Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 ưu tiên chiến lược, 3 đột phá hành động cho Asean
Trong bối cảnh thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang chứng kiến những biến động sâu sắc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất “3 ưu tiên chiến lược” và “3 đột phá hành động” để Asean giải được những “bài toán khó”.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Tương lai Asean ngày 25/2. (Ảnh: Như Ý) |
Chiều 25/2, Diễn đàn Tương lai Asean khai mạc tại Hà Nội, với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính; Tổng thống Timor Lester Jose Ramos-Horta; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith; Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cùng lãnh đạo các nước ASEAN, các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp...
Trong phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đây là sự kiện rất có ý nghĩa, diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 10 năm hình thành Cộng đồng Asean, 30 năm Việt Nam gia nhập mái nhà chung Asean và cũng là năm thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 để đưa Asean bước vào kỷ nguyên mới, hướng tới một Cộng đồng đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, tự cường, đổi mới sáng tạo, năng động và lấy người dân làm trung tâm.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Tổng thống Timor Lester Jose Ramos-Horta đến dự Diễn đàn Tương lai Asean. (Ảnh: Như Ý) |
Thủ tướng đánh giá, thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang chứng kiến những biến động sâu sắc, tạo ra thách thức nhiều hơn cơ hội; các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện diễn biến nhanh hơn, phức tạp hơn, khó lường hơn.
Thế giới ngày nay đang đứng trước các xu thế phân cực hóa về chính trị, già hoá về dân số, cạn kiệt về tài nguyên, đa dạng hoá về thị trường sản phẩm, chuỗi cung ứng; xanh hoá về sản xuất kinh doanh và dịch vụ; số hoá về mọi hoạt động của con người.
Thủ tướng cho rằng bối cảnh đó đặt ra nhiều bài toán khó, nhưng đồng thời tạo ra những cơ hội hiếm có để Asean khẳng định vị thế và vững vàng đi lên.
Ra đời cách đây gần 60 năm với 5 thành viên sáng lập, Asean ngày nay trở thành cộng đồng 10 quốc gia thống nhất trong đa dạng, là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với tốc độ tăng trưởng hàng đầu, là trung tâm của các tiến trình liên kết khu vực và toàn cầu, là cầu nối của đối thoại, hợp tác, vì hoà bình và phát triển ở khu vực, góp phần tích cực vào định hình một trật tự thế giới mới.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, Asean được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, với GDP vượt 10 ngàn tỷ USD, có thị trường tiêu dùng lớn với 800 triệu dân, được dự báo sẽ trở thành trung tâm công nghệ, kinh tế số và đổi mới sáng tạo, với nền kinh tế số trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
![]() |
Tổng thống Timor Lester Jose Ramos-Horta phát biểu tại Diễn đàn Tương lai Asean. (Ảnh: Như Ý) |
Thủ tướng cho rằng để dự báo trở thành hiện thực, Asean không chỉ cần sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng, mà còn cần tư duy đột phá, chiến lược sắc bén, lộ trình khả thi, hành động quyết liệt. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề xuất 3 ưu tiên chiến lược và 3 đột phá hành động.
3 ưu tiên chiến lược, bao gồm:
Thứ nhất, củng cố Asean tự chủ về chiến lược thông qua tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Một ASEAN tự chủ chiến lược là một Asean đồng thuận, đoàn kết, cân bằng linh hoạt trong quan hệ đối ngoại; đóng vai trò tích cực trong định hình và đoàn kết hợp tác quốc tế trong bối cảnh hiện nay.
Thứ hai, xây dựng Asean tự cường về kinh tế thông qua đổi mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Asean phải đi đầu trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, kết nối sâu với chuỗi cung ứng toàn cầu, để có thể trở thành trung tâm sản xuất chiến lược.
Thứ ba, giữ vững giá trị và bản sắc của ASEAN như tinh thần hài hòa, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng sự khác biệt. Điều này không cần tiếp tục phát huy mà còn cần chia sẻ, lan toả rộng khắp để trở thành phương châm ứng xử chung của các nước trong quan hệ quốc tế.
3 đột phá hành động, bao gồm:
Thứ nhất, xây dựng cơ chế ra quyết định linh hoạt, hiệu quả, trách nhiệm hơn, đảm bảo vừa giữ nguyên tắc đồng thuận vừa có cơ chế đặc thù, các sáng kiến chiến lược để tạo đột phá.
Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động mọi nguồn lực cho phát triển trong khu vực của chúng ta, nhất là các dự án trọng điểm, khuyến khích sự tham gia ngày càng lớn hơn của khu vực tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội, loại bỏ các rào cản và hạn chế thương mại truyền thống, phát triển môi trường kinh tế số thông minh, an toàn để phục vụ thương mại, đầu tư trong Asean.
Thứ 3, tăng cường hơn nữa kết nối Asean, nhất là về kết nối hạ tầng, giao lưu nhân dân và hài hoà về thể chế cho thông thoáng, nỗ lực rút ngắn hơn nữa quá trình ra quyết định và đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính trong các nước Asean, để triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác.
Thủ tướng khẳng định, 3 thập kỷ đồng hành cùng ASEAN đã khẳng định tầm nhìn chiến lược đúng đắn của Việt Nam. Asean trở thành không gian chiến lược và môi trường phát triển tự nhiên của Việt Nam, trong khi Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm, củng cố đoàn kết, tăng cường vai trò trung tâm và thúc đẩy phát triển bền vững của ASEAN.
Thủ tướng cho rằng câu tục ngữ “Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” của Việt Nam càng đúng đắn trong bối cảnh hiện nay, khi Asean và Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, cùng hướng tới những mục tiêu đầy khát vọng.
![]() |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Diễn đàn Tương lai Asean ngày 25/2. (Ảnh: Như Ý) |
Ngã rẽ quan trọng
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bày tỏ lo ngại trước những diễn biến nhanh chóng của tình hình địa chính trị toàn cầu trong vài tuần qua.
“Những sự kiện mang tính bước ngoặt này cho thấy thế giới đang ở một ngã rẽ quan trọng, đặt ra nhiều câu hỏi chưa có lời giải về tương lai quan hệ giữa các cường quốc và trật tự quốc tế hậu Thế chiến thứ hai, cụ thể là vai trò và chức năng của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật quốc tế”, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, theo Phó Thủ tướng, điều quan trọng là các tổ chức khu vực như Asean phải khẳng định vai trò và năng lực của mình trong việc đảm bảo tính bền vững của các quy tắc và chuẩn mực đã được thiết lập. Đồng thời, Asean cần duy trì sự đoàn kết, bao trùm và tự cường trước những biến động mới đang diễn ra.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao Asean chụp ảnh chung sau phiên khai mạc. (Ảnh: Như Ý) |
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định đó cũng chính là lý do tại sao Diễn đàn năm nay được tổ chức với chủ đề: "Xây dựng một ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động".
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn hy vọng trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 sẽ có các cuộc thảo luận chuyên sâu về các vấn đề quan trọng, bao gồm:
Những xu hướng lớn nào đang định hình ASEAN? ASEAN cần hiểu rõ cách mà xu hướng đa cực hóa và sự thay đổi trong động thái khu vực cũng như toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến ASEAN, cũng như cách các xu hướng mới như phi toàn cầu hóa hoặc tái toàn cầu hóa, cùng những thách thức phi truyền thống khác sẽ định hình tương lai của khu vực và thế giới.
Những cơ hội và thách thức lớn nhất đối với ASEAN là gì? Trong bối cảnh chuyển biến địa chính trị và kinh tế toàn cầu và trong nội tại ASEAN.
Làm thế nào để ASEAN duy trì đoàn kết, bao trùm và tự cường? Đây có phải là những giá trị mà ASEAN cần tiếp tục bảo vệ khi xem xét lại các nền tảng của ASEAN để đảm bảo ASEAN đủ linh hoạt trước những thay đổi địa - kinh tế chiến lược.
Các công nghệ tiên tiến sẽ tác động đến ASEAN như thế nào? Các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và các đột phá công nghệ khác đang thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn về đạo đức, an toàn và an ninh mạng.
>>Việt Nam vươn lên trở thành thành viên năng động và có ảnh hưởng nhất ASEAN