Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định đang khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm nguồn vốn để ưu tiên đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc 2 làn xe.
Chiều ngày 7/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã đăng đàn trả lời về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Đây là lần đầu tiên tư lệnh ngành giao thông trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đưa ra đầu tiên tại phiên chất vấn là công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên Huế) nêu rõ, hiện quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không khuyến khích đầu tư các tuyến cao tốc có 2 làn xe, gây lãng phí về vốn đầu tư, khai thác không hiệu quả và mất thời gian. Tuy nhiên, trên địa bàn Thừa Thiên Huế có 2 tuyến, do quy mô nhỏ, lưu lượng và tốc độ không cao nên chủ yếu vẫn sử dụng Quốc lộ 1A và thực tế có nhiều vụ tai nạn xảy ra.
"Vậy với những dự án quy mô nhỏ, xin Bộ trưởng cho biết đã có kế hoạch rà soát để nâng cấp và mở rộng không?", đại biểu Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết việc đầu tư các tuyến cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh hay 6-8 làn xe là nhu cầu đúng đắn, cần thiết. Thủ tướng luôn chỉ đạo cố gắng đầu tư tuyến nào hoàn thành tuyến đó. Song thực tế vừa qua, nhiều tuyến do nguồn lực có hạn nên chỉ đủ ngân sách làm 2 làn xe, một phần do ban đầu, lưu lượng xe qua các tuyến này cũng không lớn.
Nhắc lại quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng về việc hạn chế làm các tuyến cao tốc 2 làn xe, ông Thắng cho biết qua tổng hợp, có 5 tuyến cao tốc hiện nay có 2 làn xe, trong đó có 2 tuyến ở Thừa Thiên Huế.
"Thủ tướng đã chỉ đạo thời gian tới ưu tiên nguồn ngân sách tập trung nâng cấp các tuyến cao tốc từ 2 làn xe lên 4 làn, đây là chỉ đạo rất đúng đắn. Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu, tới đây sẽ tiếp tục phối hợp tham mưu và đề xuất để có nguồn vốn để hoàn thiện tất cả các tuyến đường cao tốc 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Đối với một số tỉnh đề xuất có cơ chế dùng ngân sách địa phương đầu tư các tuyến quốc lộ và sẽ bàn giao cho Bộ Giao thông Vận tải quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng theo quy định của Luật Ngân sách và Luật Giao thông đường bộ, các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ (cả nước có gần 25.000km tuyến quốc lộ) thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải. Các tỉnh lộ trở xuống thuộc trách nhiệm địa phương.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách có hạn, Bộ trưởng cho hay ngân sách trung ương chỉ đáp ứng hơn 60% đầu tư hạ tầng giao thông (giai đoạn 2021 - 2025 ngân sách đầu tư cho ngành giao thông cần 461.000 tỷ đồng nhưng ngân sách Nhà nước chỉ bố trí được 366.000 tỷ đồng) nên không thể đáp ứng được đầu tư hết các tuyến đường, đặc biệt là các quốc lộ xuống cấp.
“Bởi vậy, việc địa phương bố trí được vốn để cùng trung ương đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ là rất quan trọng, phù hợp. Bộ sẽ tham mưu với các bộ, ngành xin ý kiến Chính phủ và có trình Quốc hội để cho phép thực hiện thí điểm cơ chế trong lúc luật chưa sửa được để Quốc hội ban hành Nghị quyết, từ đó địa phương bố trí ngân sách tham gia cùng Trung ương để đầu tư, xây dựng các tuyến quốc lộ và cao tốc,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tư lệnh ngành giao thông nói thêm là dự án Luật Đường bộ sắp trình Quốc hội vào kỳ thứ 6, dự kiến thông qua kỳ thứ 7, cũng đưa nội dung này vào để xem xét.
Đề nghị giao mặt bằng trong tháng 10 để xóa 'trắng' trạm dừng nghỉ trên cao tốc
Sẽ hết cảnh 'trắng' trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam trước Tết