Tỉnh giàu nhất miền Tây 'nâng tầm' một huyện trở thành cửa ngõ giao lưu thương mại
Tỉnh này sẽ đưa một huyện trở thành điểm kết nối các đô thị trong hệ thống đô thị tỉnh, phụ cận với dân số quy hoạch khoảng 500.000 người vào năm 2045 và trở thành cửa ngõ giao lưu thương mại của tỉnh.
Ngày 2/10, UBND tỉnh Long An cho biết đã bắt đầu triển khai đồ án quy hoạch chung đô thị Cần Giuộc với tỉ lệ 1/10.000, hướng đến năm 2045.
Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ 14 xã và 1 thị trấn Cần Giuộc, với tổng diện tích hơn 21.510ha.
Khu vực này giáp huyện Bình Chánh (TP. HCM) ở phía Bắc, huyện Nhà Bè (TP. HCM) ở phía Đông Bắc, huyện Bến Lức (Long An) ở phía Tây Bắc, huyện Cần Đước (Long An) ở phía Nam và Tây Nam và huyện Cần Giờ (TP. HCM) ở phía Đông, với ranh giới là sông Soài Rạp.
Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030 là phát triển đô thị Cần Giuộc đạt tiêu chí đô thị loại III, trở thành trung tâm kinh tế phía Đông Nam của tỉnh Long An.
Quy hoạch khai thác thế mạnh liên kết với khu vực tiếp giáp TP. HCM, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các vùng phụ cận của tỉnh Long An với định hướng phát triển cơ sở hạ tầng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo định hướng tổng thể, Cần Giuộc sẽ phát triển đô thị gắn với Cảng quốc tế Long An, trở thành đô thị trọng điểm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hỗ trợ giảm áp lực dân số cho TP. HCM.
Cần Giuộc cũng sẽ đóng vai trò là vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội, trung tâm công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp kỹ thuật cao của Long An với công nghiệp - đô thị và dịch vụ cảng là lĩnh vực chủ đạo.
Với vị trí kết nối giữa các đô thị trong tỉnh Long An và các đô thị lân cận như Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ (TP. HCM) và Bến Lức, Cần Đước (Long An), Cần Giuộc được định hướng trở thành đầu mối giao thông đường thủy và đường bộ, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ.
Dự báo dân số của đô thị đến năm 2030 đạt khoảng 380.000 người và tăng lên 500.000 người vào năm 2045.
Về đất đai, đến năm 2030, diện tích đất xây dựng đô thị dự kiến khoảng 11.000 - 12.500ha và đến năm 2045 khoảng 14.000 - 14.500ha.
Đô thị Cần Giuộc sẽ phát triển trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế, cửa ngõ giao lưu thương mại với Cảng quốc tế Long An và khu kinh tế ven biển Long An là động lực tăng trưởng.
Từ đó, địa phương sẽ ưu tiên phát triển hệ thống công nghiệp đa ngành, cảng và hậu cần cảng, logistics, du lịch, thương mại, và đô thị gắn với bảo vệ môi trường.
Khu nội thị bao gồm thị trấn Cần Giuộc và 8 xã: Long Hậu, Phước Lại, Long An, Phước Vĩnh Tây, Phước Vĩnh Đông, Tân Tập, Đông Thạnh, và Long Phụng, chiếm 72,1% diện tích tự nhiên.
Các xã trong khu vực nội thị được định hướng lên phường. Khu ngoại thị gồm các xã Phước Lý, Long Thượng, Mỹ Lộc, Phước Hậu, Phước Lâm, và Thuận Thành, chiếm 27,9% diện tích tự nhiên, với định hướng gộp địa giới hành chính giữa xã Mỹ Lộc và Phước Hậu, xã Phước Lâm và Thuận Thành.
Tỉnh Long An lọt danh sách 5 tỉnh giàu nhất miền Tây vào năm 2022. Thu ngân sách năm 2023 của tỉnh Long An đạt ngưỡng 21.000 tỷ đồng và thu hút đầu tư trong và ngoài nước trên địa bàn đều tăng so với cùng kỳ.
Theo Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ xây mới 2 tuyến đường sắt đô thị, nâng cấp 53 tuyến đường tỉnh.
Tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam 'lên kệ' 17 dự án nhà ở xã hội quy mô 23.000 căn
TPHCM: Thông xe hầm chui đầu tiên tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ