Với vai trò chủ trì hội nghị quan trọng nhất của Hải quan ASEAN, Việt Nam sẽ là thành viên có trách nhiệm và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong khu vực ASEAN.
Thông tin tại họp báo về sự kiện quan trọng trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hải quan ASEAN của Hải quan Việt Nam, ngày 21/5, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan cho biết, đây là lần thứ 4 Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN sau các năm 1995, 2004 và 2014.
Hội nghị tập trung thảo luận 12 nội dung thuộc chương trình nghị sự, tập trung vào các nội dung bao gồm: thảo luận để thống nhất các chương trình và giải pháp, tiếp tục thực hiện và hoàn thành các mục tiêu xác định tại các Kế hoạch Chiến lược phát triển Hải quan ASEAN giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, tập trung vào một số nội dung ưu tiên như trao đổi chứng từ điện tử qua Một cửa ASEAN; triển khai hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS); lộ trình triển khai Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên trong ASEAN...
Bà Nga cho hay, với vai trò chủ trì hội nghị quan trọng nhất của Hải quan ASEAN, Việt Nam thể hiện là thành viên có trách nhiệm và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong khu vực ASEAN, qua đó nâng cao vị thế, vai trò của Hải quan Việt Nam, một cơ quan thành viên thuộc trụ cột cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Hợp tác, hội nhập khu vực quốc tế là xu thế chủ đạo, với trọng tâm là mở cửa nền kinh tế, tự do hóa thương mại, nhằm phát huy nguồn lực trong nước và tận dụng cơ hội bên ngoài.
>> BCG Energy trở thành công ty đại chúng, 'rục rịch' lên sàn UPCoM trong quý II/2024
Là nước thành viên ASEAN, Việt Nam đã hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, cũng như nỗ lực thực hiện các cơ chế hợp tác hải quan trong ASEAN hiện nay, nhằm tạo thuận lợi thương mại, hàng hóa tự do lưu thông và thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng trong khối.
Kể từ khi trở thành Thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã đạt được thành tựu lớn về phát triển kinh tế, quy mô nên kinh tế tăng gần 17 lần, từ 20,8 tỷ USD vào năm 1995 lên 430 tỷ USD vào năm 2023.
Với dân số hơn 660 triệu người, GDP năm 2022 đạt 3.660 tỷ USD, đứng thứ 3 châu Á và thứ 5 toàn cầu, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, ASEAN hiện nằm trong khu vực có nền kinh tế năng động nhất thế giới.
Nhằm mở rộng hội nhập kinh tế toàn cầu, ASEAN đã và đang đẩy mạnh triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... Do đó, hợp tác hải quan đóng vai trò rất quan trọng cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
>> 'Ông lớn' Bình Dương muốn xây khu công nghệ thông tin 220ha, thu hút 'đại bàng'