Thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài 5: Cần lấp khoảng trống pháp lý

20-06-2023 10:13|NGUYỄN GIANG

Dù công tác quản lý thuế thương mại điện tử xuyên biên giới đã có những kết quả đáng ghi nhận, song thực tế vẫn còn nhiều điều cần sửa đổi, bắt đầu từ chính việc hoàn thiện hành lang pháp lý…

thu-thue-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-bai-5-can-lap-khoang-trong-phap-ly-1.jpg
Mỗi năm ngành Thuế vẫn thất thu 85% số thuế phải thu từ hai "ông lớn" Facebook và Google. Ảnh minh họa

Như đã thông tin trong những bài viết trước, theo số liệu thống kê tính tới đầu tháng 6/2023 đã có 55 nhà cung cấp nước ngoài đăng kí, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tổng số thu ngân sách nhà nước mà các nhà cung cấp nước ngoài đã khai, nộp trực tiếp trên cổng từ đầu năm đến nay là 3.401 tỉ đồng. Trong đó, có 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn gồm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple, chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”, chỉ tính riêng hai "ông lớn" Facebook và Google, mỗi năm ngành Thuế vẫn thất thu 85% số thuế phải thu. Theo phản ánh của một số Cục Thuế, một số doanh nghiệp có trang web, tài khoản mạng xã hội riêng nhưng chỉ để giới thiệu các thông tin về doanh nghiệp. Việc xác định doanh nghiệp có thông qua trang web, mạng xã hội để thực hiện kinh doanh thương mại điện tử hay không vẫn dựa trên phản hồi của doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc tìm kiếm dữ liệu liên quan đến hoạt động của các công ty thông qua việc truy cập vào website thương mại điện tử của các công ty còn gặp nhiều khó khăn do có website chứa nội dung thông tin tiếng nước ngoài... Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin từ các doanh nghiệp rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp cố tình trì hoãn hoặc không phối hợp trong việc cung cấp các thông tin liên quan đến các khách hàng (viện dẫn nhiều lý do như bảo mật thông tin khách hàng, không thuộc trường hợp phải cung cấp thông tin...), hoặc cung cấp thông tin nhưng không đủ các nội dung cần thiết để thực hiện việc xác minh, đối chiếu về doanh thu cũng như địa chỉ của người nộp thuế...

Tại báo cáo gửi Bộ Tài chính mới đây, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, chính sách và công tác quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới còn tồn tại những bất cập, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ. Đặc biệt, khoảng trống pháp lý chưa được sửa đổi, bổ sung, làm xói mòn cơ sở thuế và khó xác định căn cứ tính thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới.

thu-thue-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-bai-5-can-lap-khoang-trong-phap-ly-2.jpg
Chính sách và công tác quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới còn tồn tại những bất cập, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ. Ảnh minh họa

Đưa ra giải pháp để giải quyết bài toán khó này, PGS.TS Phạm Ngọc Dũng (Học viện Tài chính) cho rằng, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó có việc bổ sung các quy định về trách nhiệm của các nền tảng xuyên biên giới trong Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính, quảng cáo... gắn với trách nhiệm của các nhà mạng cung cấp dịch vụ qua các nền tảng xuyên biên giới.

“Cùng với đó, cần nghiên cứu ban hành chính sách yêu cầu cá nhân, tổ chức kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới bảo đảm tính minh bạch về nội dung và khả năng có thể giám sát được về mặt kỹ thuật…”, PGS.TS Phạm Ngọc Dũng nói.

Ở một góc nhìn khác, TS. Trần Trung Kiên (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, quản lý thuế thương mại xuyên biên giới cần có sự thoả thuận, hợp tác giữa các nước.

"Chúng ta không nỗ lực đơn phương được, bởi xuyên biên giới phải có sự quan tâm lớn không chỉ một quốc gia mà ít nhất là từ hai quốc gia trở lên. Như vậy, phải có những thỏa thuận, nỗ lực,  hợp tác giữa các quốc gia với nhau. Ví dụ như chúng ta với quốc gia láng giềng, ASEAN có thể đề ra một khuôn khổ chung về những nguyên tắc  quốc tế về hợp tác chia sẻ thông tin đó", TS. Trần Trung Kiên chia sẻ.

Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam nhận định, giải pháp trọng tâm là tuyên truyền để người nộp thuế nhận thức rõ hậu quả nặng nề từ việc trốn thuế. Bên cạnh xử lý nghiêm minh thì cần làm tốt công tác tuyên truyền để người ta thấy rõ rằng nếu như tự nguyện tuân thủ pháp luật thì thuế nộp không nhiều.  Đối với những cá nhân ở Việt Nam cung cấp dịch vụ ra nước ngoài cần thấy rằng nếu như bán thì rẻ nhưng nếu gian lận sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.

“Người nộp thuế phải tính toán rằng, thương hiệu của mình lớn, uy tín của mình lớn hay là trốn thuế để mang lại lợi ích trước mắt mà ảnh hưởng đến cái lâu dài", bà Nguyễn Thị Cúc nêu quan điểm.

Thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài 4: Dùng công nghệ "khắc chế" công nghệ

Thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp đà tăng trưởng?

Cuộc chiến thương mại điện tử tại Đông Nam Á: TikTok Shop, Lazada,... khó "vượt mặt" Shopee?

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/thu-thue-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-bai-5-can-lap-khoang-trong-phap-ly-246036.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới - Bài 5: Cần lấp khoảng trống pháp lý
POWERED BY ONECMS & INTECH