Tìm thấy ‘mỏ kho báu’ nghìn năm tuổi ẩn mình dưới núi thiêng 400km2, Liên Hợp Quốc lập tức kêu gọi bảo vệ
Đây được coi là “kho báu" vô giá mà người dân gìn giữ những di sản thiên nhiên quý báu cho thế hệ tương lai.
"Kho báu xanh" ẩn mình trong dãy núi thiêng 400km²
Ẩn mình trong vùng núi Kuaiji linh thiêng thuộc thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc là một “mỏ kho báu xanh” trải dài trên diện tích 400km² - rừng cây torreya cổ thụ có tuổi đời hơn 1.500 năm. Nơi đây không chỉ sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, mà còn mang trong mình giá trị lịch sử khi là cái nôi của triều đại đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa - nhà Hạ (khoảng thế kỷ 21 - 16 TCN).

Tâm điểm của cánh rừng cổ kính ấy là làng Zhan’ao, một cộng đồng sinh sống đã nhiều đời gắn bó với thiên nhiên. Suốt hàng thế kỷ, người dân nơi đây đã âm thầm gìn giữ, chăm sóc những cây cổ thụ như chính một phần máu thịt của mình.
Một trong những người nổi bật trong hành trình ấy là ông Huang Tianming, Bí thư Đảng ủy của làng. Tại Hội nghị COP29 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tổ chức năm 2024 tại Baku (Azerbaijan), ông Huang đã đại diện chia sẻ những nỗ lực không ngừng của cộng đồng làng Zhan’ao trong công tác bảo vệ rừng torreya.
Theo bà Liu Lili, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn sinh thái thuộc Cục Lâm nghiệp và Đồng cỏ Quốc gia Trung Quốc, những việc làm của người dân Zhan’ao chính là minh chứng rõ ràng cho sự hòa hợp giữa bảo tồn môi trường và phát triển bền vững.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã đưa khu vực Cộng đồng Torreya cổ đại Kuaijishan - bao gồm làng Zhan’ao, vào danh sách Hệ thống di sản nông nghiệp quan trọng toàn cầu (GIAHS). Điều này đồng nghĩa với việc vùng đất này cần được gìn giữ một cách nghiêm ngặt, không chỉ bởi giá trị môi trường mà còn bởi tầm vóc lịch sử và văn hóa sâu sắc.
Hơn 800 năm gắn bó giữa con người và rừng cây
Cây torreya lâu đời nhất ở Zhan’ao đã vượt mốc 1.500 năm tuổi. Lịch sử gắn bó giữa con người và những cây cổ thụ này đã kéo dài hơn 800 năm, truyền qua 66 thế hệ. Ông Huang chia sẻ rằng riêng gia đình mình đã chăm sóc 26 cây torreya hơn 100 năm tuổi. Trong suốt 40 năm, ông dành trên 200 ngày mỗi năm để chăm rừng: nhổ cỏ, tỉa cành, bón phân,… Sáu thế hệ trong gia đình ông đều tham gia vào công việc đầy ý nghĩa này, trong đó người lớn tuổi nhất hiện đã 98 tuổi.

Cây torreya không chỉ có giá trị về mặt sinh thái mà còn gắn liền với đời sống kinh tế địa phương. Gỗ cây quý, quả của nó có thể dùng trong ẩm thực và dược liệu. Tuy nhiên, loại cây này rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu. Tuyết dày, nếu không được dọn kịp thời, có thể gây hư hại nghiêm trọng.
Từ năm 2015 đến 2021, Trung Quốc đã tiến hành khảo sát toàn quốc, xác định có khoảng 5,08 triệu cây cổ thụ, trong đó hơn 246.000 cây nằm ở khu vực đô thị. Trong năm 2025, một cuộc khảo sát mới sẽ được tiến hành, tích hợp hệ thống quản lý thông minh để giám sát từng cây một cách chi tiết với phương pháp “mỗi cây một hồ sơ”.

Tại thị trấn Zhaojia (Zhuji, Chiết Giang) - nơi có hơn 2.700 cây torreya hơn 1.000 năm tuổi, Bí thư Đảng ủy Yu Yan chia sẻ: địa phương đang huy động các nguồn lực từ 5 ngôi làng để phát triển mô hình nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái và các hoạt động cộng đồng xoay quanh hệ sinh thái cây torreya.
Điều quan trọng là mọi hình thức khai thác đều phải đảm bảo không gây tổn hại đến cây cổ thụ và môi trường sống của chúng. Nếu thực hiện đúng, việc sử dụng hợp lý có thể nâng tầm giá trị kinh tế của cây torreya, đồng thời góp phần vào công cuộc phục hưng nông thôn và bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia.
>> Dắt chó cưng đi dạo, vô tình vớ được ‘báu vật’ quý hiếm từ thời kỳ băng hà cuối cùng