Thuế thu nhập cá nhân lần đầu giảm sau 10 năm, vẫn thu trên trăm nghìn tỷ
Trong 10 năm qua, đây là năm đầu tiên số thu thuế thu nhập cá nhân trong 3 quý của năm tăng trưởng âm. Nhưng thuế thu nhập cá nhân vẫn là khoản thu lớn trong tổng thu ngân sách.
Theo Bộ Tài chính, số thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong 9 tháng năm 2023 đạt 121.200 tỷ đồng, thấp hơn 7.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức giảm 6%. Con số này cũng chỉ mới đạt được 78% dự thu ngân sách năm 2023 (154.652 tỷ đồng).
Trong 10 năm qua, đây là năm đầu tiên số thu thuế thu nhập cá nhân trong 3 quý của năm tăng trưởng âm.
Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 20/11/2007 thay thế Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009. Từ đó đến nay, số thu từ thuế TNCN đã đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, năm sau cao hơn năm trước.
Số thu về thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công luôn tăng qua từng năm. Thu thuế thu nhập cá nhân tăng từ mức gần 38.500 tỷ đồng (2011) lên trên 166.000 tỷ đồng vào năm 2022. Dù số thuế thu nhập cá nhân 9 tháng năm 2023 giảm so với 2022 nhưng số thu của 9 tháng vẫn gần bằng với số thu của cả năm 2021.
Năm 2019 đánh dấu lần đầu tiên số thu thuế thu nhập cá nhân vượt mức 100.000 tỷ đồng, đạt 109.400 tỷ đồng.
Năm 2020 và 2021, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng số thu từ thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng so với các năm trước, đạt hơn 115.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức đến 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức đến 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Bộ Tài chính cho rằng: Thuế thu nhập cá nhân điều tiết vào thu nhập của cá nhân. Việc thực hiện chính sách thuế thu nhập cá nhân có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại theo từng giai đoạn phát triển của đời sống kinh tế xã hội. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân đã tạo nên quỹ ngân sách nhà nước để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Thời gian qua, nhu cầu sửa Luật thuế thu nhập cá nhân được đặt ra bức thiết. Ngày 16/3/2023 Chính phủ đã có Báo cáo số 71/BC-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch số 81/KHUBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có nội dung Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật thuế thu nhập cá nhân và lộ trình xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự kiến việc sửa luật thuế thu nhập cá nhân sẽ được trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật vào tháng 5/2025, trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 vào tháng 10/2025 và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2026.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng mức giảm trừ gia cảnh so với lương bình quân là cao, nhưng so sánh với mức sống đô thị của người dân thì mức tính thuế và giảm trừ gia cảnh hiện nay là thấp.
Đặc biệt, trước chia sẻ về mức thu nhập 12 triệu đồng/tháng ở đô thị, ông Phớc đánh giá đây là mức không đủ sống.
Những lần nâng mức giảm trừ gia cảnh Theo Luật thuế thu nhập cá nhân, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, thì sẽ xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Luật thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ 1/1/2009) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 (áp dụng từ 1/7/2013) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020). Theo đó, nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. |
Đầu tư chứng khoán thua lỗ vẫn chịu thuế 0,1% là 'chưa phù hợp'
Đánh thuế cao người 'lướt sóng' nhà đất, chặn đứng được nạn đầu cơ?