Loại gỗ quý hơn cả 'vàng lộ thiên', hiếm hơn gỗ sưa, bị mafia truy lùng ráo riết
Đây là loại gỗ quý hiếm và đắt đỏ có tiếng trên thế giới, chủ yếu được tìm thấy ở Brazil.
Gỗ Ipe là một loại gỗ quý hiếm và đặc biệt, với nguồn gốc chủ yếu từ Brazil. Quốc gia Nam Mỹ này chiếm đến 96% nguồn cung gỗ Ipe trên toàn thế giới, khiến nó gần như trở thành một sản phẩm độc quyền ở nơi đây.
Gỗ Ipe được khai thác từ cây Ipe, một loài cây đặc hữu chỉ sinh trưởng trong khu vực lưu vực sông Amazon, Brazil. Điều đặc biệt là cho đến nay, chưa có bất kỳ khu rừng Ipe nhân tạo nào được hình thành. Điều này có nghĩa là toàn bộ gỗ Ipe trên thị trường thế giới đều là gỗ tự nhiên, được khai thác từ những cây hoang dã trong rừng Amazon.
Đây được coi là một trong những loại cây vô cùng "khó nuôi". Chúng không chỉ quý hiếm vì nguồn gốc độc đáo mà còn có đặc tính sinh trưởng đặc biệt. Cây Ipe thường sống xen kẽ giữa các loài cây gỗ khác trong rừng Amazon, với mật độ cực kỳ thấp, trung bình chỉ khoảng 1 cây/10ha. Điều này cho thấy sự khan hiếm của chúng trong tự nhiên.

Hơn nữa, cây Ipe còn phát triển cực kỳ chậm. Để đạt được đường kính thân từ 1m trở lên, một cây Ipe phải mất đến 80-100 năm, một khoảng thời gian rất dài so với nhiều loài cây gỗ khác.
Giá trị của loại gỗ quý hiếm này là rất lớn nhờ độ cứng ấn tượng, chống mối mọt, bền đẹp lâu dài. Năm 2022, giá 1m3 gỗ Ipe đã đạt mức 3.775 USD (gần 96 triệu đồng). Chúng được nhiều người coi như "khối vàng lộ thiên", còn hiếm có hơn cả gỗ sưa, một trong những loại gỗ vô cùng quý hiếm.

Vì giá trị kinh tế cao và nhu cầu lớn khiến gỗ Ipe trở thành mục tiêu săn lùng của lâm tặc. Để tìm được một cây gỗ này, chúng có thể di chuyển hàng chục cây số trong rừng và sẵn sàng chặt hạ nhiều cây gỗ khác để "mở đường". Điều này dẫn đến tình trạng phá rừng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Thậm chí, nạn trộm gỗ diễn ra phổ biến đến mức ở Brazil đã xuất hiện một thuật ngữ là "Ipe mafia" để chỉ các băng nhóm lâm tặc hoạt động trong lưu vực sông Amazon, chuyên truy lùng gỗ Ipe để buôn lậu. Các băng nhóm này thường có tổ chức chặt chẽ, được trang bị vũ khí và sẵn sàng sử dụng bạo lực để bảo vệ "lãnh địa" của mình.
Tình trạng khai thác gỗ Ipe trái phép không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của rừng Amazon. Việc mất đi những cây gỗ Ipe cổ thụ làm mất đi môi trường sống của nhiều loài động thực vật, gây ra tình trạng xói mòn đất và biến đổi khí hậu.
Chính phủ Brazil đã và đang triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn nạn khai thác gỗ Ipe trái phép. Tuy nhiên, cuộc chiến chống lại "Ipe mafia" vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức. Việc bảo vệ rừng Amazon và nguồn tài nguyên gỗ Ipe không chỉ là trách nhiệm của riêng Brazil mà còn là vấn đề của toàn cầu.