Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, 'tạo đà' lên thành phố trực thuộc Trung ương
Thừa Thiên Huế sẽ ưu tiên đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng xã hội và kỹ thuật có sức lan tỏa lớn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1481/QĐ-TTg, ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo kế hoạch, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thiện quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, đồng thời tổ chức triển khai đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương. Các bước sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh cũng sẽ được thực hiện, cùng với nhiều đề án quan trọng khác.
Trong giai đoạn này, tỉnh dự kiến triển khai các dự án theo quy hoạch, đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn đầu tư công nhằm kích hoạt nguồn lực xã hội. Thừa Thiên Huế sẽ ưu tiên đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng xã hội và kỹ thuật có sức lan tỏa lớn, tận dụng tối đa hiệu quả các công trình, dự án đã và đang thực hiện.
>> Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương: Đại biểu Quốc hội 'hiến kế' tên gọi phù hợp
Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương |
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 9-10%/năm trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 430.000-450.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn FDI giai đoạn 2021-2025 chiếm khoảng 7% (tương đương 10.000-12.000 tỷ đồng), giai đoạn 2026-2030 tăng lên 12% (tương đương 30.000-33.000 tỷ đồng).
Cơ cấu vốn sẽ theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực ngoài ngân sách và FDI, giảm dần tỷ trọng từ nguồn nhà nước. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đổi mới, đa dạng hóa hình thức thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường.
Thừa Thiên Huế sẽ tập trung phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa ở mọi ngành nghề. Tỉnh cũng đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh, xây dựng các cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị. Nỗ lực kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, và gắn kết hoạt động kinh doanh của người dân với thị trường quốc tế là trọng tâm trong chiến lược phát triển.
Cải cách thủ tục hành chính cũng được đẩy mạnh, đặc biệt trong công tác thẩm định và cấp quyết định chấp thuận đầu tư. Tỉnh cam kết tạo môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn, đồng thời rà soát và thu hồi các dự án triển khai chậm hoặc kém hiệu quả.
Với những định hướng chiến lược này, Thừa Thiên Huế kỳ vọng không chỉ thu hút được các nguồn lực lớn mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững và đột phá trong giai đoạn tới.
>> Thu ngân sách Bình Dương cán mốc 49.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu năm 2024
Vĩnh Long đón thêm cụm công nghiệp hơn 662 tỷ đồng
Đại gia dệt may Hàn Quốc xây nhà máy sản xuất vải lông nhân tạo gần 140 tỷ đồng tại Ninh Thuận