Thế giới

Kishore Mahbubani: Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung và cơ hội của ASEAN

Phạm Vũ Thiều Quang 12/02/2025 09:43

Giáo sư Mahbubani chia sẻ về cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, lý giải sự thành công của ASEAN, và kể một vài câu chuyện lôi cuốn, trong đó có cuốn tự truyện “Sống trong Kỷ nguyên châu Á” sắp được xuất bản trong tiếng Việt.

Lời Toà soạn: VietNamNet xin được giới thiệu phần tiếp theo cuộc trò chuyện với Kishore Mahbubani, một trong những học giả, nhà bình luận chính trị hàng đầu châu Á. Cuộc trò chuyện được BTV Phạm Vũ Thiều Quang của VietNamNet thực hiện qua Microsoft Teams.
02111137 interviews 2_cover_1320x742.webp
Ông Mahbubani tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2012, trong phiên thảo luận "'Tương lai của quyền lực Hoa Kỳ trong thế kỷ 21". Ảnh: World Economic Forum.

Xem Phần 1: Phương Tây cần thay đổi tư duy với một châu Á đang trỗi dậy

Cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung

Sự dịch chuyển quyền lực sang phương Đông liên quan nhiều đến một chủ đề lớn hơn mà Giáo sư thường đề cập, đó là cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Đây được coi là cuộc cạnh tranh địa chính trị mang tính quyết định của thời đại chúng ta, và sẽ có tác động đáng kể đến phần còn lại của thế giới. Vậy Giáo sư dự đoán cuộc cạnh tranh này sẽ diễn biến như thế nào trong hai, ba thập kỷ tới?

Giáo sư Kishore Mahbubani: Như bạn biết, tôi đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề "Liệu Trung Quốc đã chiến thắng?" để bàn về cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc cạnh tranh này sẽ ngày càng gay gắt trong 10, 20 năm tới, bởi vì giới lãnh đạo ở Washington, D.C. đã đạt được sự đồng thuận rằng - Hoa Kỳ phải ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Hoa Kỳ không muốn trở thành số hai - họ muốn duy trì vị trí số một.

Vì vậy, mặc dù Hoa Kỳ đang bị chia rẽ sâu sắc - đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa bất đồng quan điểm về hầu hết mọi thứ - thì điều duy nhất họ đồng thuận là việc Hoa Kỳ cần phải ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Rõ ràng, từ góc nhìn của phần còn lại của thế giới, chúng ta cần hết sức quan tâm đến cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung này.

Tuy nhiên, dù đã quyết tâm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ vẫn chưa có một chiến lược dài hạn toàn diện để thực hiện mục tiêu này.

Người đã giúp tôi nhận ra điều này chính là Henry Kissinger, trong một cuộc trò chuyện riêng của tôi với ông ấy vào tháng 3 năm 2018. Chính ông ấy đã cho tôi ý tưởng trọng tâm cho cuốn sách của mình - rằng Hoa Kỳ cần phải có một chiến lược dài hạn để đối phó với Trung Quốc.

Bởi vì người Trung Quốc luôn là những người có tư duy chiến lược dài hạn, không ngừng suy nghĩ về cách đối trọng với Hoa Kỳ. Đây chính là sự khác biệt lớn giữa hai cường quốc này.

Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng Trung Quốc sai lầm lớn nếu họ đánh giá thấp Hoa Kỳ. Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn là xã hội thành công nhất trên hành tinh. Nền kinh tế của họ vẫn lớn hơn Trung Quốc rất nhiều - có thể ít nhất gấp rưỡi.

Và Trung Quốc sẽ cần khá nhiều thời gian để bắt kịp Hoa Kỳ. Không giống như châu Âu, đang suy yếu so với Hoa Kỳ và so với phần còn lại của thế giới, Hoa Kỳ vẫn duy trì sức mạnh của mình.

Thực tế, mặc dù Hoa Kỳ dường như hỗn loạn mỗi ngày, nhưng hầu hết các quốc gia đều bị tổn thương khi trải qua bất ổn, còn Hoa Kỳ lại phát triển mạnh mẽ trong sự hỗn loạn. Giống như một hệ thống Darwin, những người mạnh nhất sẽ được lựa chọn để lãnh đạo nước Mỹ.

Vì vậy, sẽ là sai lầm nếu Trung Quốc đánh giá thấp Hoa Kỳ. Với thực tế là cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều là những cường quốc đáng gờm, không bên nào có thể dễ dàng giành chiến thắng trong ngắn hạn. Cuộc cạnh tranh này sẽ còn kéo dài.

Nó giống như một trận đấu quyền Anh. Nếu hai võ sĩ ngang tài ngang sức, thì trận đấu sẽ không kết thúc chỉ sau một hoặc hai hiệp. Nó sẽ kéo dài đủ 10 hiệp. Và cuộc đấm bốc giữa Mỹ và Trung Quốc cũng vậy, sẽ kéo dài ít nhất 10 hiệp.

Hiện tại, một khía cạnh quan trọng trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung là cạnh tranh công nghệ, nơi Hoa Kỳ đã phát động một chiến dịch gây sức ép cực lớn. Nỗ lực này vượt ra ngoài phạm vi của cả Biden và Trump - đó là một nỗ lực lưỡng đảng. Liệu Giáo sư có cho rằng Mỹ có một chiến lược dài hạn nhằm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ của Trung Quốc, và liệu cách tiếp cận này có bền vững không?

Giáo sư Kishore Mahbubani: Không còn nghi ngờ gì nữa, Hoa Kỳ chắc chắn đang cố gắng ngăn chặn sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Thực ra, điều này bắt đầu từ thời vị Tổng thống Joe Biden. Ông ấy là một người bạn của Tập Cận Bình, nhưng ông ấy đã khởi xướng những biện pháp trừng phạt rất nặng nề nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu chip tiên tiến và các công nghệ khác sang Trung Quốc, với mục đích kìm hãm sự phát triển của nước này. Chắc chắn, những hạn chế xuất khẩu này của Hoa Kỳ sẽ làm chậm sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể ngăn chặn hoàn toàn sự phát triển công nghệ của Trung Quốc hay không. Cùng với hai đồng tác giả khác, tôi đã xuất bản một bài báo trên Tạp chí Chính sách Đối ngoại, trong đó chúng tôi cho rằng tất cả những nỗ lực ngăn chặn sự phát triển công nghệ của Trung Quốc trong quá khứ đều đã thất bại.

Liên Xô từng từ chối chia sẻ công nghệ hạt nhân với Trung Quốc, và Trung Quốc đã tự phát triển công nghệ hạt nhân. Hoa Kỳ từng từ chối hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ với Trung Quốc, và Trung Quốc đã tự phát triển công nghệ vũ trụ. Tất cả những nỗ lực trước đây nhằm ngăn chặn sự phát triển công nghệ của Trung Quốc đều không thành công. Vì vậy, tôi cho rằng, về lâu dài, những nỗ lực hiện tại này cũng sẽ thất bại.

Tuy nhiên, vấn đề đối với chúng ta ở Đông Nam Á là chúng ta có thể bị cuốn vào cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là lúc các nước Đông Nam Á phải hết sức thận trọng.

Chúng ta phải nói với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc rằng: Nếu các vị muốn cạnh tranh về phát triển công nghệ, cứ việc - nhưng đừng lôi kéo chúng tôi theo phe này hay phe kia. Đây là điều chúng ta cần phải làm rõ.

250117 donald trump Xi Jinping al 1014 2754c7.jpg
Tổng thống Mỹ, Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh ngày 9/11/2017. Ảnh: Bloomberg

Câu chuyện của ASEAN

Một chủ đề mà chúng tôi rất muốn Giáo sư chia sẻ sâu hơn đó là ASEAN. Giáo sư đã có nhiều bài phát biểu, bao gồm cả tại Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, nơi Giáo sư đã thảo luận về những thành công đáng kể của ASEAN trong việc duy trì hòa bình và thịnh vượng. Không nhiều người, ngay cả trong khu vực, thực sự hiểu rõ, đặc biệt là về những thành tựu của ASEAN. Vậy Giáo sư có thể chia sẻ điều gì đã làm nên thành công của ASEAN trong những thập kỷ qua, và đâu là những thành tựu chính của tổ chức này?

Giáo sư Kishore Mahbubani: Để hiểu được sự tuyệt vời của ASEAN, bạn chỉ cần hình dung và so sánh với những khu vực khác trên thế giới.

Hãy nhìn vào Nam Á. Ấn Độ và Pakistan - hai nước láng giềng - thậm chí còn không có quan hệ thương mại bình thường. Hay nhìn vào Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh. Đã có thời điểm Ả Rập Xê Út và Qatar thậm chí còn không nói chuyện với nhau. Nhìn vào Liên minh châu Phi - rất chia rẽ. Thậm chí ngay cả Mercosur ở Mỹ Latinh. Ngày nay, Brazil và Argentina - hai quốc gia quan trọng nhất - cũng thường xuyên bất đồng quan điểm.

Và ngay cả Liên minh châu Âu cũng đã thất bại trong việc ngăn chặn chiến tranh ở Ukraine. Về mặt địa chính trị, họ đã tỏ ra bất lực khi không thể ngăn chặn một cuộc chiến tranh ngay trong khu vực của mình.

Như vậy, có thể thấy rằng không có tổ chức khu vực nào có thể sánh với những thành tựu đáng kinh ngạc của ASEAN trong việc mang lại hòa bình và thịnh vượng. Trong 45 năm, không hề có một cuộc chiến tranh lớn nào ở Đông Nam Á. Bốn mươi lăm năm - thật đáng kinh ngạc!

Điều gì đã làm nên sự thành công này? Đó là bởi vì ASEAN đã hoạt động hiệu quả trong việc ngăn chặn chiến tranh. Quan trọng hơn, ASEAN cũng mang lại sự thịnh vượng cho khu vực.

Năm 2000, nền kinh tế Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, lớn gấp 8 lần ASEAN. Giờ đây, quy mô nền kinh tế Nhật Bản chỉ còn lớn hơn ASEAN khoảng 1,3 lần. Và dự kiến vào năm 2030, ASEAN sẽ vượt Nhật Bản.

Những con số này cho thấy sự phát triển vượt bậc của ASEAN. Không khu vực nào có thể sánh được với những gì ASEAN đã đạt được về tăng trưởng kinh tế. Trong thập kỷ từ 2010 đến 2020, ASEAN đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhiều hơn cả Liên minh châu Âu, mặc dù quy mô nền kinh tế châu Âu lớn gấp 5 lần ASEAN.

Tóm lại, ASEAN đã đạt được những thành tựu phi thường trong việc mang lại hòa bình và thịnh vượng cho người dân. Vậy đâu là bí quyết thành công? Ở đây, tôi cho rằng chúng ta cần ghi nhận vai trò to lớn của Indonesia.

Là thành viên lớn nhất của ASEAN, Indonesia hoàn toàn đã có thể cản trở sự phát triển của ASEAN nếu họ cố áp đặt sự thống trị, giống cách Hoa Kỳ thống trị Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ.

Nhưng không quốc gia nào đã cố gắng thống trị ASEAN, và điều đó đã tạo điều kiện cho ASEAN phát triển. Indonesia đã lan tỏa những giá trị mà người Indonesia gọi là "Musyawarah" (tham vấn) và "Mufakat" (đồng thuận).

Trong nội bộ ASEAN, chúng ta có rất nhiều điểm khác biệt. Trên thực tế, ASEAN là khu vực đa dạng nhất thế giới về văn hóa, tôn giáo và lịch sử. Không khu vực nào đa dạng như Đông Nam Á.

Với gần 700 triệu dân, ASEAN có khoảng 250 triệu người Hồi giáo,150 triệu người theo đạo Thiên chúa, 150 triệu người theo Phật giáo (bao gồm Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Tiểu thừa), bên cạnh Đạo giáo, Nho giáo, Ấn Độ giáo, vv.

Mặc dù là một khu vực rất đa dạng, nhưng chúng ta vẫn duy trì được hòa bình. Vì vậy, nếu có một tổ chức khu vực mà các tổ chức khác nên học hỏi, thì đó không phải là Liên minh châu Âu, cũng không phải là Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ, mà chính là ASEAN.

Thật tuyệt vời khi được nghe Giáo sư giải thích về thành công của ASEAN. Nhưng điều này cũng dẫn đến một vấn đề Giáo sư đã đề cập đến vài lần, đó là những thành công của ASEAN vẫn chưa được biết đến rộng rãi trên khắp thế giới. Vậy theo Giáo sư, đâu là nguyên nhân khiến câu chuyện về sự đoàn kết, hoà bình, và ổn định của ASEAN chưa tiếp cận được đông đảo công chúng toàn cầu?

Giáo sư Kishore Mahbubani: Tôi cho rằng lý do chính là vì các kênh truyền thông toàn cầu vẫn bị chi phối bởi truyền thông phương Tây. Và truyền thông phương Tây thì không hiểu ASEAN.

Họ thường miêu tả ASEAN giống như một con cua - tiến hai bước, lùi một bước, sang ngang một bước. Hình ảnh này tạo cảm giác ASEAN dậm chân tại chỗ, không có bước tiến nào đáng kể. Vì vậy, truyền thông phương Tây luôn coi thường các cuộc họp của ASEAN, cho rằng đó chỉ là những buổi nói chuyện vô bổ, và họ không nhìn thấy những thay đổi thực sự đang diễn ra.

Nhưng nếu nhìn vào ASEAN theo từng thập kỷ, bạn sẽ thấy rằng vào cuối mỗi thập kỷ, ASEAN đều lớn mạnh và thịnh vượng hơn rất nhiều. Đó là câu chuyện lớn mà tôi cho rằng truyền thông phương Tây đã bỏ lỡ. Thành thật mà nói, ngay cả truyền thông trong khu vực ASEAN cũng chưa hoàn toàn nhận thức được tầm quan trọng của ASEAN.

Tôi rất tiếc khi cuốn sách "Phép màu ASEAN" của chúng tôi, sau khi xuất bản, lại không được nhiều người dân ASEAN đọc. May mắn là cuốn sách này đã được dịch sang tiếng Việt, và hy vọng nó đã được nhiều người đọc ở Việt Nam. Tôi nghĩ điều quan trọng bây giờ là người dân ASEAN cần hiểu rõ tầm quan trọng của ASEAN để họ có thể chủ động quảng bá hình ảnh và những thành tựu của ASEAN đến với truyền thông phương Tây khi họ đến với các quốc gia trong khu vực.

20241010_asean three summit 2024_asean_ac.jpg
Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 27 đã diễn ra vào tháng 10/2024 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: US Institute for Peace

Một thành tựu đáng chú ý của ASEAN là, như Giáo sư đã đề cập, ASEAN vẫn giữ được vị thế trung lập về mặt chính trị. Nhiều người tin rằng ASEAN có thể trở thành cầu nối trong các cuộc xung đột trên thế giới. Ví dụ: năm 2018 và 2019, hai hội nghị thượng đỉnh hòa bình Mỹ - Triều đã được tổ chức tại Singapore và Việt Nam. Liệu Giáo sư có nghĩ rằng điều này là một dấu hiệu về tiềm năng của ASEAN khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế?

Giáo sư Kishore Mahbubani: Chắc chắn rồi. Tôi cho rằng khi thế giới trở nên phức tạp và đầy thách thức hơn, các nhà lãnh đạo sẽ càng khó khăn hơn trong việc gặp gỡ và đối thoại. Có rất ít nơi mà tất cả các nhà lãnh đạo thế giới có thể cùng đến.

Như bạn đã biết, Hội nghị Cấp cao Đông Á có sự tham gia của cả Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc. Trong bối cảnh hiện nay, rất khó để Tổng thống Hoa Kỳ gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc hay Tổng thống Nga. Vậy tại sao không tổ chức một cuộc gặp trong khuôn khổ ASEAN?

Điều này đã từng xảy ra trong quá khứ. Vào cuối những năm 1990, khi quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản xấu đi, lãnh đạo hai nước đã không thể gặp nhau song phương. Nhưng may mắn thay, họ đã cùng tham dự một hội nghị của ASEAN - tôi nhớ là ở Việt Nam.

Và khi cùng tham dự hội nghị ASEAN tại Việt Nam, họ đã có thể trao đổi với nhau. Như vậy, ASEAN là một trong số ít các tổ chức khu vực nhận được sự tin tưởng như nhau từ tất cả các cường quốc. ASEAN được Hoa Kỳ tin tưởng, cũng như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản - tất cả các cường quốc lớn.

Vì vậy, ASEAN là tổ chức khu vực duy nhất có thể cung cấp một "sân chơi chung", một địa điểm gặp gỡ cho tất cả các cường quốc.

Như Giáo sư đã chia sẻ, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, ví dụ như cuộc gặp giữa Trung Quốc và Nhật Bản vào những năm 1990. Có vẻ như thế hệ trước đã nỗ lực rất nhiều để vun đắp ý thức về bản sắc ASEAN. Tuy nhiên, tôi có cảm giác rằng thế hệ trẻ ngày nay đang dần lãng quên những giá trị và thành tựu của ASEAN. Vậy theo Giáo sư, chúng ta nên làm gì để kết nối thế hệ trẻ với ASEAN, giúp họ hiểu rõ hơn về vai trò và những đóng góp của tổ chức này, đồng thời duy trì tinh thần ASEAN?

Giáo sư Kishore Mahbubani: Tôi cho rằng cách tốt nhất để thế hệ trẻ hiểu được giá trị của ASEAN là hãy đi đến những khu vực khác trên thế giới và so sánh với ASEAN.

Ví dụ, nếu đến Nam Á, các bạn sẽ thấy rằng mối quan hệ giữa các quốc gia Nam Á thường không mấy tốt đẹp. Như tôi đã đề cập, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan không hoà thuận.

Thậm chí ngay cả mối quan hệ giữa Ấn Độ và Bangladesh hiện nay cũng không hẳn hòa hợp. Vì vậy, các bạn trẻ nên đi đến những khu vực khác trên thế giới, tìm hiểu những bất ổn và xung đột đang tồn tại ở những khu vực đó - ở châu Phi, ở châu Mỹ Latinh, giữa Brazil và Argentina...

Và ngay cả khi đến châu Âu, giới trẻ ASEAN cũng sẽ ngạc nhiên trước sự bi quan của những giới trẻ châu Âu về tương lai. Họ nên tự hỏi mình: Tại sao người trẻ ở Đông Nam Á lại lạc quan, trong khi người trẻ ở châu Âu lại bi quan?

Câu trả lời rất đơn giản: người dân ASEAN nhìn thấy một tương lai tươi sáng hơn cho chính họ trong 10 đến 20 năm tới, trong khi những người trẻ tuổi ở châu Âu thì không.

Nếu giới trẻ ASEAN có cơ hội đi du lịch khắp thế giới, gặp gỡ những người trẻ tuổi ở các khu vực khác, thì khi trở về, có lẽ họ sẽ trân trọng ASEAN hơn rất nhiều.

Kishore Mahbubani 2019.jpg
Kishore Mahbubani phát biểu trên TED Talk năm 2019 với chủ đề "Phương Tây có thể thích nghi với sự trỗi dậy của Châu Á như thế nào". Ảnh: TED Talk

Những câu chuyện cá nhân

Giáo sư thường bị hiểu lầm là người ủng hộ Trung Quốc, hay thậm chí còn bị coi là "thân Trung Quốc". Tại sao mọi người lại suy nghĩ như vậy, và Giáo sư thực sự muốn truyền tải thông điệp gì?

Giáo sư Kishore Mahbubani: Anh nói đúng. Nhiều người nghĩ rằng tôi ủng hộ Trung Quốc. Nhưng lý do là vì truyền thông phương Tây đang có xu hướng chống Trung Quốc. Và bởi vì tôi dám lên tiếng phản bác các quan điểm đó, nên họ cho rằng tôi ủng hộ Trung Quốc.

Nhưng tôi có thể khẳng định rằng những người có tư duy sâu sắc hơn ở phương Tây hiểu và đánh giá cao những nỗ lực của tôi trong việc giúp họ hiểu rõ hơn về Trung Quốc, và rộng lớn hơn là về châu Á.

Minh chứng rõ ràng nhất là trong năm 2024, tôi đã đến Hoa Kỳ 7 lần, trong khi chỉ đến Trung Quốc một lần. Nếu tôi ủng hộ Trung Quốc, thì tôi đã đến Trung Quốc 7 lần và Hoa Kỳ 1 lần.

Mọi người ở Hoa Kỳ thường xuyên mời tôi trở lại vì họ hiểu rằng tôi đang cố gắng giúp Hoa Kỳ xây dựng một chính sách đối với Trung Quốc thực sự thận trọng, có chiến lược và tầm nhìn dài hạn. Người dân phương Tây hiểu rằng tôi đang cố gắng giúp họ đối phó với một châu Á đang trỗi dậy, tự tin và khác biệt - bao gồm cả một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Vì vậy, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng những người có tư duy sâu sắc hơn ở phương Tây - và trên toàn thế giới - vẫn tiếp tục mời tôi đến diễn thuyết vì họ biết rằng tôi đang cố gắng giúp đỡ họ, chứ không phải để phá hoại họ.

Có lẽ một yếu tố quan trọng đóng góp vào sự nghiệp của Giáo sư, giúp Giáo sư có cái nhìn sâu sắc về hoạch định chính sách, đó là việc Giáo sư từng là hiệu trưởng sáng lập của Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu. Ngôi trường này được xếp hạng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trường Kennedy của Đại học Harvard và Trường Woodrow Wilson của Đại học Princeton. Giáo sư có thể chia sẻ một số kinh nghiệm từ quá trình này được không?

Giáo sư Kishore Mahbubani: Tôi đã bắt đầu cuộc trò chuyện này bằng cách nói về MPH - lý do tại sao Singapore thành công là vì chúng tôi tập trung vào ba yếu tố: Trọng dụng nhân tài (Meritocracy), Thực dụng (Pragmatism) và Liêm chính (Honesty).

Và với tư cách là hiệu trưởng sáng lập của Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, tôi đã áp dụng những nguyên tắc này vào quá trình phát triển của trường.

Tôi phải nhấn mạnh rằng – tôi đã học được những nguyên tắc về trọng dụng nhân tài, thực dụng và liêm chính này từ các nhà lãnh đạo sáng lập của Singapore, bao gồm ông Lý Quang Diệu, Tiến sĩ Goh Keng Swee và ông S. Rajaratnam. Tôi đã miêu tả về ba nhà lãnh đạo xuất chúng này trong cuốn hồi ký "Sống trong kỷ nguyên châu Á" của mình.

Tôi đã áp dụng nguyên tắc trọng dụng nhân tài bằng cách lựa chọn những người tài giỏi nhất để cùng tôi xây dựng ngôi trường. Chuyên gia thực hiện nghiên cứu của McKinsey mà anh vừa đề cập sau đó đã được tuyển dụng vào Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu. Đó là một ví dụ về việc trọng dụng nhân tài. Tên anh ấy là Stavros Yiannouka.

Và tiếp theo là Tính thực dụng - chúng tôi đã đi khắp thế giới để nghiên cứu các trường chính sách công hàng đầu, tìm hiểu nguyên nhân thành công của họ, và từ đó đúc rút kinh nghiệm cho trường mình.

Chúng tôi nhận thấy rằng những trường này đều thu hút những người tài năng nhất từ khắp nơi trên thế giới để giảng dạy. Vì vậy, chúng tôi cũng làm điều tương tự, tuyển dụng những người giỏi nhất trên thế giới. Chúng tôi đã có những giáo sư đến từ Đại học Oxford, Trường Kinh tế London, Đại học Harvard...

Chúng tôi rất may mắn khi có thể thu hút những nhân tài đến giảng dạy tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu. Đó chính là biểu hiện của tính thực dụng - học hỏi những điều tốt nhất, từ những người giỏi nhất.

Cuối cùng, tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của Liêm chính. Khi tuyển sinh, chúng tôi lựa chọn những sinh viên xuất sắc nhất từ khắp nơi trên thế giới, dựa trên năng lực thực sự của họ, hoàn toàn không có sự thiên vị. Dù có mối quan hệ thân thiết thế nào đi chăng nữa với những nhân vật quyền lực, điều đó cũng không đảm bảo bạn sẽ được nhận vào trường.

Chúng tôi chỉ lựa chọn những người có tiềm năng phát triển tốt nhất. Nhờ đó, quá trình tuyển sinh tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu không có bất kỳ tham nhũng nào. Tóm lại, chính những nguyên tắc MPH đã làm nên sự thành công của Trường.

secret behind singapores success and sri lankas failure my talk with kishore mahbubani.jpg
Ảnh: Trang chính thức của Kishore Mahbubani

Cuối cùng, về cuốn tự truyện của Giáo sư, "Sống trong kỷ nguyên châu Á", được dịch sang tiếng Việt và dự kiến sẽ được xuất bản vào khoảng tháng Hai. Giáo sư có câu chuyện nào - một câu chuyện thú vị từ cuộc đời – mà Giáo sư muốn chia sẻ với độc giả VietNamNet không? Một câu chuyện có sự cộng hưởng với sự trỗi dậy của phương Đông và Giáo sư nghĩ rằng người dân Việt Nam sẽ thấu hiểu?

Giáo sư Kishore Mahbubani: Như anh đã biết, một trong những thành tựu ngoạn mục nhất của Việt Nam, đặc biệt là kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, là quá trình xóa đói giảm nghèo nhanh chóng.

Tôi cho rằng xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất đối với bất kỳ xã hội nào. Tôi nói điều này bởi vì bản thân tôi sinh ra và lớn lên ở Singapore, khi đó còn là một quốc gia rất nghèo. Và gia đình tôi cũng rất nghèo.

Năm sáu tuổi, khi đi học, tôi được đưa vào một chương trình ăn đặc biệt vì bị suy dinh dưỡng. Gia đình tôi sống trong một ngôi nhà không có nhà vệ sinh xả nước, và cha tôi thường xuyên thất nghiệp vì những thói quen xấu. Đã có lúc cha tôi thậm chí còn phải ngồi tù.

Tôi đã trải qua tình cảnh nghèo khó thực sự ở một quốc gia thuộc Thế giới thứ ba. Chính vì vậy, tôi cho rằng bất kỳ quốc gia nào có thể xóa đói giảm nghèo đều đang thực hiện một sứ mệnh rất cao cả. Cũng giống như Singapore đã làm rất tốt trong việc xóa đói giảm nghèo, giúp tôi thoát khỏi cảnh nghèo khó, tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng vậy, bằng cách xóa đói giảm nghèo, đã làm được một điều tuyệt vời cho người dân của mình.

Tôi hy vọng rằng cuốn hồi ký của tôi sẽ góp phần giải thích cách thức Singapore đạt được thành công trong quá trình phát triển - bởi vì tôi nhìn thấy một tương lai rất tươi sáng cho Việt Nam. Hy vọng rằng một ngày nào đó, thu nhập bình quân đầu người của các bạn sẽ tiến gần đến mức của Singapore hiện nay, khoảng 88.000 đến 90.000 đô la.

Nếu người Việt Nam muốn tìm hiểu làm thế nào để đạt được mức thu nhập bình quân đầu người như Singapore, tôi hy vọng cuốn sách của tôi sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về con đường thành công của Singapore.

Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện thú vị này!

>> Giữa lúc căng thẳng, Tổng thống Mỹ nói đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc

‘Hạn chế’ Trung Quốc, một quốc gia châu Á bơm tiền chưa từng có vào Mỹ

Giữa lúc căng thẳng, Tổng thống Mỹ nói đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/kishore-mahbubani-cuoc-canh-tranh-my-trung-va-co-hoi-cua-asean-2370126.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kishore Mahbubani: Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung và cơ hội của ASEAN
    POWERED BY ONECMS & INTECH