Tòa nhà chọc trời 57 tầng lập kỷ lục xây chỉ trong 19 ngày ở nước gần Việt Nam: Diện tích lên đến 180.000m2, sức chứa 4.000 người
Công trình này "nổi như cồn" khắp thế giới về độ hoành tráng, lập kỷ lục về tốc độ thi công.
Trung Quốc, với tốc độ đô thị hóa đáng kinh ngạc, đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng và độ cao của các tòa nhà chọc trời. Những công trình kiến trúc đồ sộ này không chỉ là biểu tượng của sự phát triển kinh tế mà còn là những kỳ quan kiến trúc, thu hút sự chú ý của cả thế giới.
Một trong những công trình nổi bật tại Trung Quốc khiến bạn bè quốc tế kinh ngạc là Mini Sky City tại tỉnh Hồ Nam. Vào năm 2015, một công ty Trung Quốc đã tuyên bố hoàn thành tòa nhà chọc trời nhanh nhất thế giới. Theo nhiều nguồn tin, Mini Sky City, với 57 tầng, diện tích 180.000 m2, đã được xây dựng trong vỏn vẹn 19 ngày. Ban đầu, Công ty Broad Sustainable Building (BSB) dự định xây dựng tòa nhà 97 tầng nhưng do một số yếu tố khách quan đặc biệt là vị trí gần sân bay, quy mô đã được giảm xuống còn 57 tầng.
Mini Sky City không chỉ là một kỳ quan kiến trúc với 19 giếng trời, sức chứa lên đến 4.000 người và 800 căn hộ mà còn được thiết kế để đảm bảo an toàn trước thiên tai, đặc biệt là động đất. Đây thực sự là một thành tựu lớn trong lĩnh vực xây dựng của Trung Quốc.
Nhiều người thắc mắc làm thế nào công ty có thể hoàn thành tòa nhà 57 tầng trong thời gian ngắn ngủi như vậy. Thực tế, Công ty BSB đã cách mạng hóa quá trình xây dựng Mini Sky City bằng phương pháp lắp ghép các module tiền chế. Mỗi module được sản xuất sẵn tại nhà máy, sau đó được vận chuyển đến công trường và lắp ráp nhanh chóng, cho phép hoàn thành trung bình ba tầng mỗi ngày. Trong suốt 19 ngày xây dựng, quá trình thi công chỉ bị gián đoạn hai lần do điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Phương pháp xây dựng tiền chế đã chứng tỏ hiệu quả trong việc xây dựng các tòa nhà cao tầng một cách nhanh chóng, an toàn và đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia. Nhiều chung cư cao tầng tại Anh và Mỹ cũng đã áp dụng phương pháp này để tối ưu hóa hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng các module có sẵn cũng đặt ra câu hỏi về tính thẩm mỹ và sự đa dạng trong kiến trúc. Một số chuyên gia lo ngại rằng phương pháp này có thể dẫn đến sự đơn điệu và thiếu cá tính trong cảnh quan đô thị.
Ngoài Mini Sky City, công ty BSB ở Trung Quốc còn có kế hoạch xây dựng một công trình khác mang tên Sky City, cũng tại tỉnh Hồ Nam. Với tham vọng xây dựng tòa nhà cao nhất thế giới, Sky City dự kiến sẽ có 220 tầng và đạt độ cao ấn tượng 838m. Điều đặc biệt ở dự án này là kế hoạch hoàn thành siêu tốc trong vòng 90 ngày, đặt ra một thách thức lớn cho ngành xây dựng toàn cầu.
Theo thiết kế, Sky City sẽ là một thành phố thu nhỏ trên không, có khả năng chống động đất và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho 174.000 người. Ngoài các căn hộ, tòa nhà còn bao gồm khách sạn, trường học, bệnh viện, văn phòng, cửa hàng và nhà hàng. Đáng chú ý, BSB ước tính dự án này sẽ có chi phí xây dựng thấp hơn nhiều so với tòa nhà cao nhất thế giới hiện tại - Burj Khalifa. Khi hoàn thành, Sky City cũng sẽ "vượt mặt" Burj Khalifa về độ cao.