Tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước 'thắng lớn', hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI
Với lợi thế về số lượng khu công nghiệp, tỉnh này là địa điểm hấp dẫn được các nhà đầu tư FDI "chọn mặt gửi vàng".
Theo Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Đồng Nai (DIZA), tính đến ngày 29/7/2024, tổng vốn FDI thu hút vào tỉnh gần 1,02 tỷ USD, tương đương 146% kế hoạch năm.
Trong tổng số vốn đầu tư, các khu công nghiệp ở Đồng Nai đã thu hút 55 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 627 triệu USD, 67 lượt dự án tăng vốn mở rộng sản xuất với tổng vốn tăng 392 triệu USD.
Singapore dẫn đầu về vốn đầu tư vào các khu công nghiệp Đồng Nai với 9 dự án, tổng vốn 231,7 triệu USD, chiếm 36,98% tổng vốn đầu tư mới và 16,36% tổng số dự án thu hút.
Một số dự án được cấp phép tiêu biểu như: Dự án SLP PARK tại khu công nghiệp (KCN) Lộc An Bình Sơn với vốn đầu tư 121,4 triệu USD; dự án nhà máy của Công ty TNHH Công nghệ Global Star Việt Nam tại KCN Hố Nai với vốn đầu tư 33 triệu USD;
Dự án nhà máy của Công ty TNHH Công nghệ Tata Việt Nam tại KCN Nhơn Trạch 6 với vốn đầu tư 21 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất của Công ty TNHH NIPPN Việt Nam tại KCN Long Thành với vốn đầu tư 18 triệu USD;
Dự án Engineered Ceramics của Công ty TNHH Coherent Việt Nam tại KCN Nhơn Trạch 1 với vốn đầu tư 15 triệu USD...
Ngoài các dự án cấp phép mới, một số dự án tăng vốn cũng ghi nhận mức đầu tư đáng kể. Dự án nhà máy sản xuất cà phê của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tại KCN Long Bình (Amata) tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD, nâng tổng mức đầu tư lên 502 triệu USD. Dự án nhà máy sản xuất lốp xe của Công ty Cao su Kenda (Việt Nam) tại KCN Giang Điền cũng tăng 80 triệu USD, nâng tổng mức đầu tư lên 296 triệu USD.
>> Hơn 22 tỷ USD vốn đầu tư của Việt Nam 'xuất ngoại': Quốc gia 'anh em' được rót nhiều nhất
Bà Li Shu Ying, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anctek Việt Nam, cho biết doanh nghiệp mở rộng đầu tư tại Đồng Nai nhờ vào nguồn lao động dồi dào và chính sách giải quyết thủ tục nhanh chóng. Đồng thời, tỉnh đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông như sân bay và đường cao tốc, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa.
Trong cùng thời gian, DIZA cũng cấp phép cho 9 dự án đầu tư trong nước mở rộng tại các KCN, với số vốn tăng thêm 1.385 tỷ đồng, và 3 dự án mới với số vốn đăng ký 1.528,8 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư trong nước trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 2.913 tỷ đồng, thực hiện được 146% kế hoạch năm.
Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, các dự án FDI cấp phép mới vào các KCN trong 7 tháng đầu năm 2024 chủ yếu thuộc các ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử; cơ khí chế tạo; dệt; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn…
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có 33 KCN với tổng diện tích hơn 10.500ha - là tỉnh có nhiều KCN nhất cả nước. Trong đó, 32 khu công nghiệp đang hoạt động, với gần 2.100 doanh nghiệp thuê 6.000 ha đất để sản xuất và kinh doanh.
Hiện tại có gần 1.600 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 34 tỷ USD, đến từ 44 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các quốc gia đứng đầu về vốn đầu tư là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong khuôn khổ pháp luật. Bà cũng yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ và tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh việc thu hút FDI công nghệ cao là con đường nhanh nhất để nâng cao trình độ công nghệ, sản phẩm và quản lý. Ông cũng đề xuất các giải pháp như quy định chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư công nghệ cao và xây dựng đề án đào tạo nhân lực cho thẩm định dự án công nghệ cao.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu DIZA xem xét chuyển giao công nghệ như một yếu tố quan trọng khi thẩm định dự án và quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đồng thời, tỉnh sẽ khẩn trương xây dựng các Khu Công nghệ cao Cẩm Mỹ, Khu Công nghệ cao Long Thành và một số KCN khác để thu hút các dự án công nghệ cao.
Kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD của tỷ phú giàu thứ 2 châu Á: Hé lộ những 'siêu' công trình tại Việt Nam
Tỉnh có thành phố hơn 750 năm tuổi sắp 'xoá sổ' 1 huyện, sáp nhập nhiều xã