Vĩ mô

Thuế Tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn: ‘Tăng thuế chỉ là lợi ích ngắn hạn’

Khúc Văn 16/11/2024 - 16:59

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đa số các chuyên gia cho rằng việc tăng thuế sẽ làm giảm lợi ích đối với ngành đồ uống và nền kênh tế về trung, dài hạn.

Tăng thuế: Lợi ích ngân sách chỉ là ngắn hạn

Về vấn đề tăng thuế với đồ uống có cồn tại Hội thảo "Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn: Phương án tăng thuế đạt đa mục tiêu và lợi ích bền vững”, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho hay: “Từ kết quả nghiên cứu Đánh giá tác động kinh tế định lượng của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia, chúng tôi nhận thấy nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế sản phẩm (thuế gián thu) tăng”.

5200-bia
Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn thể tăng thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng giảm tổng hòa lợi ích đối với ngành đồ uống và nền kênh tế về trung, dài hạn.

Tuy nhiên, khi xét chung về tác động kinh tế, khi tăng thuế sẽ ảnh hưởng tới sản xuất của ngành bia, từ đó làm giảm sản xuất của các ngành trong quan hệ liên ngành. Điều này dẫn tới khấu hao tài sản cố định của doanh nghiệp giảm, kéo theo lợi nhuận giảm sút, làm giảm thu nhập của người lao động và do đó thuế trực thu giảm.

Nói cách khác, tăng thu ngân sách nhà nước trong cả hai phương án đều chỉ trong ngắn hạn và không bù đắp được mức sụt giảm tổng giá trị gia tăng thêm của nền kinh tế.

Về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực đánh giá việc tăng mạnh và nhanh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đóng góp ngân sách Nhà nước lâu dài. Đồng thời, tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan.

Theo ông Lực, vốn dĩ các doanh nghiệp ngành đồ uống đang trong tình trạng khó khăn khi không được hưởng chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng đối với đồ uống có cồn, ảnh hưởng từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, giá nguyên vật liệu tăng từ 15 – 40%,… Doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong ngành theo đó cũng đi lùi trong thời gian qua.

“Nên đưa ra các mức thuế suất khác nhau theo nồng độ cồn, nồng độ càng cao thì thuế suất cũng cao hơn. Cùng với đó, xem xét lùi thời điểm hiệu lực của Luật đến 1/1/2027 để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, thích nghi, từ đó không tạo ra “cú sốc” với doanh nghiệp”, ông Lực khẳng định.

>>Nhiều ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được giải trình, tiếp thu

Lo ngại tăng thuế sẽ mở đường cho hàng lậu nhập khẩu

TS Nguyễn Minh Thảo cho biết dựa trên các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương, việc tăng thuế ít tác động tới hành vi của người tiêu dùng bởi họ vẫn có thể lựa chọn những sản phẩm đồ uống có cồn khác với chất lượng thấp hơn và chi phí rẻ hơn hoặc những sản phẩm “không chính thức”.

4542-index-743
Lo ngại tăng thuế sẽ mở đường cho hàng lậu nhập khẩu.

Điều này dẫn đến lo ngại nếu không cẩn thận, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt khó đạt được mục tiêu điều tiết hành vi người tiêu dùng mà có thể dẫn đến những hệ lụy như ‘mở đường’ cho các sản phẩm đồ uống có cồn không chính thức, hàng nhập lậu, hàng trôi nổi không được kiểm soát về chất lượng,…

“Khi đó chúng ta vừa không đạt được mục tiêu về đảm bảo sức khỏe cho người dân vừa gây ảnh hưởng lên hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành sản xuất bia, rượu nói riêng và toàn bộ ngành kinh tế nói chung”, bà nhìn nhận.

TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cũng đồng tình việc tăng thuế không hoàn toàn làm giảm cầu tiêu dùng, mà về bản chất chỉ làm trì hoãn quá trình tăng nhu cầu. Đồng thời nó cũng chỉ là tác động một lần, không phải lâu dài.

“Chưa kể, để có thể thay đổi hành vi của người tiêu dùng, chúng ta phải tăng sốc nhưng điều này lại gây tác động đến doanh nghiệp. Song, nếu tăng thuế một cách từ từ thì hành vi của người tiêu dùng khó có thể thay đổi.

Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu thêm để làm sao có thể hài hòa được các mục tiêu đã đề ra trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi”, ông nói.

>>Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: 'Tăng thuế thời điểm này là gay go'

Lo ngại tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia là cú sốc đối với doanh nghiệp

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thue-tieu-thu-dac-biet-voi-do-uong-co-con-tang-thue-chi-la-loi-ich-ngan-han-260332.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thuế Tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn: ‘Tăng thuế chỉ là lợi ích ngắn hạn’
    POWERED BY ONECMS & INTECH