Bộ Nội vụ đề xuất trả lương công chức ‘ngang’ tư nhân để giữ chân nhân tài
Theo Bộ Nội vụ, việc điều chỉnh sẽ giúp công chức yên tâm công tác, giảm thiểu tiêu cực và tham nhũng, hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”.
Hiện Bộ Nội vụ đang xây dựng phương án trả lương công chức dựa trên vị trí việc làm. Theo đó, mức lương sẽ được căn cứ vào thu nhập bình quân mà khu vực tư nhân chi trả cho các vị trí tương đương. Nội dung này được đưa vào tài liệu tham khảo kinh nghiệm quốc tế, kèm theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Theo đó, việc điều chỉnh mức lương này kỳ vọng sẽ tạo động lực công tác, giúp công chức yên tâm làm việc, từ đó giảm tiêu cực và hành vi tham nhũng. Đồng thời, đây cũng là giải pháp ngăn tình trạng "chảy máu chất xám" sang khu vực tư nhân. Thực tiễn tại nhiều quốc gia cho thấy, việc trả lương theo mặt bằng thị trường lao động mang lại hiệu quả rõ rệt.

Tuy nhiên, đề xuất này hiện chưa được thể hiện cụ thể trong dự thảo luật. Văn bản mới chỉ nêu nguyên tắc chung: cán bộ, công chức được hưởng lương, thưởng theo vị trí việc làm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Khi thay đổi vị trí công tác, mức lương và các chế độ liên quan sẽ được điều chỉnh tương ứng.
Ngoài ra, dự thảo cũng xác định rõ các chế độ phụ cấp và ưu đãi dành cho cán bộ, công chức công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo hoặc trong lĩnh vực đặc thù như môi trường độc hại, nguy hiểm. Các khoản làm thêm giờ, công tác phí, chế độ làm việc vào ban đêm, ngày nghỉ và các khoản hỗ trợ khác cũng được đề cập. Những nội dung cụ thể sẽ do Chính phủ quy định.
Hiện nay, lương công chức vẫn đang được tính theo hệ số nhân với mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng (áp dụng từ tháng 7/2024). Với cách tính này, lương khởi điểm thấp nhất vào khoảng 3,1 triệu đồng/tháng, còn mức cao nhất có thể đạt 23,4 triệu đồng/tháng, chưa gồm các khoản phụ cấp.

Trong phần dẫn kinh nghiệm quốc tế, Bộ Nội vụ cho biết nhiều quốc gia đã thiết kế cơ cấu lương công chức theo hướng kết hợp giữa lương cơ bản, thưởng và các khoản phụ cấp (di chuyển, cư trú, khu vực sinh sống). Mức lương thường được xây dựng tiệm cận với thu nhập trung bình của xã hội, đặc biệt là khu vực tư nhân, nhằm đảm bảo tính cạnh tranh và thu hút nhân lực.
Tại Trung Quốc, bên cạnh lương chính, công chức còn nhận phụ cấp vùng, khu vực khó khăn, phụ cấp chức vụ, nhà ở và trợ cấp y tế. Những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ còn được thưởng cuối năm.
Tại Nhật Bản, chế độ lương thưởng do Hội đồng Nhân sự quốc gia xây dựng. Cơ quan này đề xuất lộ trình lương thưởng dựa trên loại hình công việc, điều kiện kinh tế và các yếu tố như thâm niên, mức độ phức tạp, hiệu quả công tác, làm thêm giờ hoặc công việc trong điều kiện đặc biệt. Các tiêu chuẩn này được trình Nghị viện và Nội các xem xét. Việc xây dựng thang lương dựa trên chi phí sinh hoạt, thu nhập trung bình khu vực tư nhân và các yếu tố hoàn cảnh đặc thù.

Thái Lan áp dụng cơ cấu lương công chức gồm lương cơ bản, phụ cấp, lương hưu và khoản thưởng trả hàng năm hoặc khi nghỉ hưu, thôi việc. Các công chức có đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật tốt và hiệu quả cao sẽ được xem xét điều chỉnh tăng lương.
Tại Mỹ, lương công chức được xác định theo hiệu suất công việc và có kèm thưởng khuyến khích. Việc điều chỉnh lương không dựa vào thâm niên mà theo chất lượng, kết quả công tác. Những vị trí có giá trị tương đương được trả lương ngang nhau, căn cứ trên thu nhập bình quân của quốc gia, địa phương và khu vực tư nhân.
New Zealand xác định mức thu nhập công chức dao động từ 1.333 đến 4.191 NZD/tháng (khoảng 20 - 63 triệu đồng). Các khoản này đã bao gồm phúc lợi nhà ở, đi lại và được tính theo trình độ học vấn, kinh nghiệm cá nhân.
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 khai mạc vào tháng 5 tới.
>> Bộ Nội vụ đề xuất trả lương chuyên gia tư vấn lên đến 120 triệu đồng/tháng
Công chức xếp loại ‘không hoàn thành nhiệm vụ’ có thể bị thôi việc sau 6 tháng
Sắp tới, công chức không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị cho thôi việc