Vĩ mô

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn: Liệu có 'bóp nghẹt' GDP và việc làm?

Trường Thanh 15/10/2024 14:39

Ngày 15/10 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cùng Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm "Đối thoại chính sách: Phục hồi Tăng trưởng – Triển vọng và Thách thức", thu hút đông đảo các chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội và giới truyền thông, đặc biệt khi Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang đến gần.

Tại buổi tọa đàm, một trong những vấn đề "nóng" được đề cập là tác động của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với đồ uống có cồn. Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, đến từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đã đưa ra những phân tích sâu sắc về ảnh hưởng của việc tăng thuế TTĐB đối với ngành bia. Các kịch bản được xây dựng dựa trên dữ liệu từ bảng cân đối liên ngành (I-O) và mô hình kinh tế vĩ mô, với hai phương án tăng thuế cụ thể.

Hai kịch bản tăng thuế TTĐB: Điều gì đang chờ đợi nền kinh tế?

Theo báo cáo, từ năm 2026, có hai phương án tăng thuế TTĐB đối với bia được đưa ra. Phương án 1, thuế TTĐB dự kiến sẽ tăng từ 65% lên 70% vào năm 2026, sau đó tăng đều 5% mỗi năm và đạt mức 90% vào năm 2030. Phương án 2 mạnh tay hơn, tăng trực tiếp lên 80% vào năm 2026 và tiếp tục tăng đều 5% mỗi năm, đạt 100% vào năm 2030.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn: Liệu có 'bóp nghẹt' GDP và việc làm?
Bảng so sánh các phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với bia từ năm 2026 - Nguồn: Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).

Dựa trên các phương pháp mô hình hóa kinh tế hiện đại, TS. Nguyễn Minh Thảo đã chỉ ra rằng việc tăng thuế TTĐB sẽ có tác động không nhỏ đến GDP của Việt Nam. Cụ thể, phương án 1 có thể khiến GDP giảm 0,0111%, tương ứng với khoảng 121 tỷ đồng trong năm 2026. Nếu áp dụng phương án 2 với mức tăng thuế mạnh hơn, GDP có thể giảm sâu hơn đến 0,0334%, tương đương mất 364 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, các ngành liên quan đến bia như dịch vụ ăn uống, vận tải, và thương mại bán lẻ cũng sẽ "đứng ngồi không yên". Ngành bia được dự báo sẽ giảm giá trị sản xuất từ 1,12% đến 3,37%, còn giá trị gia tăng giảm từ 1,49% đến 4,48%, tùy thuộc vào phương án tăng thuế được lựa chọn.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn: Liệu có 'bóp nghẹt' GDP và việc làm?
Bảng tác động trực tiếp của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ngành bia từ năm 2026 - Nguồn: Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).

Điều đáng lo ngại là tác động tiêu cực của sự suy giảm này sẽ không chỉ dừng lại ở ngành bia mà còn lan tỏa khắp nền kinh tế qua chuỗi cung ứng. Khi sản lượng tiêu thụ giảm, các ngành cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ phân phối, và các lĩnh vực hỗ trợ khác cũng chịu ảnh hưởng, từ đó gây ra sự sụt giảm giá trị gia tăng toàn diện cho nền kinh tế.

Hơn nữa, theo VEPR, sự sụt giảm sản xuất và tiêu dùng bia có thể dẫn đến việc hàng nghìn lao động bị ảnh hưởng. Trong kịch bản tăng thuế mạnh mẽ hơn (phương án 2), số lượng lao động bị mất việc hoặc chịu giảm lương có thể lên đến hàng nghìn người, không chỉ trong ngành bia mà còn cả các ngành liên quan.

TS. Nguyễn Minh Thảo cũng nhấn mạnh rằng sự suy giảm GDP ước tính 0,04% thu nhập có thể dẫn đến việc nhiều lao động bị thất nghiệp hoặc giảm lương, nhất là trong những ngành gắn liền với sản xuất và tiêu thụ bia.

Ngân sách nhà nước: Tăng thuế, tăng thu nhưng liệu có "lãi"?

Một câu hỏi lớn đặt ra là liệu việc tăng thuế TTĐB có thực sự giúp tăng nguồn thu ngân sách như kỳ vọng? Dù mức thuế gián thu có thể tăng 0,15% với phương án tăng từ 65% lên 70%, và 0,45% nếu tăng lên 80%, VEPR cảnh báo rằng sự sụt giảm sản lượng và tiêu thụ có thể làm giảm thu nhập từ thuế trực thu. Điều này dẫn đến đóng góp của ngành bia vào ngân sách sẽ giảm, gây ra khó khăn trong việc cân đối nguồn thu từ ngành này.

Tăng thuế TTĐB lên bia, mặc dù có thể mang lại lợi ích tài chính ngắn hạn cho ngân sách, nhưng lại tiềm ẩn nhiều thách thức lớn đối với nền kinh tế, việc làm và thu nhập. TS. Nguyễn Minh Thảo khuyến nghị chính sách tăng thuế cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng dựa trên mô hình kinh tế và tác động xã hội rộng lớn.

Chính phủ cần thiết kế các biện pháp tài khóa không chỉ để tăng thu ngân sách mà còn phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành công nghiệp đồ uống, cần được hỗ trợ bằng các chính sách hợp lý để vượt qua khó khăn do tác động của thuế TTĐB.

>> VEPR: Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 có thể đạt 7%

Cần cân nhắc lợi ích kinh tế tổng thể khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia: tính toán lộ trình phù hợp

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tang-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-do-uong-co-con-lieu-co-bop-nghet-gdp-va-viec-lam-253763.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn: Liệu có 'bóp nghẹt' GDP và việc làm?
    POWERED BY ONECMS & INTECH