, rồi cắt điện, trong khi đó còn phải nhập khẩu điện và giá điện liên tục tăng.
Ông đề nghị Chính phủ thành lập ngay đoàn thanh tra đặc biệt, với thành phần gồm Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Việc thành lập đoàn thanh tra để xem xét, xử lý nghiêm một số vấn đề như xem lại kết luận Thanh tra Chính phủ năm 2014 về một loạt sai phạm của EVN và việc này cần phải báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xem xét lại cũng như làm rõ tại sao EVN lại báo lỗ hàng chục nghìn tỉ đồng và đề nghị tiếp tục tăng giá vào tháng 9 tới đây.
Trả lời những thắc mắc của ông tại nghị trường, về tiền gửi ngân hàng, EVN giải thích: các công ty con có hàng chục nghìn tỷ đồng gửi ngân hàng, số tiền này được dùng để thanh toán trả nợ cho nhà cung cấp, thanh toán tiền mua điện cho các nhà máy điện mặt trời mái nhà và nhà máy thuỷ điện nhỏ vào đầu tháng sau theo hợp đồng đã ký kết, để đầu tư hệ thống phân phối - bán lẻ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải và chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về phía, EVN đang phải mua 80% sản lượng điện năng còn lại từ các nhà máy điện độc lập theo các hợp đồng mua bán điện và giá điện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt với giá điện bình quân 1.757,5 đồng/kWh (chưa bao gồm chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ) để cung cấp cho khách hàng.
Ông Lê Thanh Vân cho biết, phần phản hồi của EVN về những thắc mắc của ông tại nghị trường còn rất sơ sài. Ông đã có văn bản gửi đến tập đoàn này đề nghị cung cấp thêm các thông tin, tài liệu về tài chính để có cơ sở đánh giá, nghiên cứu.
Trong đó, ông yêu cầu cung cấp các tài liệu như báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2022 và kiểm toán độc lập; chi tiết các tài khoản về chi phí tài chính, sản xuất, kinh doanh điện, chi tiết cơ sở tính giá thành sản xuất điện, cung cấp sao kê tài khoản của EVN.
Trả lời câu hỏi về việc để thiếu điện ngoài trách nhiệm của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn có trách nhiệm của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vì cơ quan này đang quản lý những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện như EVN, PVN. Ông Vân cho rằng, "điều này cần được thanh tra làm rõ".
Tiếp tục để lỗ thì trách nhiệm thuộc về ai?
Theo các chuyên gia kinh tế, khi để xảy ra tình trạng thiếu điện, bên cạnh trách nhiệm của EVN, Bộ Công Thương, cũng cần xem xét cả trách nhiệm rất lớn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho biết “Phải thừa nhận trách nhiệm hiện nay là Bộ Công Thương đưa ra quy hoạch, phát triển nguồn nhưng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới là cơ quan quyết việc đầu tư, chi tiền đầu tư của EVN.
Nếu không được ủy ban này duyệt, EVN hay Bộ Công Thương cũng không thể nhúng tay vào làm thay. Phải nói rõ, việc phê duyệt dự án, để các dự án điện đầu tư triển khai chậm tiến độ không thể không có vai trò và trách nhiệm của Ủy Ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp” ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho rằng, về mặt quản lý, tất cả các hoạt động, vận hành và đầu tư của EVN đều phải báo cáo đồng thời cho Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vì vậy ủy ban này đương nhiên cũng phải tích cực đồng hành với các cơ quan trong việc tham gia giải quyết cũng như chịu trách nhiệm cho việc thiếu điện hiện nay.
“Với các dự án, nếu ủy ban không duyệt chủ trương, hoặc duyệt dự án chậm thì không thể đổ lỗi cho EVN. Tương tự, Bộ Công Thương nếu không duyệt quy hoạch thì cũng không phải lỗi của ngành điện”, ông Sơn nêu quan điểm.
Theo đó, cần xem lại vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc “tổng quản” đầu tư các dự án điện cũng như cách phối hợp giữa các tập đoàn nhà nước trong việc đảm bảo cấp điện ra sao?
Cùng với đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng cần có những giải pháp phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết các vấn đề về tài chính, nhân lực, chiến lược phát triển của EVN và các doanh nghiệp khác như TKV, PVN trong việc đầu tư dự án để không xảy ra tình trạng chậm tiến độ, dẫn đến thiếu điện, thiếu nguồn.
EVN được giao trọng trách lớn: Không để thiếu điện khi kinh tế tăng trưởng 2 chữ số
Có điện, người dân vẫn phải đun bếp củi: Công ty bán điện hứa 'khắc phục ngay'