Tin vui: Giáo viên được xếp lương cao nhất trong thang bậc hành chính, đãi ngộ riêng biệt, thêm cơ chế bảo vệ danh dự
Chính sách mới sẽ mang lại cho các nhà giáo chế độ đãi ngộ tốt hơn so với trước đây.
Tại chương trình tập huấn nâng cao năng lực thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 dành cho đội ngũ giảng viên đại học sư phạm do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức mới đây, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, nhà giáo sẽ được định danh là “viên chức đặc biệt”.
Theo đó, những người làm công tác giảng dạy sẽ được hưởng cơ chế bảo vệ và đãi ngộ riêng biệt. Đây là nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Nhà giáo, đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện và đã nhận được sự đồng thuận từ Quốc hội, Chính phủ. TS Vũ Minh Đức cũng nhấn mạnh, với đặc thù nghề nghiệp mà ở đó sản phẩm là con người thì nhà giáo cần một vị trí pháp lý riêng biệt.

Không đánh đồng nhà giáo với người lao động thông thường
Theo TS Vũ Minh Đức, trước đây giáo viên thuộc khu vực ngoài công lập chỉ được xem là người lao động bình thường, ký hợp đồng theo Bộ luật Lao động như bao ngành nghề khác. Điều này không còn phù hợp với tính chất đặc thù của nghề giáo.
Hiện nay, nhà giáo ở cả khu vực công lập lẫn ngoài công lập đều được xác định là những người lao động đặc biệt, cần có chính sách riêng để bảo đảm quyền lợi và giữ gìn phẩm chất nghề nghiệp.
Không phải ai dạy cũng được gọi là "nhà giáo"
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo là việc định danh “nhà giáo”. Theo ông Đức, có ý kiến đề xuất mở rộng khái niệm này đến cả những người dạy nghề tự do như dạy làm tóc, kỹ năng sống... Tuy nhiên, ban soạn thảo đã thống nhất rằng, nhà giáo theo luật này, chỉ bao gồm những người đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Những đối tượng khác sẽ được xem xét điều chỉnh trong Luật Giáo dục.

Lương cao nhất, nghỉ hè rõ ràng, có kinh phí bồi dưỡng
Dự thảo cũng đưa ra những chính sách cụ thể để bảo đảm điều kiện làm việc cho giáo viên như: Xếp lương cao nhất trong thang bậc lương hành chính, sự nghiệp; Phụ cấp ưu đãi theo nghề; Chế độ nghỉ hè rõ ràng cho giáo viên và cán bộ quản lý; Hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng bắt buộc cho cả giáo viên công lập và ngoài công lập.
Bên cạnh đó, dự luật cũng đề xuất giao quyền tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng, người đứng đầu cơ sở giáo dục. Trong trường hợp nhà trường không thể thực hiện, quyền này sẽ được chuyển cho cơ quan quản lý cấp trên.
Không để nhà giáo trở thành nạn nhân của mạng xã hội
Một điểm mới đáng chú ý khác là cơ chế bảo vệ danh dự, nhân phẩm nhà giáo trong môi trường làm việc và xã hội. Luật quy định rõ, khi một nhà giáo bị thanh tra, kiểm tra mà chưa có kết luận chính thức, thì không ai được phép phát tán thông tin gây ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm. Đây là điểm rất nhân văn, phù hợp với thực tiễn.
Thực tế, chỉ một tin đồn chưa kiểm chứng đã có thể khiến một giáo viên bị "ném đá" trên mạng xã hội, ảnh hưởng nặng nề đến uy tín và công việc. Luật cần có tiếng nói bảo vệ nhà giáo trong những tình huống như vậy.
>> Đại biểu Quốc hội: ‘Tự nguyện’ cũng không được dạy thêm, thu tiền
Bộ Nội vụ đề xuất trả lương công chức ‘ngang’ tư nhân để giữ chân nhân tài
Thay đổi trong quy định chi trả lương hưu từ 1/7/2025 người lao động cần biết