Vĩ mô

Thời cơ “vàng” cho xuất khẩu gạo Việt Nam

Nguyễn Việt 24/07/2023 - 11:14

Việc hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, vì người mua chuyển hướng sang gạo Thái Lan và Việt Nam.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá về việc Ấn Độ cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường (Phi Basmati) có hiệu lực kể từ ngày ký 20/7/2023. 

việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo được xem là tín hiệu tích cực cho các quốc gia xuất khẩu khác, bao gồm cả Việt Nam.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Ấn Độ đang xuất khẩu gạo tới hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc hạn chế xuất khẩu gạo trắng từ quốc gia này sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới, vì người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam.

“Tuy nhiên, gạo Việt cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong dài hạn, phối hợp với nông dân để nâng cao chuỗi giá trị toàn ngành, đảm bảo gia tăng cả về giá lẫn sản lượng gạo xuất khẩu”, ông Nam nói.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo được xem là tín hiệu tích cực cho các quốc gia xuất khẩu khác, bao gồm cả Việt Nam. Điều này, cũng giúp kéo giá lúa gạo ở ĐBSCL tiếp tục tăng 300-400 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tháng 7/2023.

Cụ thể, lúa OM 380 hiện được thương lái mua tại ruộng (lúa tươi) có giá dao động từ 6.400-6.700 đồng/kg; IR 50404 từ 6.500-6.850 đồng/kg; Đài Thơm 8 có giá 7.000-7.100 đồng/kg; OM 5451 từ 6.600-6.800 đồng/kg; lúa DS1 có giá 8.400-8.800 đồng/kg; lúa ST24 và 25 có giá dao động từ 7.300-7.400 đồng/kg.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu cũng tăng mạnh thời gian qua, từ 508 USD/tấn hồi đầu tháng 7/2023, thì hiện đã vọt lên mức 533 USD/tấn đối với gạo 5% tấm, gạo 25% tấm từ mức giá 488 USD/tấn cũng tăng lên mức 513 USD/tấn.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, điểm đáng mừng hiện nay là khu vực ĐBSCL đang thu hoạch lúa hè thu với giá tăng cao, đã giúp đem lại lợi nhuận 40-50 triệu đồng/ha cho bà con nông dân ở ĐBSCL.

“Đây là niềm phấn khởi của rất nhiều người nông dân”, ông Nam nhấn mạnh và giải thích, đối với ĐBSCL thường vụ đông xuân lúa mới có giá, nhưng năm nay vụ hè thu nông dân vẫn đạt mức lợi nhuận “lịch sử” là điều đáng mừng, đem lại giá trị cao cho bà con nông dân.

Trước động thái cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, để góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, bình ổn giá lúa gạo trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tăng cường đôn đốc các hội viên.

Đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam... tổ chức thu mua và tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.

Yêu cầu các hội viên thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018 ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá lúa gạo tại thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường gạo, chủ động trao đổi, tổng hợp ý kiến của hội viên về khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng, lưu thông gạo trên thị trường trong nước và quốc tế để báo cáo và đề xuất giải pháp phù hợp với các bộ, ngành liên quan.

Cục Xuất nhập khẩu cũng đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP. Chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, tổ chức phương án sản xuất, xuất khẩu phù hợp, hiệu quả.

Nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về lượng lúa gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định 107/2018, gửi về Cục Xuất nhập khẩu và VFA...

gạo Việt cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong dài hạn, phối hợp với nông dân để nâng cao chuỗi giá trị toàn ngành, đảm bảo gia tăng cả về giá lẫn sản lượng gạo xuất khẩu.

Theo thông báo của Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, ngày 20/7/2023 Tổng cục Ngoại thương, cơ quan thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ đã ra thông báo số 20/2023 về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường, quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Một số trường hợp được tiếp tục xuất khẩu gồm:

Lô hàng bắt đầu đưa lên tàu trước thời điểm Thông báo.

Các lô hàng đã có hóa đơn vận tải đã được điền, con tàu đã cập cảng Ấn Độ và thứ tự bốc hàng lên tàu đã được cấp.

Lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi Thông báo và đã được đăng ký trên hệ thống hải quan điện tử hoặc lô hàng đã đưa vào kho hải quan để xuất khẩu trước thời điểm Thông báo. Thời điểm xuất khẩu các lô hàng này là đến 31/8/2023.

Lô hàng được xuất khẩu theo giấy phép của Chính phủ Ấn Độ tới các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu An ninh lương thực và dựa trên đề nghị của Chính phủ nước đó.

Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, trong tháng 5/2023, Việt Nam nhập khẩu khối lượng gạo kỷ lục từ Ấn Độ, đạt khoảng 101.000 tấn, tăng 56,64% so với tháng 5 năm 2022, vươn lên đứng thứ 4 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ tính về khối lượng.

Tính trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 367,5 nghìn tấn gạo Ấn Độ, tăng 31,76% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu gạo từ Ấn Độ cần liên hệ ngày với các đối tác xuất khẩu để kiểm tra tình trạng hàng hóa và đề nghị doanh nghiệp Ấn Độ liên hệ ngay với văn phòng Tổng cục Ngoại thương ở các khu vực để được hướng dẫn.

Giá gạo Việt đắt nhất thế giới, doanh nghiệp vẫn chi 1,24 tỷ USD nhập khẩu

Xuất khẩu gạo vượt mốc 8 triệu tấn

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/thoi-co-vang-cho-xuat-khau-gao-viet-nam-247940.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thời cơ “vàng” cho xuất khẩu gạo Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH