Thời thơ ấu định hình cách bạn kiếm và tiêu tiền ra sao?
Reynal nhận định rằng những điều về tiền bạc mà chúng ta học được từ nhỏ thường được định hình bởi việc lớn lên trong môi trường thiếu thốn hay dư dả.
Mối quan hệ giữa tuổi thơ của bạn với tiền bạc không phải là ngẫu nhiên, mà thực chất chúng phản ánh những tác động tâm lý từ quá khứ. Theo Vicky Reynal, chuyên gia tâm lý tài chính và tác giả cuốn sách Money on Your Mind, cách chúng ta quản lý và chi tiêu tiền thường bắt nguồn từ những trải nghiệm trong thời thơ ấu. Những sự kiện, quan điểm hoặc thậm chí cả cảm xúc mà bạn tiếp nhận khi còn nhỏ có thể âm thầm định hình thói quen tài chính hiện tại.
"Những trải nghiệm cảm xúc trong thời thơ ấu đóng vai trò quan trọng trong việc định hình con người chúng ta khi trưởng thành", chuyên gia tâm lý tài chính Vicky Reynal chia sẻ. Theo bà, các hành vi tài chính hiện tại của mỗi người đều bắt nguồn từ những ảnh hưởng tâm lý trong quá khứ.
Theo bà, các hành vi tài chính hiện tại của mỗi người đều bắt nguồn từ những ảnh hưởng tâm lý trong quá khứ. Ảnh minh họa. |
Ví dụ, một người lớn lên trong môi trường an toàn và đầy yêu thương thường tin rằng mình xứng đáng với những điều tốt đẹp. Niềm tin này giúp họ tự tin hơn khi đàm phán mức lương cao, tận hưởng thành quả tài chính, hoặc ra quyết định chi tiêu sáng suốt. Ngược lại, những người trải qua sự thiếu quan tâm hoặc thiếu thốn tình cảm từ nhỏ có thể hình thành cảm giác tự ti, dẫn đến các hành vi tài chính tiêu cực. Chẳng hạn, họ có thể cảm thấy tội lỗi khi chi tiêu vì không nghĩ mình xứng đáng, hoặc chi tiêu hoang phí để gây ấn tượng, nhằm bù đắp cảm giác thiếu giá trị.
“Khi một đứa trẻ nhỏ mang bức tranh nguệch ngoạc đến khoe cha mẹ, cách cha mẹ phản ứng sẽ gửi đến chúng thông điệp về cách thế giới sẽ đối xử với chúng trong tương lai”, Reynal nhấn mạnh.
Thiếu thốn hay dư dả
Reynal nhận định rằng những điều về tiền bạc mà chúng ta học được từ nhỏ thường được định hình bởi việc lớn lên trong môi trường thiếu thốn hay dư dả.
Bà giải thích, những người trưởng thành từ hoàn cảnh thiếu thốn nhưng sau này thoát khỏi nghèo khó và tích lũy được tài sản đáng kể thường phải đối mặt với “tư duy khan hiếm”. Đây là lối suy nghĩ ám ảnh rằng mình không bao giờ có đủ, đặc biệt là về tiền bạc. Điều này có thể khiến họ khó tận hưởng thành quả lao động và luôn lo lắng khi phải chi tiêu.
Ngược lại, có những người lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó nhưng khi trở nên giàu có lại tiêu tiền một cách thiếu cân nhắc. Reynal cho rằng, họ thường cố gắng bù đắp những khao khát thời thơ ấu bằng cách chi tiêu không kiểm soát, thậm chí sẵn sàng dốc sức để mang lại mọi điều tốt đẹp cho con cái, như một cách để lấp đầy những thiếu hụt mà họ cảm thấy cha mẹ đã không thể đáp ứng.
Chuyên gia nhấn mạnh rằng, những trải nghiệm thời thơ ấu không chỉ ảnh hưởng đến cách chúng ta kiếm tiền mà còn định hình cách chúng ta quản lý và tận hưởng tài chính trong suốt cuộc đời trưởng thành.
Ngừng tự hại chính mình
Theo chuyên gia tâm lý tài chính Vicky Reynal, để vượt qua thói quen chi tiêu tiêu cực, bạn cần dừng ngay việc tự hủy hoại bản thân, một hành vi phổ biến nhưng thường không được nhận ra.
Bà giải thích rằng những hành vi này thường xuất phát từ các cảm xúc sâu kín, như sự tức giận, cảm giác không xứng đáng, hay nỗi sợ về sự độc lập. Những cảm xúc này có thể khiến bạn mắc kẹt trong các hành vi chi tiêu không lành mạnh mà chính bạn không nhận thức rõ.
Bước đầu tiên để thay đổi là nhận diện thói quen tài chính của chính mình. Reynal đưa ra một ví dụ điển hình về những người thường chi tiêu quá mức vào buổi tối. Hãy tự hỏi bản thân: "Tại sao tôi lại tiêu tiền vào thời điểm này? Có phải tôi đang cố lấp đầy sự buồn chán, cô đơn, hay một cảm giác nào khác thông qua việc chi tiêu?".
Khi xác định được nguyên nhân, bạn có thể tìm giải pháp thay thế. "Nếu đó là buồn chán, bạn có thể làm gì khác để thay thế thói quen tiêu tiền không kiểm soát này?", Reynal khuyến nghị.
Chuyên gia chia sẻ câu chuyện về một khách hàng trẻ tuổi, người luôn tiêu hết tiền chỉ trong hai tuần đầu của tháng. Khi được hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn quản lý tài chính một cách có trách nhiệm hơn?", khách hàng bất ngờ tiết lộ rằng họ lo sợ mất đi lý do để liên lạc với mẹ.
Khách hàng này tâm sự rằng cha mẹ đã ly hôn từ lâu, và việc xin tiền là lý do duy nhất để họ gọi điện cho mẹ. "Họ nhận ra rằng việc quản lý tài chính kém không chỉ là thói quen, mà còn là cách duy trì mối liên hệ với mẹ. Nếu họ độc lập về tài chính, họ lo sợ sẽ không còn cái cớ để liên lạc và không biết làm thế nào để hàn gắn mối quan hệ ấy", cô cho biết thêm.
Reynal khuyên rằng, để vượt qua những thói quen chi tiêu tiêu cực, bạn cần dành thời gian khám phá nội tâm một cách cởi mở và không phán xét. Hãy tự đặt những câu hỏi như: "Tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu ngừng phung phí tài chính? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi giảm bớt sự hào phóng với bạn bè?". Những câu hỏi này không chỉ giúp bạn nhìn thẳng vào vấn đề mà còn mang lại những gợi ý giá trị, giúp bạn thấu hiểu nguyên nhân sâu xa của hành vi.
Khi bạn nhận diện được cảm xúc, thay đổi thói quen và áp dụng những giải pháp lành mạnh, bạn sẽ dần cải thiện cách quản lý tài chính và xây dựng một mối quan hệ tích cực, bền vững hơn với tiền bạc.
Theo CNBC
>> 1 lời khuyên tiền bạc cực giá trị của Warren Buffett dành cho các nhà đầu tư