Vĩ mô

Lo ngại tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia là cú sốc đối với doanh nghiệp

Khúc Văn 23/10/2024 - 14:47

Các chuyên gia khẳng định, đây là thời điểm khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp nên việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia sẽ là cú sốc và khiến doanh nghiệp thêm gánh nặng.

Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ Đặc biệt (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.

Doanh nghiệp lo khó càng thêm khó

Trong đó, đối với bia và rượu trên 20 độ, phương án 1 dự thảo đề xuất tăng từ mức 65% hiện tại lên 70% vào năm 2026 và mỗi năm sau đó đều đặn tăng thêm 5% để đạt mức thuế suất 90% vào năm 2030.

Phương án 2 đề xuất tăng từ mức 65% hiện tại lên 80% ngay từ 2026 và mỗi năm tăng đều đặn 5% để lên mức 100% vào 2030.

5200-bia
TP.HCM tính tăng thuế với rượu bia

Đối với rượu dưới 20 độ, phương án 1 đề xuất tăng từ mức hiện tại 35% lên 40% vào năm 2026, và tăng lên 60% vào năm 2030. Phương án 2 đề xuất tăng từ mức hiện tại 35% lên 50% vào năm 2026 và tăng lên 70% vào năm 2030.

Hiện tại dự thảo luật đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi đại đa số các ý kiến cho rằng hiện nay các doanh nghiệp đang ở giai đoạn khó khăn, nếu tăng thuế sẽ khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, cho rằng ngành rượu bia đang đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có. Chi phí logistics tăng cao, cộng với việc thực thi nghiêm ngặt Nghị định 100 về nồng độ cồn khi lái xe đã tác động mạnh mẽ đến sức khỏe của các doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh khó khăn này, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 5-15% ngay trong năm đầu tiên 2026, và tiếp tục tăng 5% mỗi năm trong 4 năm sau đó, chắc chắn sẽ là một cú sốc đối với doanh nghiệp. Liệu các doanh nghiệp có thể trụ vững được trước áp lực này? Câu hỏi này đặt ra nhiều vấn đề cần được cân nhắc. Chúng ta cần tìm một giải pháp vừa đảm bảo mục tiêu tăng thu ngân sách, vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, bà Cúc đặt vấn đề.

Bà Cúc nhấn mạnh, nếu tăng quá nhanh và tăng sốc, các doanh nghiệp rượu bia sẽ không kịp ứng phó, có thể gây ra những hậu quả không mong muốn.

“Sẽ có tình trạng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể không đủ sức cạnh tranh, dẫn đến đóng cửa. Cùng với đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan bởi để giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp có thể chuyển sang sản xuất hàng giả, hàng nhái, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và làm thất thu ngân sách. Với người tiêu dùng, họ toàn toàn có thể chuyển sang dùng dòng sản phẩm thay thế có hại cho sức khỏe hơn”, bà Cúc nhấn mạnh.

Do vậy, bà Cúc cho rằng khi tăng thuế, đặc biệt nếu tăng nhanh sẽ đẩy giá thành lên cao. “Điều này có thể khiến người tiêu dùng không dùng rượu hợp pháp mà chuyển sang rượu bất hợp pháp. Mà rượu bất hợp pháp là rượu độc hại, dùng cồn công nghiệp và tất cả các vụ ngộ độc từ rượu bất hợp pháp. Đây là kinh nghiệm các nước cũng như ở Việt Nam”, bà Cúc nói.

GDP sẽ giảm nếu Việt Nam áp thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐHQH tỉnh Thái Bình cho hay các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là trong ngành rượu bia, hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt vào thời điểm này có thể gây thêm áp lực lên họ.

Ngoài ra, ông Thân cho rằng cần xem xét đến chuỗi giá trị liên quan, như các ngành cung ứng nguyên liệu, bao bì và các ngành dịch vụ như khách sạn, nhà hàng. Mức tăng thuế cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo không gây ra những tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp này.

Một yếu tố quan trọng khác theo ông Thân là sự đóng góp của ngành rượu bia vào ngân sách nhà nước với khoảng 60.000 tỷ đồng mỗi năm.

“Đối với nhiều địa phương như Quảng Nam và Bà Rịa - Vũng Tàu, rượu bia đóng vai trò quan trọng trong nguồn thu ngân sách. Nếu không cẩn trọng trong việc tăng thuế, có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế địa phương”, ông Thân nói.

Ở góc độ chính sách, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng mục tiêu chính của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt là không phải là tăng thu ngân sách, mà là thay đổi hành vi tiêu dùng và sản xuất.

Về tác động của chính sách này, bà Thảo cho hay, với phương án 1 từ Bộ Tài chính, giá trị gia tăng của ngành bia sẽ giảm 1.163 tỷ đồng vào năm 2026. Trong khi đó, phương án 2 với mức tăng thuế 80% dẫn đến giảm 3.000 tỷ đồng. “Những con số này cho thấy sự giảm sút đáng kể trong giá trị sản xuất và lợi nhuận của ngành, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động”, bà Thảo nói.

Về tác động của việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với GDP và nguồn thu ngân sách, bà Thảo cho hay mặc dù thuế gián thu sẽ tăng ngay lập tức sau khi áp dụng, nhưng do sản xuất bị thu hẹp, nguồn thu sẽ giảm sau đó. “Ví dụ, GDP dự kiến sẽ giảm khoảng 364 tỷ đồng vào năm 2026”, bà Thảo nói.

Điện Biên lọt top 10 địa phương có tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước
GDP sẽ giảm nếu Việt Nam áp thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết nhưng phải thận trọng

Trong bối cảnh đó, đa số các ý kiến đều cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ phải đảm bảo hài hoà lợi ích các bên. Bà Nguyễn Thị Cúc khẳng định, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết, nhưng cần được thực hiện một cách thận trọng và có lộ trình rõ ràng.

Tương tự, ĐBQH Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đánh giá rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong khi ngành đang đối mặt với nhiều khó khăn như đại dịch COVID-19 và cạnh tranh gay gắt là một thách thức lớn. Do đó, cần một giải pháp cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng và Nhà nước.

Ông Cường cũng cho rằng nên giảm mức tăng thuế và cho rằng nên kéo dài thời gian thực hiện để các doanh nghiệp có thời gian thích nghi. Ngoài ra, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện tiếp cận thị trường, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam chia sẻ, từ kinh nghiệm quốc tế, như tại Bỉ, Anh, và Australia, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thường được thực hiện với một lộ trình hợp lý và có tính toán kỹ lưỡng nhằm tránh những tác động tiêu cực lên thị trường và người tiêu dùng. Theo đó, việc điều chỉnh thuế được thực hiện một cách từ từ, với mức tăng nhỏ mỗi năm, nhằm đảm bảo người tiêu dùng không cảm thấy quá sốc.

Ví dụ như Australia, từ năm 2010, thuế có tăng lên hằng năm, có điều chỉnh hằng năm nhưng điều chỉnh ấy ở tỷ trọng rất nhỏ, khó cảm nhận được và thường dựa trên chỉ số giá tiêu dùng. Tâm lý người tiêu dùng chấp nhận sự tăng ấy một cách dần đều. Như vậy, điều này vẫn định hướng được hành vi người tiêu dùng và mục tiêu thu ngân sách.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng việc thiết kế lộ trình tăng thuế cũng cần phải dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm mục tiêu quản lý ngân sách, tác động lên ngành công nghiệp liên quan như khách sạn và du lịch, và cả hành vi tiêu dùng của thị trường.

“Điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra sự cân bằng giữa việc tăng nguồn thu cho ngân sách và duy trì mức tiêu dùng ổn định, tránh gây ra phản ứng ngược”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho hay trong các báo cáo của Bộ Tài chính, dự báo mức tăng thuế vào năm 2026-2027 sẽ rất lớn, khoảng 10% trong năm đầu và các năm sau tăng thêm từ 2 - 3%. Đây là một mức tăng đáng kể và cần được phân tích kỹ lưỡng hơn về tác động lên các ngành kinh tế và giá trị tổng thể của thị trường.

>>Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu bia: Doanh nghiệp lo khó càng thêm khó

Thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tăng lên mức 100% trong 5 năm tới, Sabeco (SAB) ứng phó như thế nào?

Băn khoăn với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lo-ngai-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-ruou-bia-la-cu-soc-doi-voi-doanh-nghiep-255352.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Lo ngại tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia là cú sốc đối với doanh nghiệp
    POWERED BY ONECMS & INTECH