Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Việt Nam kiên định với mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và 2 con số trong giai đoạn 2026-2030
Phát biểu tại Phiên thảo luận toàn thể Hội nghị FfD4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định Việt Nam tiếp tục kiên định với mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và 2 con số trong giai đoạn 2026-2030.
Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ tư về tài chính cho phát triển (Hội nghị FfD4) tại Seville, Tây Ban Nha, ngày 1/7 (theo giờ địa phương), Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã dự và có phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận toàn thể của Hội nghị FfD4.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh thế giới đang chứng kiến sự gia tăng các thách thức phi truyền thống, căng thẳng địa chính trị, xung đột vũ trang leo thang, chính sách thương mại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hợp tác và phát triển.
Nhấn mạnh Hội nghị FfD4 diễn ra vào thời điểm then chốt, Phó Thủ tướng kêu gọi các quốc gia cùng đoàn kết, hành xử có trách nhiệm, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc; cùng hành động làm sinh động lại chủ nghĩa đa phương, đề cao chủ nghĩa đa phương tích cực và cùng chung tay phục hồi đứt gãy trong hợp tác phát triển, thương mại và đầu tư quốc tế.
Chia sẻ thêm về chính sách và mục tiêu phát triển đất nước, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định Việt Nam tiếp tục kiên định với mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và 2 con số trong giai đoạn 2026-2030; quyết tâm thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển kinh tế tư nhân. Cùng với đó, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh cuộc cách mạng về sắp xếp đơn vị hành chính.
![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dự và phát biểu tại Phiên thảo luận toàn thể của Hội nghị FfD4 - Ảnh: VGP |
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã đề xuất 3 giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, tăng tốc quá trình cải cách các thiết chế quản trị tài chính toàn cầu, trước hết là các ngân hàng phát triển đa phương nhằm hướng tới cung cấp nguồn tài chính thiết thực.
Thứ hai, hợp tác và chia sẻ thành tựu phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Thứ ba, khơi thông nguồn tài chính phục vụ phát triển các lĩnh vực động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, hướng ưu tiên đến các nước đang phát triển.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã tham dự và phát biểu dẫn đề tại Phiên thảo luận bàn tròn về chủ đề “Làm mới hợp tác phát triển quốc tế” dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nepal.
Trong bối cảnh các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi từ các đối tác phát triển có xu hướng sụt giảm, Phó Thủ tướng chia sẻ 5 đề xuất về: (1) Cải cách hợp tác phát triển quốc tế hướng tới đa mục tiêu, không chỉ xoá đói giảm nghèo mà còn phục vụ chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững; (2) Thúc đẩy cải cách hệ thống tài chính quốc tế bảo đảm công bằng, bao trùm, lấy người dân làm trung tâm; (3) Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả hơn giữa các quốc gia, các đối tác phát triển và khu vực tư nhân, bảo đảm tính bổ sung và cộng hưởng của các nguồn lực; (4) Ưu tiên hỗ trợ các quốc gia và khu vực dễ bị tổn thương, các quốc gia kém phát triển, quốc gia không giáp biển, quốc gia bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng, biến đổi khí hậu; (5) Đẩy mạnh chia sẻ tri thức và kinh nghiệm giữa các quốc gia, kêu gọi mở rộng hợp tác Nam-Nam, hợp tác 3 bên để các nước đang phát triển có thể trực tiếp hỗ trợ nhau thông qua chuyển giao công nghệ, chuyên gia và mô hình phát triển phù hợp.