Chuyển động thị trường

Tin mới về thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam

Duy Quang 13/10/2024 - 07:19

Công ty CP Vinhomes sẽ mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Số tiền dự chi ước tính lên đến 13.000 tỷ đồng. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam.

Tuần qua, VN-Index tăng 17,79 điểm lên 1.288,39 điểm. Ngược lại, HNX-Index giảm 1,3 điểm xuống 231,37 điểm.Thanh khoản trên cả 2 sàn trong tuần qua sụt giảm mạnh.

Thống kê trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng hơn 29,81 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng hơn 303 tỷ đồng.Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5 phiên liên tiếp với tổng khối lượng 12,18 triệu đơn vị, giá trị bán ròng gần 288 tỷ đồng.

Trên thị trường Upcom, khối ngoại bán ròng 6,2 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng hơn 72 tỷ đồng. Như vậy, tuần giao dịch từ ngày 7 - 11/10 trên toàn thị trường, khối ngoại đã bán ròng 48,19 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng gần 664 tỷ đồng.

Chi 13.000 tỷ đồngmua cổ phiếu quỹ

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa thông báo đã nhận được báo cáo mua lại cổ phiếu quý của Công ty CP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM). Đây là một bước tiến quan trọng để Vinhomes đến gần hơn với việc thực hiện thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam.

Tin mới về thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam ảnh 1
Vinhomes sẽ 13.000 tỷ đồng để mua lại cổ phiếu quỹ.

Phương án mua lại cổ phiếu quỹ của Vinhomes được thực hiện theo nghị quyết đại hội cổ đông số 03/2024/NQ-ĐHĐCĐ-VHM ngày 4/9, nghị quyết đại hội cổ đông số 15/2024/NQ-HĐQT-VH ngày 5/9, quyết định đại hội cổ đông số 04.10/2024/NQ-HĐQT-VH ngày 4/10 và quy định của pháp luật hiện hành.

Theo kế hoạch được cổ đông thông qua, Vinhomes sẽ mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Số tiền dự chi ước tính lên đến 13.000 tỷ đồng.

Cần phải nói thêm rằng, trong lịch sử 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam chưa từng ghi nhận giao dịch mua cổ phiếu quỹ lớn như kế hoạch lần này của Vinhomes. Nguyên nhân bởi giảm vốn điều lệ đã trở thành quy định bắt buộc đối với các tổ chức khi thực hiện mua lại cổ phần từ các cổ đông sau khi Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp được ban hành năm 2019 và cùng có hiệu lực từ 1/1/2021.

Nếu phương án mua lại cổ phiếu quỹ được thực hiện thành công, quy mô vốn điều lệ của Vinhomes sẽ giảm từ 43.543,7 tỷ đồng xuống còn 39.843,7 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, tính từ tháng 8 tới nay, cổ phiếu VHM đã tăng hơn 26% thị giá lên mức 43.600 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường của Vinhomes cũng tăng lên gần 190.000 tỷ đồng, tương đương 7,7 tỷ USD.

Nửa đầu năm nay, Vinhomes ghi nhận doanh thu gần 36.430 tỷ đồng. Riêng quý II, VHM đạt doanh thu hơn 28.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái lên hơn 10.600 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, VHM đạt lợi nhuận sau thuế trên 11.510 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Vinhomes hơn 494.460 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cuối năm ngoái. Vốn chủ sở hữu cũng tăng khoảng 13% lên khoảng 206.780 tỷ. 6 tháng đầu năm, Vinhomes phát hành thêm 12.500 tỷ đồng trái phiếu.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank - mã chứng khoán: SGB) vừa có thông báo triệu tập cổ đông để tổ chức họp đại hội cổ đông bất thường năm 2024. Thời gian tổ chức đại hội cổ đông bất thường dự kiến vào 8h30 ngày 1/11 tại TPHCM.

Tin mới về thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam ảnh 2
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương sẽ bầu nhân sự Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Nội dung đại hội là để bầu nhân sự Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024 - 2029 và các nội dung khác (nếu có). Trong 9 tháng năm nay, Saigonbank đạt lợi nhuận trước thuế đạt 200 tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch năm.

Vì sao Chủ tịch KBC không chuyển nhượng cổ phiếu?

Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) - đã không chuyển nhượng cổ phiếu KBC nào trong tổng đăng ký chuyển nhượng 86.550.000 cổ phiếu, trong thời gian đăng ký từ ngày 9/9 - 8/10.

Lý giải về việc đăng ký nhưng không giao dịch, ông Đặng Thành Tâm cho biết, do chưa hoàn tất thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền để chuyển nhượng cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển DTT.

Liên quan đến KBC, nhóm Dragon Capital đã bán ra 300.000 cổ phiếu Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc để giảm sở hữu về 4,999% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn tại Kinh Bắc. Trong đó, quỹ thực hiện giao dịch là Amersham Industries Limited bán ra 200.000 cổ phiếu và quỹ Norges Bank bán ra 100.000 cổ phiếu.

Ngày 28/5, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đã mua thêm 100.000 cổ phiếu KBC để nâng sở hữu từ 4,99% lên hơn 5% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn tại Kinh Bắc.

Như vậy, sau 4 tháng trở thành cổ đông lớn tại Kinh Bắc, Dragon Capital đã quay lại bán ra cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn.

Bà Huỳnh Như Ngọc - Trưởng ban kiểm soát Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán: SIP) - đăng ký bán 100.000 cổ phiếu SIP. Giao dịch được thực hiện từ ngày 16/10 - 14/11 theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận. Nếu giao dịch thành công, bà Ngọc sẽ giảm sở hữu tại SIP xuống còn 526.272 cổ phiếu. Ước tính, bà Ngọc có thể thu về hơn 7,3 tỷ đồng từ việc thoái vốn.

Tin mới về thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam ảnh 3
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc không chuyển nhượng cổ phiếu KBC như đã đăng ký.

Đầu tư Sài Gòn VRG cũng vừa thông báo chào bán thành công hơn 1,45 triệu cổ phiếu ESOP. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm. Vốn điều lệ SIP tăng từ 2.090,8 tỷ đồng lên 2.105,3 tỷ đồng.

Ông Từ Như Quỳnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Bất động sản và Đầu tư VRC (mã chứng khoán: VRC) - đăng ký bán toàn bộ hơn 6,26 triệu cổ phiếu VRC. Giao dịch được thực hiện từ ngày 16/10 - 14/11 theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận nhằm. Lý do ông Quỳnh bán cổ phiếu để thực hiện nhu cầu tài chính cá nhân. Ước tính ông Quỳnh có thể thu về khoảng 50 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi VRC.

Hôm 10/10, ông Phan Văn Tướng - thành viên Hội đồng quản trị VRC - cũng bán ra 2 triệu cổ phiếu, để giảm sở hữu xuống còn hơn 7,32 triệu cổ phiếu, tương đương 14,65% vốn điều lệ VRC. Ông Tướng thu đã về 14,68 tỷ đồng.

Ngoài việc các lãnh đạo cấp cao của VRC thoái vốn, công ty này cũng ghi nhận thay đổi nhân sự trong ban điều hành. Cụ thể, VRC thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của bà Nguyễn Thị Minh Khiêm kể từ ngày 3/10, đồng thời bổ nhiệm bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như thay thế. Người đại diện pháp luật của VRC cũng được thay đổi từ bà Khiêm sang bà Như.

Cũng trong ngày 3/10, VRC nhận được đơn từ nhiệm chức thành viên Hội đồng quản trị và Chủ tịch Uỷ ban Kiểm toán Công ty CP Bất động sản và Đầu tư VRC của ông Nguyễn Quốc Phòng vì lý do cá nhân.

Vinhomes (VHM) cập nhật vốn điều lệ mới sau thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ

Động thái của Vinhomes về thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/tin-moi-ve-thuong-vu-mua-lai-co-phieu-quy-lon-nhat-lich-su-chung-khoan-viet-nam-post1681763.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tin mới về thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH