Bảy bố con lên núi ươm trồng loại gỗ có mùi thơm, gần 30 năm sau để lại 'kho báu' bạt ngàn hàng trăm tỷ đồng
Với mục tiêu phủ xanh đồi núi trọc, hàng chục năm qua, 3 thế hệ của gia đình này đã miệt mài trồng hàng chục vạn cây.
Pu Lon là một dãy núi sừng sững, hiên ngang thuộc bản Huồi Giảng, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn nằm ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, cách trung tâm gần 300km, giáp biên giới nước bạn Lào, đường đi khá khó khăn. Người dân nơi đây chủ yếu là dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú...
Gần 30 năm trước, những rừng gỗ Pơ mu, Sa mu tự nhiên tại dãy núi Pu Lon bị đốn hạ và khai thác cạn kiệt. Những quả đồi này bị dân bản "cạo trọc" để làm rẫy, nhưng sau đó bỏ hoang vì đất không còn dinh dưỡng. Đau đáu và tiếc nuối, cụ Vừ Pà Rê (sinh năm 1947) đã quyết định tự tay cứu lại những cánh rừng gỗ Pơ mu, Sa mu, đồng thời phủ xanh những đồi núi trọc.
Ban đầu, cụ Rê một mình lặn lội vào rừng sâu tìm kiếm những cây Pơ mu, Sa mu nhỏ đem về trồng trên những khoảng đồi trọc gần bản Huồi Giảng. Quả đồi rộng lớn, một mình làm không xuể, cụ Rê lại động viên thêm các con trai cùng vào hỗ trợ trồng rừng.
Ông Vừ Giống Phử, con trai thứ 5 của cụ Vừ Pà Rê kể lại: "Vào năm 1996, bố tôi đã chèo lên đỉnh Pu Lon tìm cây Pơ mu con về đào hố tự trồng. Sau này, không tìm được cây Pơ mu con nữa, bố tôi nghĩ đến việc tự nhân giống. Ông lên rừng tìm từng quả Pơ mu nhỏ bằng lóng tay cái đem về phơi khô rồi tách hạt ươm. Sau khi ươm được cây, bố con tôi lại hì hục đào hố để trồng".
Câu chuyện 7 bố con ông Rê tìm cây con để trồng rừng chẳng mấy chốc đến tai ông Vừ Chông Pao, nguyên là Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn suốt 20 năm (từ năm 1969-1989), Đại biểu Quốc hội khóa 8 và là một thủ lĩnh nổi tiếng của người Mông. Để hỗ trợ bà con Tây Sơn rồng rừng, ông Vừ Chông Pao đã đưa dự án trồng rừng 327 về xã để hỗ trợ dân bản cùng chung tay trồng lại những cánh rừng Pơ mu.
Nhờ dự án cũng như hiểu ra tác dụng của việc trồng rừng của già Rê vừa giữ được rừng lại vừa có thu nhập, vì thế, bà con trong các bản càng hăng hái cùng bố con ông vào rừng tìm cây con về trồng. Phong trào trồng Pơ mu, Sa mu cứ thế được nhân rộng dần trong toàn xã. Vui hơn là chuyện trồng rừng đã lan sang các bản Mông, các xã rẻo cao lân cận có cùng điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng như Tây Sơn.
Sau hàng chục năm kiên trì, đến nay, hơn 100ha với hàng vạn cây Pơ mu, Sa mu đã và đang phát triển tốt. Cây có tuổi đời 18-20 năm, tạo ra những cánh rừng gỗ quý cao hàng chục mét, thân gỗ có mùi thơm, mang lại giá trị kinh tế cao.
Do tuổi cao sức yếu, cụ Rê qua đời khi đã cùng các con tạo dựng thành công những cánh rừng bạt ngàn. Nối tiếp ước nguyện của cha, các con của cụ tiếp tục sứ mệnh trồng rừng, gìn giữ và phát triển "kho báu xanh" này.
Cánh rừng Pơ mu, Sa mu tọa lạc gần bản Huồi Giảng 3, cách trụ sở UBND xã Tây Sơn khoảng 4km vẫn xanh ngút ngàn trên dãy núi Pu Lon. Nơi đây sở hữu địa hình thoai thoải, rộng lớn, là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích thiên nhiên và muốn tận hưởng bầu không khí trong lành.
Lớp dầu từ Pơ mu, Sa mu tỏa ra một mùi thơm dễ chịu. Vào mùa hè, du khách từ khắp nơi đổ về đây để tham quan, chụp ảnh và hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ. Tiếng chim hót líu lo, tiếng suối chảy róc rách cùng hương thơm của cây lá tạo nên một bản giao hưởng tuyệt vời.
Theo thị trường, gỗ Pơ mu, Sa mu có giá khoảng 30-35 triệu đồng/m3. Nhiều người nhẩm tính, khu rừng Pơ Mu của bố con ông Vừ Pà Rê trị giá cả trăm tỷ đồng nếu thu hoạch gỗ.
Tuy nhiên, những thế hệ con cháu của già Rê xác định, mục đích của bố con ông là trồng rừng cho đời con, đời cháu và cho đời sau, chứ không phải trồng rừng để mục đích kinh doanh. Hiện con đường dẫn lên cánh rừng đã được ông Phử cho máy xúc san mặt bằng, để các phương tiện dễ dàng lên tới đỉnh. Anh em nhà ông Phử còn đóng những dãy ghế dài, xích đu để người tham quan nghỉ ngơi.
Pơ mu và Sa mu đều là những loại gỗ quý hiếm, được xếp trong bảng xếp hạng các nhóm gỗ tại Việt Nam.
Gỗ Pơ mu có vân đẹp, nhẹ và bền, không bị mối mọt, có tác dụng xua đuổi côn trùng, theo kinh nghiệm dân gian thì gỗ pơ mu có khả năng chống mối. Đây là loại gỗ quý, trước đây đã bị khai thác rất nhiều nên số lượng ngày càng ít đi.
Còn gỗ Sa mu là dòng gỗ chất lượng có màu hồng nhạt hoặc vàng đậm, vân gỗ rõ nét và có mùi thơm tự nhiên dễ chịu. Mang lại giá trị kinh tế vô cùng đắt đỏ được giới chơi gỗ rất yêu thích và săn lùng tìm kiếm. Ở nước ta, Sa mu dầu đang đối mặt với nguy cơ đe dọa tuyệt chủng và cần sự ưu tiên trong công tác bảo tồn.
>> Khu rừng Cấm 'cất giấu' 51 cây gỗ quý đắt như vàng, được người dân cả làng bảo vệ
Bộ bàn ghế làm từ loại gỗ quý hiếm nặng gần 10 tấn giá hàng chục tỷ của đại gia Hà Nội
Loại gỗ đen quý hiếm bậc nhất thế giới giá 330 triệu đồng/m3, có thể chống lửa