Thừa tiền, ngân hàng tung chiêu thu hút vốn vay
Các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay, với lãi suất cạnh tranh.
Thu nhập của các ngân hàng chủ yếu được đóng góp từ mảng hoạt động truyền thống là tín dụng, trong khi dư nợ cho vay của ngân hàng tăng chậm, do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Vì thế, các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay, với lãi suất cạnh tranh.
Đáng lưu ý, không chỉ được vay lãi suất thấp, mà ngân hàng trên không quá khắt khe trong việc đòi hỏi khách hàng phải chứng minh việc sử dụng dòng tiền. Điều này có thể khiến khách hàng vay tiền, sau đó đem gửi ngân hàng nhằm hưởng chênh lệch lãi suất. Bởi lẽ, mặt bằng lãi suất huy động tuy giảm mạnh, nhưng ở một số nhà băng vẫn đang áp dụng mức 5 - 6%/năm cho kỳ hạn từ 5 tháng trở lên.
Nếu thu hút được khách hàng “vay để gửi” thì nhân viên ngân hàng sẽ đáp ứng được cả chỉ tiêu về tín dụng cũng như huy động tiết kiệm.
Lãi vay giảm
Để kích thích nhu cầu vay mua nhà, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay từ 1 đến 3%/năm so với năm ngoái. Chẳng hạn, NamABank giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà trên dưới 2% so với cuối năm 2022. Đây cũng là nhà băng tham gia tích cực chủ trương giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vượt qua thời kỳ khó khăn của nền kinh tế.
PVcomBank dành đến 15.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi. Riêng với người mua nhà, Ngân hàng đưa ra nhiều phương án trả nợ khác nhau, cho phép ân hạn nợ gốc, để người dân giảm bớt áp lực trả nợ trong giai đoạn đầu mua nhà, thời gian vay kéo dài tới 25 năm. Theo đó, mức lãi suất vay trong 6 tháng đầu là 9%/năm, hoặc 12 tháng đầu là 10%/năm.
Trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, 3 ngân hàng gồm Vietcombank, BIDV và VietinBank đã triển khai gói lãi suất cho vay từ 5,6%/năm cho các khoản vay ngắn hạn. Một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn như MB, Techcombank triển khai chương trình cho vay với lãi suất từ 7,3%/năm nhằm thu hút khách hàng “đảo nợ”.
Không chỉ ngân hàng trong nước, các ngân hàng có vốn nước ngoài cũng vào cuộc đua giảm lãi suất cho vay để cạnh tranh thu hút khách hàng vay mua nhà.
Cuộc đua giành thị phần tín dụng được dự báo sẽ khiến một bộ phận khách hàng tốt có sự chuyển dịch về nơi vay vốn, từ nhà băng này sang nhà băng khác.
Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cho rằng, cuộc đua cho vay “đảo nợ” với lãi suất ưu đãi đang khiến những ngân hàng nhỏ chịu áp lực mất thị phần vào tay các “ông lớn”, vốn có ưu thế nguồn vốn dồi dào với chi phí vốn thấp.
Tuy nhiên, khách hàng trả nợ trước hạn sẽ phải chịu khoản phí phạt cao. MB cho biết, khách hàng trả nợ trước hạn sẽ phải chịu một khoản phí phạt, thông thường từ 0,5 - 2%, được quy định trong hợp đồng vay vốn ban đầu. Ngoài ra, khách hàng cần chuẩn bị phí giải chấp sổ đỏ, phí đăng ký lại thế chấp mới, phí công chứng, phí bảo hiểm cho khoản vay mới...
Có ngân hàng quy định mức phí phạt trả nợ trước hạn là 3 - 4%, khiến việc chuyển sang vay ngân hàng khác không mang lại nhiều khác biệt về chi phí, trong khi phải thực hiện các thủ tục tương đối mất thời gian, đồng thời ngân hàng cho vay đảo nợ yêu cầu phải có tài sản bảo đảm.