Tiềm năng thẻ tín dụng nội địa còn lớn
Tỉ trọng thẻ tín dụng trong cho vay tiêu dùng ở cả khối ngân hàng và khối công ty tài chính đều tăng trong các năm gần đây nhưng không vượt quá 10%. Đáng chú ý trong nhóm thẻ tín dụng, thẻ tín dụng nội địa chỉ chiếm tỉ trọng 5,5% dư nợ. Như vậy, tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa là rất lớn.
Tại Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam" diễn ra chiều 15/9, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: Những chính sách, quy định kịp thời của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển các dịch vụ thanh toán số.
Trong 7 tháng năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt tăng 51,14% về số lượng so với cùng kỳ năm ngoái; tương tự, qua kênh Internet tăng 66,46% về số lượng, qua kênh điện thoại di động tăng 63,09% về số lượng; qua mã phản hồi nhanh (QR Code) tăng 124,15% về số lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu từ Công ty Cổ phần FiinGroup cho thấy, tỉ trọng thẻ tín dụng trong cho vay tiêu dùng ở cả khối ngân hàng và khối công ty tài chính đều tăng trong các năm gần đây nhưng không vượt quá 10%. Đáng chú ý trong nhóm thẻ tín dụng, thẻ tín dụng nội địa chỉ chiếm tỉ trọng 5,5% dư nợ.
Bà Phan Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm thẻ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: BIDV hiện là 1 trong bốn ngân hàng lớn ở Việt Nam có mạng lưới chấp nhận thanh toán lớn nhất thị trường. Chính sách của BIDV tương đối mở, các doanh nghiệp hộ kinh doanh có giấy phép kinh doanh sẽ được đăng ký dịch vụ chấp nhận thanh toán.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết thêm: Đến hết tháng 7, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 7 đạt trên 811.400 thẻ, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong giai đoạn 5 năm 2018-2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành đạt mức tăng trưởng bình quân 29,6%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,72%/năm.
Bên cạnh các tính năng của thẻ tín dụng thông thường, một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, quyền lợi khách hàng được đảm bảo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện và hỗ trợ góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.
Phát triển thẻ tín dụng nội địa là một bước tiến nữa khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt Nam sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước.
"Trong 39 triệu thẻ đang hoạt động, chúng ta có trên 800.000 thẻ nội địa, chiếm 8,7% trong tổng số lượng thẻ, cho thấy chúng ta còn dư địa để quan tâm đẩy mạnh phát triển thị trường thẻ nội địa tại Việt Nam", ông Phạm Anh Tuấn nói.
Theo ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng giám đốc Agribank, thẻ tín dụng quốc tế có khả năng tiếp cận thấp, thông thường chủ yếu là khách hàng có thu nhập khá trở lên, có nhu cầu mua sắm, đi lại ở nước ngoài hoặc nhu cầu chi tiêu ở mức trung bình trở lên.
Trong khi đó, Việt Nam với gần 63 triệu người dân ở địa bàn nông thôn là thị trường tiềm năng cho việc phát triển các sản phẩm thẻ thanh toán. Thực tế cho thấy, khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường thẻ ngân hàng có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt sau đại dịch COVID-19.
Còn Phó Tổng giám đốc NAPAS Nguyễn Đăng Hùng cho biết thẻ tín dụng nội địa có ưu thế về những chính sách phù hợp với đa số người dân. Thẻ tín dụng nội địa có độ an toàn, bảo mật nhờ việc lưu trữ thông tin thẻ trên con chíp tiêu chuẩn EMV. Thẻ tín dụng nội địa được thanh toán đa dạng như thanh toán khi tham gia giao thông, siêu thị.
Do đó, trong bối cảnh giao dịch điện tử đã phổ cập, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 86% về số lượng giao dịch và 31% về giá trị thì tiềm năng của loại thẻ này là tương đối lớn.