Thỏa thuận ngũ cốc đổ vỡ, giá lương thực sẽ tăng trong dài hạn?
Nhiều chuyên gia nhận định dù thỏa thuận ngũ cốc biển Đen đổ vỡ chưa tác động nhiều đến giá lương thực ngắn hạn, nhưng sẽ đẩy giá lương thực tăng cao trong dài hạn.
Với việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc, các chuyên gia lo ngại giá lương thực như lúa mì có thể tăng phi mã và gây ra một cuộc khủng hoảng mới về an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên đến nay, điều đó chưa xảy ra.
Bình yên trong ngắn hạn
Giá lương thực thế giới chỉ biến động nhẹ sau khi Moscow tuyên bố dừng thỏa thuận ngũ cốc. Theo CNBC, giá lúa mì tăng 3% đạt mức 689,25 cent Mỹ/giạ. Mặc dù đây là mức cao nhất kể từ ngày 28/6 nhưng nó vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 1.177,5 cent/giạ thiết lập vào tháng 5 năm ngoái.
Vì sao lại có điều này? Trước hết, các nhà đầu tư đã có sự chuẩn bị cho triển vọng bất ổn của thỏa thuận này từ trước khi nó sụp đổ.
Các số liệu chỉ ra, thương mại trên Biển Đen đã giảm dần kể từ tháng 5/2023, khi Nga bắt đầu gây khó cho các tàu đi đến cảng Pivdennyi - nơi chiếm 1/3 lượng xuất khẩu đường biển của Ukraine kể từ khi thỏa thuận được ký kết. Tín hiệu này đã khiến các công ty phải nhanh chóng tìm các nguồn cung thay thế bền vững hơn, như Brazil, Australia hay Canada.
Sự tham gia của Ấn Độ cũng giúp giá cả ổn định hơn. Trước chiến sự Nga- Ukraine, sản lượng lúa mì khổng lồ của nước này chủ yếu để phục vụ cho tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, với vụ thu hoạch đạt kỷ lục vào năm qua cộng với giá lúa mì thế giới đang ở mức cao, New Delhi đã xuất khẩu tới 8,5 triệu tấn trong niên vụ 2022/23 – một mức kỷ lục.
Bên cạnh đó, dù sản lượng cung cấp của Kiev ra thế giới hơn 30 triệu tấn trong năm qua, nhưng độ rộng của thị trường là không cao. Nói cách khác, chỉ có một số ít quốc gia hưởng lợi từ nguồn cung lương thực giá rẻ của Ukraine, khiến nó ít có tác động sâu rộng tới thị trường lúa mì thế giới.
Theo các số liệu của Statista, khoảng 25% kho lương thực của Kiev được xuất khẩu theo Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen tới Trung Quốc, 18% cập các cảng ở Tây Ban Nha, trong khi 10% đến Thổ Nhĩ Kỳ. Không có quốc gia châu Phi nào nhận được một khoản lớn trong thỏa thuận này, là một nguyên do khiến ông Putin tuyên bố chấm dứt thỏa thuận. Ông Simon J. Evenett, một chuyên gia về thương mại toàn cầu tại Đại học St. Gallen, nhận định việc Nga rút khỏi thoả thuận phản ánh “sự thất bại của một thoả thuận vốn dĩ đã lung lay”.
“Sự sụp đổ của Thỏa thuận Biển Đen là một đòn giáng mạnh vào các quốc gia tìm nguồn cung ứng lúa mì giá rẻ từ Ukraine. Nhưng chừng nào điều này không dẫn tới các lệnh cấm xuất khẩu, thì việc thỏa thuận sụp đổ là cũng chỉ là một xáo trộn nhỏ”, ông Evenett trả lời CNBC.
Ngoài ra, thị trường lương thực toàn cầu vừa chứng kiến một vụ mùa bội thu, khiến sự vắng mặt của Ukraine không còn nhiều ý nghĩa. Nguồn cung lúa mì thế giới vẫn tăng mạnh trong năm qua, với đóng góp lớn bởi xuất khẩu lúa mì từ Australia, Nga hay Canada. Hay với ngô, sự thiếu hụt của Ukraine có thể được bù đắp bởi doanh số bán kỷ lục dự kiến từ Brazil, theo chuyên gia Alexis Ellender của công ty dữ liệu Kpler.
Các chuyên gia nhận định, dự trữ lương thực toàn cầu sau khi giảm trong nhiều năm có thể tăng trở lại vào năm 2023 với các tín hiệu tích cực trong ngành nông nghiệp này.
Theo các chuyên gia, chi phí cao khi vận chuyển hàng qua đường sắt và đường sông xuyên châu Âu không chỉ khiến giá cả nông sản Ukraine tăng cao, mà còn khiến sản lượng các mùa vụ sau giảm bớt khi nông dân Ukraine không còn nhiều động lực để gia tăng sản xuất.
Nguy cơ trong dài hạn
Mặc dù đồng tình việc thỏa thuận ngũ cốc bị đình chỉ ít có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng giá lương thực trên toàn cầu, nhưng các chuyên gia lo ngại tác động sẽ mở rộng trong dài hạn.
Ông Peter Ceretti, Chuyên gia của công ty tư vấn Eurasia Group nhận định, thỏa thuận ngũ cốc đổ vỡ sẽ tạo thêm áp lực tăng giá lương thực trong tương lai, khi các thiên tai như hạn hán hay El Nino gây ra các tác động trầm trọng hơn đến ngành lương thực.
Một số tín hiệu tiêu cực cũng đã xuất hiện. Mới đây, Ấn Độ đã ban bố lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ để tăng dự trữ lương thực đề phòng với thời tiết cực đoan. Điều này đã khiến giá lúa mì trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ) tăng vọt. Hay gần đây nhất, Nga tấn công liên tiếp vào các cảng xuất khẩu chủ lực của Ukraine, khiến 60.000 tấn lương thực bị phá hủy.
Chuyên gia Evenett còn lo ngại một biến số khác – đó là khả năng Nga “vũ khí hóa” lương thực để làm tăng giá. Ông nói với CNBC: “Trong tương lai, điều quan trọng là liệu Nga có dùng việc xuất khẩu lúa mì của họ để làm vũ khí hay không. Trong vụ thu hoạch vừa qua và hiện tại, Nga đang là nhà cung cấp lớn nhất thế giới với khối lượng xuất khẩu khoảng 45 triệu tấn lúa mì”.