"Tin ra là bán" - Loạt cổ phiếu sẽ bị xả mạnh khi doanh nghiệp công bố KQKD quý 2?
Hàng trăm mã chứng khoán đã "chạy khỏe" trước mùa công bố KQKD quý 2/2023. Sau nhịp tăng dài, dòng tiền tạo lập bắt đầu xả bán loạt cổ phiếu.
Mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 đang bước vào giai đoạn sôi động khi hàng trăm doanh nghiệp đã ra báo cáo tài chính.
Sự phân hóa tiếp tục diễn ra trong nội tại một số ngành như bất động sản (dân dụng và khu công nghiệp), chứng khoán, thép, điện,...
Trên thị trường chứng khoán, VN-Index tăng 150 điểm sau 3 tháng và kết phiên 21/7 tại mức gần 1.186 điểm. Cùng thời gian, loạt cổ phiếu trên cả 3 sàn cũng vận động tích cực với mức tăng từ 30% trở lên, nhiều cổ phiếu thậm chí đã x2 giá trị.
Tuy nhiên, như một quy luật, sau giai đoạn tăng giá theo kỳ vọng và theo câu chuyện riêng, cổ phiếu của không ít công ty bắt đầu xuất hiện các nhịp xả bán ngay sau khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính (cả tích cực lần tiêu cực).
Tuần 17 - 21/7, có thể thấy các động thái này ở HCD, BMP, DHG, SKG,...
Quý 2, CTCP Đầu tư Sản xuất và Thương mại HCD (Mã HCD - HOSE) ghi nhận doanh thu thuần 240 tỷ đồng - tăng 51%; lãi gộp vỏn vẹn 2,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến gần 23 lần lên 9,5 tỷ đồng (phần lớn đến từ chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Nhựa Trường An) nên sau cùng lãi ròng tăng 184% so với cùng kỳ, đạt 8,4 tỷ.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HCD tăng gần 64% từ đầu tháng 4 lên 10.450 đồng/cp phiên 18/7 vừa qua. Đáng nói, nhịp tăng mạnh chỉ thực sự diễn ra khi cuối tháng 5 khi thông tin thoái vốn Nhựa Tường An xuất hiện.
3 phiên cuối tuần trước, mã xuất hiện nhịp điều chỉnh kéo thị giá về mức 10.050 đồng (phiên 21/7 có thời điểm mất mốc 10.000 đồng/cp).
Tương tự, cổ phiếu BMP của CTCP Nhựa Bình Minh (Mã BMP - HOSE) sau khi áp sát mốc 105.000 đồng (phiên 20/7) đã xuất hiện lực bán chốt lời khiến biên độ tăng giảm còn 1,1%.
Cuối tuần trước, lực bán tiếp tục xuất hiện kéo thị giá về 100.800 đồng/cp (có thời điểm thủng mốc 100.000 đồng). Thanh khoản phiên này cũng tăng mạnh lên mức 530.000 đơn vị - cao hơn trung bình 1 tháng trước đó.
Quan sát, cổ phiếu BMP đã có nhịp tăng dài 84% từ cuối tháng 3 tới nay trước hỗ lực từ diễn biến giá hạt nhựa thế giới. Dòng tiền lớn xuất hiện và liên tục đẩy giá cổ phiếu lên.
Về kết quả kinh doanh, sau quý 1 lãi kỷ lục 281 tỷ đồng, Nhựa Bình Minh tiếp tục lập kỷ lục mới về lợi nhuận.
Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu hơn 1.300 tỷ đồng - giảm 14% so với cùng kỳ song lợi nhuận ròng tăng 2 lần lên mức 295 tỷ qua đó nối dài mạch tăng trưởng dương 6 quý liên tiếp của BMP.
Quý 2, biên lợi nhuận gộp của Nhựa Bình Minh tăng mạnh từ 25% lên 43%.
Tính chung 2 quý đầu năm, Nhựa Bình Minh đạt gần 2.800 tỷ đồng doanh thu - giảm nhẹ so với cùng kỳ song lợi nhuận sau thuế lại tăng 111% lên mức 575 tỷ - tương đương 88% kế hoạch.
Một cổ phiếu khác cũng bị bán mạnh tuần qua là DHG của CTCP Dược Hậu Giang.
Sau 3 phiên tăng liên tiếp giữa tuần kéo thị giá lên mức đỉnh lịch sử 139.600 đồng, cổ phiếu DHG bất ngờ bị bán sàn phiên 21/7 và trở thành mã tiêu cực nhất thị trường; khối lượng giao dịch tăng mạnh lên mức 242.000 đơn vị - cao nhất sau hơn 4 năm.
Diễn biến giảm giá của cổ phiếu DHG xuất hiện ngay sau khi doanh nghiệp ra báo cáo tài chính quý 2 với ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng.
Cụ thể, trong kỳ, công ty đạt hơn 1.153 tỷ đồng doanh thu thuần - tăng 3% YoY và 263 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - tăng hơn 11%.
Dược Hậu Giang cho biết, trong quý 2, công ty tiếp tục tập trung bán các sản phẩm chiến lược, chủ lực; hệ thống phân phối ngày càng được tổ chức chặt chẽ và kết nối tốt với khách hàng, lợi nhuận tài chính tốt nhờ đó lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tốt.
Luỹ kế 6 tháng, công ty đạt 2.381 tỷ đồng doanh thu - tăng 9% so với cùng kỳ và 624 tỷ đồng lãi sau thuế - tăng 36%.
Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan sau nhiều quý lao dốc song không ít cổ phiếu nhóm chứng khoán, dầu khí cũng bắt đầu xuất hiện các nhịp chốt lời.
Tại Hội thảo "Cơ hội vàng đầu tư nửa cuối năm 2023" được tổ chức bởi Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) chiều ngày 23/7, trả lời câu hỏi: "Có hay không một đợt "tin ra là bán" trên diện rộng khi thị trường đã lên cao và các cổ phiếu đã tăng mạnh trong nhiều tháng qua?", ông Ngô Minh Tuấn - Chuyên gia Khối KHCC - PCC10 - Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, trên thị trường đôi khi phải chấp nhận câu chuyện cổ phiếu chạy trước khi xuất hiện tin sớm và đội lái đẩy giá, thao túng giá cổ phiếu. Đối với thị trường mới nổi như Việt Nam, khi một số quy định vẫn còn kẽ hở, nhà đầu tư phải chấp nhận vấn đề này.
Ông Ngô Minh Tuấn - Chuyên gia Khối KHCC - PCC10 - Chứng khoán KB Việt Nam
Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược đầu tư - Công ty Chứng Khoán KB Việt Nam, với bối cảnh vĩ mô ổn định, các chính sách điều tiết được kích hoạt, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trên thị trường đang tốt dần lên.
"Theo tôi, động thái bán chốt lời có chăng chỉ kéo dài trong một vài phiên và các cổ phiếu tốt vẫn còn triển vọng tăng giá", ông Đức Anh Nhấn mạnh.
Nhận định chứng khoán 12/12: Thận trọng VN-Index điều chỉnh
VN-Index vùng 1.270-1.280 điểm: Dòng tiền lớn giữ giá để gom hàng?