Thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính đầy nhiêu khê cũng là một trong số những nguyên nhân gây ra tình trạng sốt đất năm 2021.
Ngay đầu năm, thời điểm tháng 2 và tháng 3/2021, sốt đất diện rộng đã diễn ra từ Bắc vào Nam. Đây được coi là “cơn sốt” có nhiệt độ lớn nhất năm khi tại hàng loạt khu vực, giá đất tăng chóng mặt, có nơi tăng gần 50%.
Theo ghi nhận của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đất đai sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau mỗi tháng. Cục bộ một số nơi tăng mạnh hơn, điển hình nhất là các vùng ven Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%); Hòa Bình (46%); Bắc Ninh (20%); Hưng Yên (26%)...
Khắp từ Bắc vào Nam, dễ dàng gặp cảnh người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Ở nhiều địa phương, nhiều môi giới tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án nhằm "câu" khách. Những hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: đất rừng, đất ruộng, vườn…cũng xuất hiện. "Cò mồi" thường xuyên tụ tập, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày.
Trong một năm, khi giao dịch bất động sản gần như “đóng băng” vì ảnh hưởng của dịch bệnh thì những thông tin về những cuộc đấu giá đất ở Thủ Thiêm vào tháng cuối năm đã bất ngờ làm “nóng” dư luận.
Đáng chú ý nhất là cuộc trả giá căng thẳng cho lô đất 3-12 có diện tích 10.059m2. Từ mức khởi điểm 2.942 tỷ đồng, sau 70 lần trả giá một doanh nghiệp đã sở hữu khu đất này với mức giá 24.500 tỷ đồng. Tính ra, mỗi mét vuông lô đất có giá lên đến hơn 2,4 tỷ đồng.
Sốt đất thường xuất phát từ nhóm “cò”, đầu nậu với những chiêu trò tung tin thổi giá. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố này, năm 2021 trải dài từ Bắc vào Nam liên tục xuất hiện các cơn sốt đất với giá mặt bằng chung tăng cao chóng mặt, còn có một thủ phạm khác chính là thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính đầy nhiêu khê.
Liên quan đến vấn đề đất đai, nhiều năm trở lại đây, tâm lý “sợ ký” của lãnh đạo chính quyền nhiều tỉnh, thành cũng phần nào khiến nguồn cung bất động sản khan hiếm, kéo theo giá nhà đất bị đẩy ngày càng xa tầm với của người dân.
Cũng vì lý do thủ tục hành chính bộc lộ những nhiêu khê mà không ít công ty bất động sản dù nắm đất trong tay nhưng không thể triển khai dự án. Khi dự án không thể thực hiện sẽ kéo theo nguồn cung các sản phẩm bất động sản trên thị trường bị thiếu hút, thậm chí rơi vào tình trạng khan hiếm.
Thực tế ghi nhận, các năm qua, nguồn cung bất động sản tung ra thị trường nhỏ giọt, gây khan hiếm và đội giá lên cao.
Tại TP. HCM trong quý III/2021 chỉ 1 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, với tổng số 352 căn, giảm 85,7% so với quý I và giảm 87,5% so cùng kỳ năm ngoái.
Đến nay đã cận thời điểm bước sang năm mới 2022, thế nhưng trên thị trường cũng chưa có thêm dự án nào mới đủ điều kiện bán hàng được thông qua. Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, hiện thành phố có tới hơn 100 dự án tồn đọng, chưa thể triển khai. Nguồn cung khan hiếm cộng với dòng vốn đổ vào bất động sản tương đối dồi dào, trong khi nhu cầu về nhà ở, đầu tư vào lĩnh vực này rất lớn là những nguyên nhân chính làm cho giá bất động sản tăng mạnh thời gian qua, dù giao dịch giảm.
Theo nguyên lý thông thường, giao dịch giảm, nền kinh tế gặp khó khăn thì giá bất động sản sẽ giảm. Nhưng hiện nay, ngay cả khi GDP giảm, giá nhà vẫn tăng là điều đáng lo ngại. Điều này gây hình thành khung giá áo, lệch pha cung – cầu (thừa nhà giá cao, thiếu nhà giá rẻ) và sẽ làm méo mó thị trường, thanh khoản nhà ở suy giảm.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty DKRA Vietnam, nếu không sớm tháo gỡ các vấn đề về pháp lý cho các dự án bất động sản được thực hiện thì tình trạng khan hiếm nguồn cung sẽ tiếp tục tác động đến thị trường trong trung hạn. Khi thiếu cung, giá sẽ tăng. Giá tăng trong khi thu nhập của người dân giảm thì giao dịch sẽ giảm vì họ không đủ tiền để mua nhà.
Giải mã 'cơn sốt' đất vùng ven: Đầu tư 'đón sóng' hay chạy theo 'bong bóng'?
‘Cò đất dậy sóng’ và chuyện doanh nghiệp bỏ xưởng đi buôn bất động sản