Vượt cả Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam lọt top 3 tăng trưởng nhanh nhất trong nhóm các nước châu Á mới nổi
Tăng trưởng kinh tế trung bình gần 6%/năm suốt một thập kỷ giúp Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia tăng trưởng nhanh nhất nhóm các nước châu Á mới nổi và đang phát triển.
Theo dữ liệu mới nhất từ World Economic Outlook Database của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn 2016–2025 của Việt Nam đạt 5,97%, chỉ đứng sau Maldives (6,23%) và Bangladesh (6,01%) trong số các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á. Thành tích này giúp Việt Nam vượt qua nhiều nền kinh tế lớn hơn trong khu vực như Trung Quốc (5,48%) và Ấn Độ (5,87%).
So sánh trong nội khối ASEAN, Việt Nam cũng là quốc gia tăng trưởng nhanh thứ hai trong giai đoạn 10 năm trở lại đây, chỉ đứng sau Campuchia (5,24%). Các nền kinh tế lớn khác như Indonesia (4,2%), Malaysia (3,9%) hay Philippines (4,7%) đều có tốc độ tăng trưởng thấp hơn đáng kể. Một số quốc gia như Thái Lan, Myanmar hay Brunei ghi nhận mức tăng trưởng bình quân dưới 2%, cho thấy sự khác biệt rõ nét trong khả năng phục hồi và bứt phá của Việt Nam so với các đối tác trong khu vực.
Mức tăng trưởng ấn tượng này phản ánh khả năng chống chịu và thích nghi tốt của nền kinh tế Việt Nam trước những biến động lớn của thế giới. Trong năm 2020 – thời điểm đại dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu – Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương 2,86%, trong khi nhiều quốc gia rơi vào suy thoái. Chỉ hai năm sau đó, vào năm 2022, tăng trưởng GDP đạt tới 8,54%, thuộc top cao nhất châu Á. Dự kiến trong năm 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 5,15%, theo dự báo của IMF.
![]() |
(Ảnh minh họa) Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia thuộc nhóm các nước châu Á mới nổi và đang phát triển có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2025 cao nhất. |
Một trong những lý do quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững là nhờ sự dịch chuyển mạnh mẽ của cơ cấu kinh tế. Công nghiệp chế biến – chế tạo, xuất khẩu hàng hóa, cùng dòng vốn FDI đã tạo ra duy trì và làm mới động lực tăng trưởng. Ngoài ra, việc ký kết và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, RCEP hay CPTPP cũng đóng vai trò mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Mặt khác, việc kiểm soát tốt lạm phát, ổn định tỷ giá và duy trì chính sách tài khóa – tiền tệ linh hoạt đã góp phần tạo niềm tin cho nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước. Cùng với đó, chiến lược đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển công nghiệp xanh và đổi mới sáng tạo đang được Việt Nam xem như hướng đi chiến lược trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, việc Việt Nam liên tục nằm trong nhóm quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực không chỉ cho thấy hiệu quả điều hành chính sách, mà còn là bằng chứng cho tiềm năng lớn của một nền kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ. Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư và là trung tâm sản xuất mới trong chuỗi giá trị khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
>> GDP/người của Việt Nam tăng mạnh nhất Đông Nam Á, từ vị trí gần cuối sau 30 năm hiện đang ở đâu?
50 quốc gia ‘nghèo’ nhất thế giới: Đông Nam Á có nhiều đại diện, Việt Nam ở đâu?
Tăng trưởng GDP Việt Nam dẫn đầu khối ASEAN-6 vào năm ngoái, thứ hạng này hiện thay đổi ra sao?