Thu gần 100 triệu tấn nông sản, cuối năm chỉ lo vấn đề thị trường
Sản lượng các loại nông sản tăng mạnh, cả năm ước đạt gần 100 triệu tấn. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định hoàn toàn yên tâm vấn đề an ninh lương thực, cuối năm chỉ tập trung vấn đề thị trường tiêu thụ.
Tại họp báo thường kỳ tháng 9 sáng 29/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, toàn ngành nông nghiệp đạt kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực tăng trưởng cao. Đáng nói, sản lượng lương thực, thực phẩm tăng trưởng khá mạnh.
Ông dẫn chứng, năng suất lúa bình quân đạt 62,6 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha. Tính đến tháng 9 năm nay, sản lượng lúa ước đạt 33,6 triệu tấn; thủy sản đạt gần 6,8 triệu tấn; rau củ trên 19 triệu tấn; trái cây 18 triệu tấn; sản lượng thịt 5,74 triệu tấn, trứng 14,2 tỷ quả, sữa 892,5 triệu lít... Ước cả năm, sản lượng nông thủy sản lên tới cả 100 triệu tấn.
"Nguồn cung các mặt hàng nông sản đang dồi dào, vấn đề an ninh lương thực có thể yên tâm. Những tháng cuối năm chỉ lo và cần tập trung vào vấn đề thị trường tiêu thụ", ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, nước ta còn sản xuất vụ Đông với diện tích 350-380 nghìn ha. Đây là vụ có thời gian sản xuất ngắn nhưng đem lại giá trị kinh tế cao. Năm ngoái, cây vụ Đông cho doanh thu 36.000 tỷ đồng.
Theo đó, rau quả vụ Đông ngoài phục vụ nhu cầu nội địa còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản - các quốc gia gần như không sản xuất được vụ này, hoặc diện tích rất nhỏ sản xuất trong nhà kính. Thế nên, đây là lợi thế lớn của nước ta để đẩy mạnh xuất khẩu.
Đặc biệt, năm nay Trung Quốc mưa lớn kéo dài, xảy ra lũ lụt ở nhiều nơi nên cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu rau củ quả thị trường 1,4 tỷ dân rất lớn.
Cục Trồng trọt đang phối hợp với địa phương đảm bảo xuất khẩu, đáp ứng được nhu cầu trong nước cũng như nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... ông Cường cho hay.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, thị trường xuất khẩu quý IV năm nay đang khởi sắc. Tháng 9, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh 22% so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 38,48 tỷ USD, mức giảm nhỏ dần còn 5,1%.
"Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 54-55 tỷ USD chắc chắn sẽ hoàn thành", ông Tiến nói. Song, cần phải căn cứ vào đối tượng thị trường.
Ông chỉ rõ, gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng cho ngành lâm sản và thủy sản hiện giải ngân được 5.500 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 2 nhóm hàng này đã nhích nhanh. Ngoài ra, gạo, rau quả, cà phê, hạt điều kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh bù đắp cho những mặt hàng sụt giảm.
Hiện Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Philippines là khách hàng lớn. Từ cơ cấu này, sẽ có chiến lược thúc đẩy nông sản phù hợp với từng thị trường trong những tháng cuối năm. Trong đó, rau quả sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc; gỗ và cá tra tập trung vào thị trường Mỹ.
Trao đổi với báo chí về vấn đề thu hồi 70 mã số vùng trồng, 40 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) khẳng định, Việt Nam chủ động, không phải phía Trung Quốc yêu cầu. Theo quy định, để xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc bắt buộc phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được phía Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Nếu phát hiện vi phạm, nước xuất khẩu có thể chủ động tạm dừng, hoặc nước nhập khẩu yêu cầu thu hồi. "Nếu để Trung Quốc thu hồi hay tạm dừng sẽ khó khăn hơn trong vấn đề đàm phán phê duyệt lại, đồng thời ảnh hưởng tới xuất khẩu. Do đó, chúng ta chủ động rà soát, phát hiện vi phạm sẽ tạm dựng ngay", lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh. |