Tỉnh miền Bắc sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ sở hữu ô tô cao nhất cả nước
Theo kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 0 giờ 1/4/2024, tại Việt Nam có 9,0% hộ gia đình sử dụng ô tô, cao hơn so với năm 2019 (5,7%). Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô ở thành thị là 13,3%, cao hơn ở nông thôn là 6,2%.
Tính chung cả thành thị và nông thôn, địa phương có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô dẫn đầu cả nước là Quảng Ninh (17,7%); ở vị trí thứ hai là Thái Nguyên (17,4%). Những vị trí tiếp theo lần lượt là Vĩnh Phúc (17,1%), Đà Nẵng (15,8%), Hà Nội (15%).
Trong khi đó, theo kết quả điều tra năm 2019, các tỉnh thành có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô cao nhất thời điểm đó là Hà Nội (12%), Đà Nẵng (10,7%), Thái Nguyên (10,3%).
Như vậy, Quảng Ninh đã vượt qua Hà Nội, Đà Nẵng và Thái Nguyên để trở thành địa phương có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô cao nhất cả nước. Tính trung bình cứ 5,6 hộ thì có 1 hộ tại Quảng Ninh có ô tô.
Quảng Ninh là một trọng điểm kinh tế, là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Tỉnh có hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, tạo lợi thế vượt trội để phát triển cho địa phương.
Không chỉ chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông ở những vùng đô thị mà Quảng Ninh còn đặc biệt quan tâm đầu tư tại các khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo. Giao thông được kết nối đồng bộ với các vùng miền đã góp phần giảm khoảng cách vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Quảng Ninh là địa phương có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô cao nhất cả nước - Ảnh: Báo Kinh tế đô thị |
Đến nay, Quảng Ninh sở hữu 6.300km đường bộ. Trong đó, có tuyến cao tốc Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn-Móng Cái dài 176km, 7 tuyến quốc lộ, 14 tuyến tỉnh lộ. Đặc biệt, tuyến đường cao tốc Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn-Móng Cái được coi là trục giao thông xương sống của tỉnh.
Tuyến đường này kết nối trực tiếp, đồng bộ với cả 3 khu vực kinh tế gồm: khu kinh tế ven biển Quảng Yên, khu kinh tế Vân Đồn và khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái. Ngoài ra, tuyến đường này còn tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông theo trục hướng Lạng Sơn đi Móng Cái, Vân Đồn, Hạ Long cũng như phát huy công năng của Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn.
Trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Ninh bám sát định hướng quy hoạch cấp quốc gia để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh đảm bảo đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với các hành lang phát triển kinh tế (hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế ven biển từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Cà Mau).
Theo nội dung Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng. Theo đó, địa phương này sẽ không hình thành các quận mà sẽ hình thành vùng nội thị bao gồm các thành phố trong thành phố, được liên kết bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiên tiến như hệ thống giao thông công cộng đô thị, hạ tầng kỹ thuật thông tin truyền thông,...
Căn cứ theo Tiêu mục 1 Mục 4 Quyết định 80/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị.
Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính với 13 đô thị; Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập thị xã Tiên Yên.
Tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương vừa xác lập một kỷ lục mới
Tỉnh sắp lên Thành phố trực thuộc Trung ương lập kỷ lục về tăng trưởng GRDP trong 10 năm qua