Thủ tướng Chính phủ: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ dừng lại ở TP. HCM
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đường sắt cao tốc Bắc - Nam không phải dừng lại ở TP. HCM, nó còn phải xuống Cần Thơ, xuống Cà Mau.
Ngày 15/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 200 cử tri, đại diện cho các xã, thị trấn cùng các vị chức sắc, chức việc của các tôn giáo trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ.
Tại buổi gặp gỡ, cử tri bày tỏ sự phấn khởi trước tiến độ xây dựng các tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Với tổng chiều dài hơn 1.000km, hệ thống này đang dần hoàn thiện, góp phần cải thiện kết nối khu vực. Cử tri cũng đánh giá cao vai trò của Thủ tướng khi thường xuyên tổ chức các chuyến thị sát và kịp thời chỉ đạo, đôn đốc tiến độ thi công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi gặp mặt cử tri. Nguồn ảnh: Dương Giang/TTXVN |
"Thủ tướng Chính phủ đã hứa với dân thì quyết tâm làm để phục vụ lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân", ông Phan Văn Tây, cử tri ấp 8, xã Thới Hưng nói.
Cử tri cũng nêu một số đề xuất, kiến nghị liên quan việc đầu tư, xây dựng các tuyến cao tốc, các tuyến đường sắt.
Về các đề xuất, kiến nghị của cử tri, Thủ tướng trả lời: "Đường sắt cao tốc Bắc - Nam không phải dừng lại ở TP. HCM, nó còn phải xuống Cần Thơ, xuống Cà Mau. Giai đoạn này chúng ta làm như thế nhưng chúng tôi đang cho nghiên cứu tiếp đoạn từ TP. HCM xuống Cần Thơ. Đoạn từ TP. HCM xuống Cần Thơ tôi cho rằng rất thuận lợi bởi vì giải phóng mặt bằng ít, làm thẳng tắp thì nó sẽ vừa đẹp, vừa hiệu quả. Tất nhiên là chúng ta phải làm, không thể không được, bà con cô bác cứ yên tâm, nhưng vì nguồn lực của đất nước còn có hạn vì vậy phải phân bổ ra, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần. Vừa qua thì nguồn vốn dành cho từ TP. HCM đi Hà Nội với khoảng hơn 67 tỷ USD đầu tư, tốc độ là 350km/h. Từ TP. Hà Nội đến TP. HCM đi trong vòng 5 tiếng đồng hồ, tương tự như thế thì khi kéo dài xuống Cần Thơ, chúng ta sẽ làm như thế và sẽ kéo dài xuống tận Cà Mau, không còn cách nào khác, cái trục dọc của chúng ta sẽ như vậy".
>> Cụm công nghiệp quy mô 8.000 lao động tại tỉnh nhỏ nhất Việt Nam có động thái mới
Trước đó, ngày 13/11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD). Dự án dài 1.541km, đi qua 20 tỉnh thành. Điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối ga Thủ Thiêm (TP. HCM).
Tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP. HCM) đã đề xuất nghiên cứu phương án kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao đến các tỉnh miền Tây, đặc biệt là Cần Thơ. Bà nhấn mạnh rằng khu vực miền Tây hiện thiếu các tuyến cao tốc đường bộ, khiến tình trạng ùn tắc giao thông trở nên nghiêm trọng, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết.
Bà Hồng Hạnh cũng chỉ ra rằng Cần Thơ với vai trò là thủ phủ của miền Tây sẽ được hưởng nhiều lợi ích quan trọng nếu tuyến đường sắt tốc độ cao được mở rộng đến khu vực này.
Đồng quan điểm, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP. HCM) cho biết hiện nay, hệ thống cao tốc chủ yếu tập trung ở phía Bắc, trong khi miền Tây dường như trở thành "vùng trũng" bị lãng quên với rất ít phương tiện giao thông hiện đại. Bà nhấn mạnh rằng việc triển khai dự án cần được tính toán cẩn thận, bởi mỗi đồng ngân sách chi ra đều là tiền thuế của người dân, và điều này đòi hỏi sự cân nhắc thấu đáo để tránh lãng phí.
Cùng ý kiến, Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP. HCM) đồng tình với đề xuất kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao đến các tỉnh miền Tây, cũng như mở rộng từ Hà Nội lên các tỉnh Tây Bắc. Bà nhấn mạnh rằng đây sẽ là tuyến huyết mạch quan trọng, đóng vai trò lớn trong việc luân chuyển hàng hóa và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của cả hai khu vực.
Tín hiệu mới từ dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hơn 8 tỷ USD
Tỉnh đặt 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sắp có thêm 1 thành phố mới