Tìm giải pháp sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sáng nay (28/2), đa số ý kiến đều đề cập đến việc cần quyết liệt giải pháp để sớm nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.
Quyết liệt triển khai giải pháp nâng hạng TTCK
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương cho biết, năm 2023, hoạt động huy động vốn qua TTCK có sự khởi sắc, với tổng giá trị huy động vốn đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.
Chỉ số TTCK Việt Nam tăng 12,2% so với năm trước, phản ánh kỳ vọng tích cực của thị trường về triển vọng kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp.
Ngành chứng khoán tích cực tham gia các hoạt động hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, nhắm vào các thị trường như Mỹ, Hong Kong (Trung Quốc)… hỗ trợ cho thu hút đầu tư và sự phát triển TTCK
Bên cạnh đó, cũng đẩy mạnh công tác giám sát, thực thi pháp luật, tổ chức thanh kiểm tra, xử phạt các vi phạm về chứng khoán… để đảm bảo TTCK vận hành thông suốt, an toàn.
Năm nay, khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương được dự báo tăng trưởng cao hơn các khu vực khác. Đây được xem là năm tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển TTCK trong trung và dài hạn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế năm 2024.
Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương khẳng định, trong năm 2024, ngành chứng khoán dự kiến triển khai quyết liệt ngay các giải pháp, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 và Công điện số 1360/CĐ-TTg ngày 13/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy TTCK phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.
Bên cạnh đó, ngành chứng khoán sẽ triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng TTCK; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp thông qua triển khai công bố thông tin một đầu mối, cải cách thủ tục hành chính.
UBCK sẽ làm sạch dữ liệu nhà đầu tư và nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung hỗ trợ công tác quản lý giám sát...
NHNN cùng xử lý vướng mắc để hỗ trợ nâng hạng
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sự phát triển của TTCK.
Trong năm 2023, NHNN có 4 lần lần giảm lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay phát sinh mới giảm hơn 2,5%/năm, nhưng tỷ giá vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25% thấp hơn mục tiêu 4,5% do Quốc hội và Chính phủ đề ra, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, qua đó, góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư, hỗ trợ sự phát triển của TTCK.
Theo NHNN, với tác động có độ trễ của chính sách, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Trong năm 2023, Fitch nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định"; có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
TTCK Việt Nam đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đang đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - thị trường mới nổi.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nêu quan điểm cần khẩn trương hoàn thành nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Các tập đoàn, quỹ đầu tư quốc tế đều bày tỏ nếu TTCK được nâng hạng thì dòng vốn vào Việt Nam tăng lên rất nhiều.
Bà Ngọc cũng đề nghị Bộ Tài chính, UBCK cần khẩn trương ban hành kế hoạch hành động để triển khai chiến lược phát triển TTCK năm 2030. Khuyến nghị tăng hàng hóa có chất lượng và sản phầm mới, trong đó cần chú trọng đến tài chính xanh và cho phép doanh nghiệp FDI được niêm yết.
Ông Ketut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của World Bank (WB) tại Việt Nam, cho rằng khát vọng của Việt Nam trong việc nâng cấp TTCK lên thị trường mới nổi là bước đi chiến lược, phù hợp với tham vọng lớn hơn là chuyển đổi thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
WB ước tính, việc nâng hạng TTCK có thể mang lại tới 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.
Tổ chức, doanh nghiệp đề xuất
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, khẳng định TTCK là kênh huy động vốn không thể thiếu đối với doanh nghiệp và đây là kênh ngày càng phổ biến và hiệu quả tại Việt Nam.
Với các doanh nghiệp như Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE), tập đoàn đã huy động thành công hàng tỷ USD thông qua TTCK Việt Nam và quốc tế.
Việc tham gia TTCK giúp doanh nghiệp quản trị chuyên nghiệp và minh bạch hơn, hút được vốn và đẩy mạnh quảng bá được hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp.
Đại diện Vingroup kiến nghị, Chính phủ và các cơ quan quản lý tiếp tục nghiên cứu và có các giải pháp để TTCK sớm được nâng hạng. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp luật hiện tại, nghiên cứu và ban hành những quy định về các sản phẩm tài chính mới để thu hút nhà đầu tư, phát triển thị trường.
Tham tán công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam kỳ vọng TTCK sẽ được mở rộng. Theo đó, có thể đa dạng hóa cổ phiếu niêm yết trên HOSE bằng cách chuyển sàn các cổ phiếu UPCOM, 50% vốn hóa ở đó thuộc ngành hàng hóa và dịch vụ công nghiệp và thực phẩm và đồ uống. Hiện, ngành ngân hàng và bất động sản chiếm phần lớn vốn hóa của sàn HOSE.
Đại diện Hàn Quốc cũng kiến nghị, nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài để tăng nguồn cung cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, bằng các chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-voting depository receipt, viết tắt là NVDR) để phù hợp với mục tiêu quản lý nhà nước đặt ra đối với từng nhóm ngành, nghề. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc niêm yết các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp FDI để cải thiện sự đa dạng của thị trường.
Về phía cầu, Tham tán công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc khuyến khích các ngân hàng và công ty bảo hiểm đầu tư vào cổ phiếu, thúc đẩy chiến lược quản lý tài sản đa dạng và lợi suất cao.
Bên cạnh đó, ngành chứng khoán Việt Nam cần không ngừng nâng cao hệ thống giao dịch để xử lý an toàn các lệnh khác nhau, bao gồm cổ phiếu, hợp đồng tương lai và quyền chọn, mặc dù với khối lượng lớn.
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Lâm, TGĐ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV, kiến nghị có cơ chế, chính sách tạo động lực rõ nét cho doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư trái phiếu xanh, cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Năm 2023, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Về quy mô thị trường, đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) và đến năm 2030 quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP). Thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Chính phủ đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng quản trị công ty niêm yết trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á; phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.
>> Lý do cựu chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng không bị xử lý hình sự
Chứng khoán Việt đang đón ‘sóng’ chuyển dịch đầu tư
Khối tự doanh công ty chứng khoán ngày 27/2: HPG bất ngờ bị 'xả' trăm tỷ đồng