Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quy hoạch phê duyệt nêu rõ, giai đoạn 2021-2030 phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5-9%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 14.800-15.400 USD.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1711/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu tổng quát là phát triển TPHCM trở thành “đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; là thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á; tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập cao; là thành phố có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, về kinh tế, thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5-9%/năm trong giai đoạn 2021-2030; GRDP bình quân đầu người đạt 14.800-15.400 USD.
Tỷ trọng bình quân trong GRDP của khu vực dịch vụ trên 60%, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 27% (trong đó công nghiệp chế biến chế tạo khoảng 22%), khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 0,4%; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số đạt trên 40% GRDP.
Về xã hội, đến năm 2030, quy mô dân số thực tế thường trú của thành phố khoảng 11 triệu người; đến năm 2050 là 14,5 triệu người; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là 7%; chỉ số phát triển con người (HDI) trên 0,85.
Về giáo dục, đảm bảo cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia, như mầm non đạt 60%; tiểu học đạt 80%; trung học cơ sở 70%; trung học phổ thông đạt >50%; đạt 600 sinh viên đại học trên 10.000 dân.
Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 90%; phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó 50% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới thông minh; phấn đấu 100% số huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó ít nhất 50% số huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới thông minh, làm nền tảng định hình, phát triển vùng đô thị vệ tinh trên địa bàn thành phố.
Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung
Quyết định nêu rõ, thành phố phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao sinh thái và hữu cơ theo định hướng nông nghiệp giá trị cao, trên cơ sở lai tạo, nhân giống cây trồng vật nuôi, ứng dụng kỹ thuật canh tác mới với năng suất cao, thân thiện môi trường, nông nghiệp xanh và bền vững gắn với giảm thiểu phát thải cacbon, gắn với du lịch.
Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Tây - Bắc, Tây - Nam và khu vực Nam thành phố; tập trung vào các sản phẩm có chất lượng cao, có lợi thế…
Về lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng trên đất quy hoạch lâm nghiệp gắn với dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng phòng hộ Cần Giờ khoảng 200ha.
Về thủy sản, phát triển Trung tâm thủy sản tại huyện Cần Giờ phục vụ cho chế biến sâu kết hợp cảng cá; xây dựng trung tâm giao dịch cá cảnh mới kết hợp hoạt động du lịch.
Đồng thời, thành phố cũng tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, như ngành công nghiệp thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; ngành hóa chất (chọn lọc: hóa dược, cao su - nhựa kỹ thuật và phân bón); ngành cơ khí chính xác, tự động hóa; ngành chế biến thực phẩm và đồ uống; phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng...
Về xây dựng, phát triển toàn diện, đồng bộ, bền vững theo hướng thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ hiện đại, vật liệu mới, sử dụng năng lượng tái tạo.
Trở thành Trung tâm thương mại điện tử của vùng Đông Nam Bộ
Về phương hướng phát triển ngành thương mại, quy hoạch yêu cầu phát triển theo hướng hiện đại, văn minh, đồng bộ với sự phát triển của công nghiệp hóa, khai thác tối đa lợi ích từ toàn cầu hóa.
Xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của vùng Đông Nam Bộ; trở thành trung tâm thương mại điện tử của vùng Đông Nam Bộ; phát triển các kênh bán lẻ hấp dẫn; chuyên nghiệp hóa và số hóa chuỗi cung ứng bán buôn; nâng cấp kết nối và cải thiện dịch vụ thương mại và quốc tế; tập trung xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh chủ lực.
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng và xây dựng các doanh nghiệp mạnh về logistics.
Đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ số, công nghệ quản lý hiện đại trong vận hành của các trung tâm logistics để nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí, bảo đảm năng lực cạnh tranh và hội nhập được với các trung tâm logistics của khu vực, thế giới...
Phát triển thành 3 tiểu vùng
Quy hoạch nêu rõ hướng phát triển TPHCM theo 3 tiểu vùng, gồm tiểu vùng trung tâm, tiểu vùng Thủ Đức và tiểu vùng ngoại thành.
Cụ thể, tiểu vùng khu vực đô thị trung tâm giữ vai trò là hạt nhân thúc đẩy phát triển TPHCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ.
Theo đó, đến năm 2030, TPHCM sẽ bao gồm 16 quận, được chia thành 4 phân vùng.
Trong đó, phân vùng 1 là quận 1; phân vùng 2 bao gồm các quận 3, 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận; phân vùng 3 bao gồm các quận 7, 8, Gò vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú; phân vùng 4 bao gồm các quận 12, Bình Tân.
Tiểu vùng thành phố Thủ Đức là đô thị loại 1, đô thị song hành giữ vai trò là cực tăng trưởng mới, đô thị sáng tạo, tương tác cao và hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố;
Tiểu vùng khu vực ngoại thành: đẩy mạnh đô thị hóa, hình thành các đô thị vệ tinh kiểu mới, đáng sống, hỗ trợ cho sự phát triển của đô thị trung tâm, gắn kết với phát triển nông nghiệp, đô thị sinh thái và nông thôn mới.
>> Thủ tướng duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065