Tỉnh đông dân nhất Việt Nam sẽ có sân bay quốc tế, quy hoạch 18.000km2 không gian biển 'bứt phá' du lịch
Thanh Hóa có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái và du lịch biển.
Sân bay quốc tế và quy hoạch không gian biển tại Thanh Hóa
Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, theo quy hoạch tổng thể, Thanh Hóa nâng cấp Cảng hàng không Thọ Xuân lên sân bay quốc tế để phục vụ nhu cầu của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội tỉnh. Theo đó, tầm nhìn 2030, sân bay đáp ứng công suất 5 triệu khách/năm, đến năm 2050 nâng lên công suất 7 triệu khách/năm.
Hiện tại, Cảng hàng không Thọ Xuân đạt quy mô cấp sân bay 4C, bảo đảm khai thác các loại tàu bay code C (như A320/A321 và tương đương); sân đỗ tàu bay đáp ứng 6 vị trí; nhà ga hành khách công suất khoảng 1,2 triệu hành khách/năm.
Những năm qua, Cảng hàng không này chủ yếu khai thác đường bay quốc tế, đã thực hiện một số chuyến bay quốc tế không thường lệ (charter).
Về đầu tư phát triển Cảng hàng không Thọ Xuân, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang rà soát, cân đối nguồn lực để đầu tư, mở rộng các công trình thiết yếu theo quy hoạch. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng nghiên cứu đề án huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, khai thác Càng hàng không Thọ Xuân.
Bên cạnh đầu tư, mở rộng quy mô Cảng hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa còn quy hoạch để phát huy lợi thế biển.Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là quy hoạch đầu tiên được xây dựng theo Luật Quy hoạch, sẽ tạo lập cơ sở pháp lý để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển, đảo Việt Nam, trong đó có 18.000 km2 diện tích biển thuộc tỉnh Thanh Hóa. Quy hoạch này được xem là "chìa khóa" tạo tiền đề cho Thanh Hóa bứt phá trong tương lai.
"Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là ngành công nghiệp không khói tỉnh cần đặc biệt quan tâm, có nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng gắn với du lịch biển bởi Thanh Hóa là một trong những địa phương có thế mạnh về du lịch biển rất lớn", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Vùng "quê Vua đất Chúa", nhiều tiềm năng phát triển du lịch
Người xưa có câu: “Vua xứ Thanh, thần xứ Nghệ” bởi Thanh Hóa là đất “đế vương chung hội” khi đa số vua, chúa đều xuất thân từ nơi đây.
Theo sử sách để lại, Thanh Hóa là "cái nôi" sinh ra nhiều vua chúa nhất Việt Nam với 4 triều vua: nhà Tiền Lê (3 người), nhà Hồ (2 người), nhà Hậu Lê (26 người) và nhà Nguyễn (13 người); bên cạnh đó, còn 2 dòng là chúa Trịnh và chúa Nguyễn.
Là nơi hội tụ các bậc đế hương, anh hùng hào kiệt. Thanh Hóa có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa, lịch sử. Nơi đây có Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu... Đặc biệt, địa phương này còn bảo tồn, phát huy nguồn tài nguyên văn hóa phi vật thể như các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống Hò sông Mã, hát xẩm xoan, múa sạp, múa xòe...
Vể lợi thế biển, Thanh Hóa hội tụ những bãi tắm nổi tiếng như Sầm Sơn, Hải Tiến, Bãi Đông... là điểm đến được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Nếu như Sầm Sơn đã rất nổi tiếng, quen thuộc với du khách thì Hải Tiến và Bãi Đông là hai điểm đến mới nổi, sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, bình yên, chưa có nhiều tác động của con người nên phù hợp với những người yêu thích, trải nghiệm cảm giác gần gũi với thiên nhiên, biển cả.
Về du lịch sinh thái, Thanh Hóa có nhiều hang động và các địa danh, di sản thiên nhiên độc đáo, như hang Con Moong, động Tiên Sơn, hang Từ Thức, thác Bảy tầng, vườn quốc gia Bến En, khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông... Các điểm đến này đều nằm trong các hành trình tour tạo được sự hài lòng, thu hút du khách trong nước.
Hiện nay, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa tăng rõ rệt. Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2024, du lịch tỉnh Thanh Hóa đón gần 9,8 triệu lượt khách, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2023 và đạt 71% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 261 nghìn lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 19,8 nghìn tỉ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thanh Hóa đặt mục tiêu năm 2024 đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu đề ra, trong 6 tháng cuối năm 2024, Thanh Hóa tổ chức các hoạt động liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trọng điểm về phát triển du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Lâm Đồng… Đồng thời, tỉnh cũng tích cực đón các đoàn khu vực Đông Nam bộ, miền Trung và Tây Nguyên và các đoàn famtrip các nước châu Á đến tư vấn hoàn thiện tour tuyến du lịch và tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến.
Thanh Hoá nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, có diện tích hơn 11.000 km2 và là tỉnh rộng thứ 5 cả nước.
Với dân số 3,72 triệu người (số liệu năm 2022), Thanh Hoá là tỉnh đông dân nhất Việt Nam, chỉ sau 2 thành phố trực thuộc trung ương là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
>> Tuyến đường ven biển hơn 2.000 tỷ đi qua tỉnh hẹp nhất Việt Nam thúc đẩy du lịch biển 'cất cánh'