Tìm thấy hơn 200.000 hiện vật lớn nhỏ, thuộc thời kỳ Đồ Đá cách đây 6.000 năm
Hàng nghìn hiện vật đá thuộc thời kỳ đồ đá đã được phát hiện tại di chỉ hang Shiren, tọa lạc ở thành phố Hải Lâm, tỉnh Hắc Long Giang, Đông Bắc Trung Quốc.
Theo Global Times, di chỉ này nằm trên núi Shiren với diện tích bề mặt lên đến 200.000m2, trong đó khu vực trung tâm rộng 2.000m2 là nơi tập trung dày đặc các hiện vật đá. Theo ông Lý Hữu Khiêm, Phó Giám đốc Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Hắc Long Giang kiêm trưởng dự án khai quật, di chỉ này được phát hiện vào năm 2023 trong quá trình khảo sát công cụ đá tại lưu vực sông Hải Lãng.
Phân tích cho thấy các lớp đất tại đây có niên đại từ 5.700 - 6.000 năm trước, thuộc thời kỳ đồ đá mới. Đây là giai đoạn hiếm gặp trong lịch sử khảo cổ và sự phong phú của hiện vật tại khu vực này càng làm tăng giá trị của di chỉ.
Trong khu vực chỉ rộng khoảng 71m2, các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 90.000 hiện vật đá có kích thước trên 4cm. Tổng số hiện vật, nếu tính cả các mẫu nhỏ hơn, có thể lên tới gần 200.000. Điều này đánh dấu một trong những phát hiện hiếm có với mật độ hiện vật dày đặc tại một địa điểm khai quật.
Các công cụ đá được tìm thấy bao gồm loại công cụ hai mặt (biface), vốn có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ thời kỳ đồ đá cũ sang đồ đá mới. Kỹ thuật khai quật tại đây yêu cầu sự tỉ mỉ và nguồn nhân lực lớn, phản ánh xã hội thời kỳ đồ đá mới đã có tổ chức chặt chẽ.
Phát hiện tại hang Shiren không chỉ làm sáng tỏ về kỹ thuật chế tác công cụ đá mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về đời sống và tổ chức xã hội của con người cổ đại tại khu vực này. Ông Lý Hữu Khiêm nhấn mạnh, xã hội tại Hắc Long Giang thời kỳ này có mô hình phát triển khác biệt so với vùng sông Hoàng Hà, nơi xã hội nông nghiệp chủ đạo.
Ngược lại, khu vực Hắc Long Giang thịnh vượng nhờ săn bắn và hái lượm, với văn hóa và tổ chức xã hội khác biệt. Những phát hiện này làm nổi bật tầm quan trọng của lưu vực sông Hải Lãng, nơi có mật độ di chỉ đồ đá cũ cao nhất Trung Quốc và cả Đông Bắc Á. Kỹ thuật chế tác công cụ đá tại đây cũng rất đa dạng và phức tạp.
Cuộc khai quật tại hang Shiren đã cung cấp nguồn dữ liệu phong phú, làm cơ sở nghiên cứu về đời sống, kỹ thuật và sản xuất của con người thời tiền sử. Ngoài ra, phát hiện này còn đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu nguồn gốc và mô hình di cư của loài người qua các thời kỳ.
Những dữ liệu quý giá từ di chỉ này không những mở ra cánh cửa nghiên cứu sâu hơn về nền văn minh cổ đại mà còn khẳng định giá trị khảo cổ đặc biệt của khu vực Đông Bắc Trung Quốc.
>> Phát hiện ngôi đền 2.000 năm tuổi dưới đáy biển, nhiều hiện vật đặc biệt quý hiếm được tìm thấy