Sau thời gian tăng mạnh vượt vùng 5x.000 đồng, thị giá cổ phiếu APS đã bị kéo chìm cùng với các mã cùng họ như API hay IDJ.
Theo CBTT, CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (HNX: APS) ghi nhận lợi nhuận trước thuế lũy kế đến 30/11/2021 đạt 520 tỷ đồng, EPS 11 tháng là 5.333 đồng/cổ phiếu - lọt vào top cao nhất trong các công ty chứng khoán.
Lý giải cho sự tăng trưởng ngoạn mục này là do APS đã có kết quả thành công lớn ở mảng tự doanh khi nắm giữ hàng loạt mã cổ phiếu tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Tập đoành APEC như cổ phiếu IDJ hay API, APS còn nắm giữ danh mục cổ phiếu “hot” như DPG, NBB, CII và đặc biệt cổ phiếu CEO. Đây đều là các cổ phiếu có sự tăng trưởng ngoạn mục khi tăng gấp 3 - 4 lần trong thời gian vừa qua.
Mặc dù vừa điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh tại ĐHCĐ bất thường ngày 16/11 để điều chỉnh kết quả kinh doanh từ mức lợi nhuận trước thuế 72 tỷ đồng lên mức 500 tỷ đồng nhưng ngay khi kết thúc tháng 11, APS đã xuất sắc về đích sớm khi hoàn thành 104%% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Theo thông tin từ công ty, kết thúc năm tài chính 2021, EPS dự phóng sẽ trên 8,000 đồng/cổ phiếu và APS sẽ là công ty chứng khoán có chỉ số EPS cao nhất ngành chứng khoán.
APS có EPS dự phóng 2021 cao nhất trong các công ty chứng khoán – Nguồn: Phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dươn
Bên cạnh việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2021, tại ĐHCĐ bất thường vừa qua, HĐQT APS thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức 830 tỷ đồng lên 1.660 tỷ đồng thông qua việc phát hành 166 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền 1:1, giá chào bán không thấp hơn 15.000 đồng/cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, từ một cổ phiếu "trà đá" với mức giá 4.200 đồng vào hồi đầu năm, mã này tăng vọt gần 15 lần chỉ chưa đầy 1 năm.
Sau thời gian tăng mạnh vượt vùng 5x.000 đồng, thị giá cổ phiếu APS đã bị kéo chìm cùng với các mã cùng họ như API hay IDJ. Cụ thể, từ mức đỉnh gần 60.000 đồng hồi trung tuần tháng 11, cổ phiếu APS bị kéo về mức 34.600 đồng sau phiên đáp sàn ngày 14/12 - tương ứng mất 25.300 đồng thị giá (giảm 42%) trước khi mã ghi nhận tăng trần trở lại trong phiên 15/12 sau khi ra tin tốt.
Đáng chú ý, "cơn điên" của cổ phiếu APS diễn ra trong thời điểm cổ phiếu trong hệ sinh thái APEC cũng đang nổi sóng trên thị trường. Cùng với đà tăng của APS, cổ phiếu API của CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương tăng gấp 7 lần và cổ phiếu IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam cũng tăng gấp 5 lần so với hồi đầu năm.
Tuy giá đã tăng mạnh nhưng trong cuộc họp ĐHCĐ, ban lãnh đạo cùng cổ đông công ty vẫn hô to khẩu hiệu "APS gồng lãi" để thể hiện niềm tin và quyết tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Khi được cổ đông hỏi cổ phiếu APS tăng mạnh có phải nhờ "thiên thời", ông Phạm Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT APS cho biết: "Bên cạnh nhiều yếu tố thuận lợi, giá cổ phiếu APS tăng mạnh là thành quả cố gắng của cả công ty trong suốt thời gian qua. Mục tiêu APS hướng đến không chỉ là một công ty chứng khoán truyền thống mà sẽ là nơi cung cấp nền tảng quản lý toàn bộ tài sản của nhà đầu tư dựa vào công nghệ.
Theo đó, công ty đặt mục tiêu trở thành top 5 công ty chứng khoán có vốn hoá lớn nhất trên thị trường, top 3 công ty quản lý 5 triệu khách hàng trong khu vực vào năm 2025. Như vậy, thị giá cổ phiếu APS thời gian tới như thế nào thì cổ đông chắc cũng định giá được".
Xem thêm: "Cổ phiếu và đồ thị ngày 6/12: API - APS - IDJ cùng nhau lên đỉnh, cùng nhau đổ đèo"
Bộ 3 cổ phiếu API, APS, IDJ lại dậy sóng, bức tranh tài chính các doanh nghiệp 'họ' APEC ra sao?
Vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng đăng ký bán cổ phiếu CSC (Cotana), dự thu hơn 1 triệu USD