Thủ khoa tốt nghiệp điểm tuyệt đối chia sẻ cách vượt áp lực, định hướng nghề nghiệp
Chia sẻ về cách vượt qua khó khăn, áp lực và cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ, anh Nguyễn Thế An – Thủ khoa đầu ra Đại học Bách khoa Hà Nội với điểm tuyệt đối, cho rằng, sinh viên cần cân bằng giữa việc học và việc làm phù hợp với năng lực bản thân. Từ năm 3, các bạn cần lựa chọn tham gia phòng lab nghiên cứu hoặc thực tập tại doanh nghiệp đầu ngành.
Với chủ đề “Biến tiềm năng thành tài năng”, chương trình FPT Leader Talk - Journey To Your Future diễn ra tại ĐH Bách khoa Hà Nội, thu hút gần 1.300 sinh viên tham gia và hơn 15.000 lượt theo dõi trực tuyến.
Tham gia trao đổi tại chương trình là hai cựu sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội: ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT; anh Nguyễn Thế An - Kỹ sư nghiên cứu AI thuộc FPT Software AI Center, thủ khoa đầu ra Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2024 với điểm tuyệt đối (GPA 4.0/4.0).
Hai khách mời đã mang đến những chia sẻ sâu sắc về hành trình biến tiềm năng thành tài năng. Qua đó giúp sinh viên định hình lộ trình phát triển bản thân và cơ hội việc làm trong kỷ nguyên AI.
Ông Hoàng Nam Tiến (ngoài cùng bên phải) và anh Nguyễn Thế An (ở giữa) trao đổi tại chương trình. |
Ông Hoàng Nam Tiến cho rằng, phần lớn giới trẻ vẫn chưa khám phá được tiềm năng vì đang dễ dàng thỏa hiệp với thất bại và bỏ cuộc sau vấp ngã. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến gần 90% sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành người bình thường trong thời đại AI. Chỉ 10% còn lại có thể kiến tạo năng lực và trở nên khác biệt nhờ kiên trì, nỗ lực, sáng tạo và ý chí học tập suốt đời.
“Thực học là nền tảng của thành công. Đồng tiền chân chính phải có được từ nỗ lực và lao động thực sự”, ông Hoàng Nam Tiến nói.
Theo ông Tiến, mỗi sinh viên cần thay đổi cách học, chuyển từ nghe giảng thụ động sang chủ động tự học từ thầy cô, đồng đội, bạn bè và đặc biệt là AI.
AI mang lại nhiều điều kiện thuận lợi để giới trẻ phát triển, nhưng quan trọng nhất vẫn là cách ứng dụng AI đúng đắn và hiệu quả.
“Theo nhận định đến năm 2023, gần 40% việc làm trên thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi AI. Điều này không có nghĩa là AI lấy đi cơ hội việc làm của người trẻ, mà chính những người biết sử dụng AI sẽ làm điều đó. Thế hệ làm chủ AI sẽ được trọng dụng, trở thành lãnh đạo tương lai trong kỷ nguyên công nghệ”, ông nhận định.
Chia sẻ về lợi thế của sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, và cơ hội việc làm trong ngành công nghệ, ông Tiến cho biết hơn 1.000 người đang làm việc tại các đơn vị của FPT là cựu sinh viên Bách Khoa, trong đó gần 200 anh chị hiện giữ vị trí lãnh đạo.
Tại tập đoàn, người trẻ có cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc toàn cầu, cùng học, cùng làm với các chuyên gia hàng đầu, trau dồi về kỹ năng và liên tục được cập nhật về công nghệ, khai mở lộ trình phát triển cá nhân. "Sinh viên hãy nỗ lực học tập vì kiến thức giảng đường sẽ áp dụng được phần lớn trong công việc", ông Tiến nói.
Trao đổi về cách vượt qua khó khăn, áp lực và cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ, dưới góc nhìn cựu sinh viên, anh Nguyễn Thế Anh bày tỏ: “Các bạn sinh viên nên cân bằng giữa việc học và việc làm phù hợp với năng lực của bản thân. Ngay từ năm 3, các bạn nên chọn tham gia lab nghiên cứu hoặc thực tập tại doanh nghiệp đầu ngành để khám phá điểm mạnh, điểm yếu và sự phù hợp, giúp định hướng đúng nghề nghiệp sau này”.
Nguyễn Thế An (SN 2002) từng là thủ khoa khối A1 của tỉnh Bắc Ninh năm 2020 và xếp thứ 5 toàn quốc. Anh trúng tuyển vào ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Suốt bốn năm đại học, anh tiếp tục giữ vững phong độ. Anh trở thành một trong hai sinh viên đầu tiên tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội với điểm tuyệt đối đối 4.0/4.0
>>Nữ sinh 'lội ngược dòng' thành thủ khoa Trường Đại học Y Hà Nội
Nữ sinh 'lội ngược dòng' thành thủ khoa Trường Đại học Y Hà Nội
Nữ thủ khoa Học viện Quân y 42kg kể chuyện vác bao cát hành quân